TS.Lê Xuân Nghĩa: Cần phải có một Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thống nhất, độc lập
Đó là quan điểm của TS.Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia với Báo Đầu tư Chứng khoán.
Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất về vị trí độc lập của UBCKNN. Đây là vấn đề rất quan trọng liên quan trực tiếp đến an toàn và hiệu quả của thị trường tài chính trong quá trình phát triển.
Ngay từ khi ra đời với cái tên là UBCKNN đã hàm ý nó sẽ là một cơ quan độc lập, nhưng vì nhiều lý do cuối cùng nó lại trực thuộc Bộ Tài chính.
Đây là UBCKNN nghĩa là nó liên quan trực tiếp đến những vấn đề chuyên ngành cũng như liên ngành. Đây là cơ quan quản lý chuyên nghiệp về một bộ phận quan trọng của thị trường tài chính. Và vì là một bộ phận của thị trường tài chính nó bị chi phối bởi nhiều yếu tố phức tạp như thị trường tiền tệ, thị trường hối đoái, thị trường vàng và thị trường hàng hóa. Đồng thời, nó cũng bị chi phối bởi những tác động từ thị trường tài chính quốc tế và nhiều chính sách kinh tế khác.
Bộ Tài chính là cơ quan quản lý ngân khố quốc gia, mà đặc trưng là tài chính công, tài chính Chính phủ. Bộ Tài chính không nên quản lý các định chế tài chính (cho dù thông qua UBCKNN) là thành viên của thị trường rộng lớn này với những hoạt động rất phức tạp và biến động từng giờ với nhiều rủi ro lớn, trong khi ngân khố quốc gia coi trọng tính ổn định và an toàn là chính.
Không thể nào trong một cơ quan quản lý lại có 2 triết lý quản lý hoàn toàn trái ngược nhau, cấu trúc tổ chức rất khác nhau và đòi hỏi các chuẩn mực giám sát an toàn rất khác nhau.
Đây cũng là lý do chủ yếu mà hầu hết các nước trên thế giới duy trì tính độc lập, đặc thù của UBCK một thị trường có tốc độ tăng trưởng rất nhanh và rủi ro rất lớn.
Chẳng hạn, GDP toàn cầu (kinh tế thực) có giá trị gần 60 ngàn tỷ USD, trong khi giá trị của thị trường tài chính toàn cầu (kinh tế ảo) lên tới trên 300 ngàn tỷ USD. Đặc biệt, thị trường phái sinh toàn cầu có tốc độ tăng chóng mặt, phái sinh lãi suất và hối đoái tăng 50-55%/năm, phái sinh chứng khoán có tốc độ tăng trên 60%/năm. Việc quản lý giám sát một thị trường như vậy là một thách thức lớn đòi hỏi một cơ quan quản lý thống nhất, chuyên nghiệp và độc lập.
Trong thực tế thị trường tài chính Việt Nam, việc UBCKNN có vị trí độc lập trực thuộc Chính phủ có phải là một nhu cầu bức thiết không?
Thị trường chứng khoán Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm thuộc nhóm tăng nhanh nhất thế giới trong 10 năm qua. Giá trị vốn hóa toàn thị trường đã đạt 70%GDP, dự báo với tốc độ tăng như trên trong vòng 10 năm tới giá trị vốn hóa có thể gấp 2 lần GDP.
Mặt khác, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào thị trường tài chính quốc tế với sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài và các chuẩn mực tài chính quốc tế.
Đây là những yếu tố khiến cho cấu trúc thị trường ngày càng phức tạp, kỹ thuật giao dịch, thanh toán, giám sát ngày càng hiện đại và tác động của thị trường tài chính quốc tế ngày càng lớn và biến động rất khó lường.
Điều này đòi hỏi phải có một cơ quan quản lý thị trường tập trung, chuyên sâu và độc lập đủ khả năng kiểm soát và ứng phó nhanh nhạy với những biến động của thị trường tài chính. Chỉ có tồn tại độc lập, tập trung và trực thuộc Chính phủ, UBCK Nhà nước mới có đủ địa vị pháp lý, năng lực thể chế và nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hệ thống quản lý, giám sát và thanh toán, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.
Liệu UBCKNN tồn tại độc lập có phải là một đòi hỏi của cải cách thể chế đang diễn ra rất mạnh ở Việt Nam không thưa ông?
Đúng thế, cải cách thể chế là để nâng cao năng lực thể chế (quản lý, giám sát, xử lý khủng hoảng….). Như trên đã phân tích, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển rất nhanh cả về hàng hóa, cấu trúc thị trường và hệ thống thanh toán đòi hỏi phải nâng cao nhanh chóng năng lực thể chế quản lý theo hướng tập trung, thống nhất và chuyên nghiệp tiệm cận với chuẩn mực quốc tế tránh tình trạng ngập ngừng, nửa vời và bất cập như hiện nay.
Cũng không nên ngần ngại việc tăng thêm một cơ quan trực thuộc Chính phủ nếu điều đó là cần thiết.
UBCKNN Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Quốc tế về Cơ quan Quản lý Chứng khoán (IOSCO). IOSCO có bộ tiêu chuẩn riêng về UBCK và các chuẩn mực thanh tra, giám sát, quản lý khủng hoảng.
Một UBCKNN độc lập mới có đủ điều kiện pháp lý và nguồn lực để áp dụng các chuẩn mực nói trên đảm bảo cho việc phát triển thị trường chứng khoán an toàn, hiệu quả. Báo cáo đánh giá khu vực tài chính của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đề xuất Việt Nam nên sớm cải tổ cơ quan quản lý chứng khoán theo hướng tập trung, thống nhất và độc lập để đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của thị trường chứng khoán.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận