24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Duy Thịnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

TS. Chử Văn Lâm: Cần có những giải pháp trong dài hạn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Để đạt mục tiêu tăng quy mô của thị trường trái phiếu lên mức tối thiểu 25% GDP vào năm 2030, cần phải có những cơ chế thu hút đầu tư dài hạn thực sự hấp dẫn, theo TS. Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam...

Ngày 17/5, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Moody’s Ratings và VIS Rating tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm”.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, chia sẻ rằng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường vốn và các dịch vụ tài chính ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Trong đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành kênh huy động vốn hiệu quả trong trung và dài hạn đối với doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp bảo đàm hài hòa nguồn vốn, giảm sự phụ thuộc vốn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng. Giai đoạn 2018-2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc, nhất là về khối lượng phát hành với tốc độ trung bình hàng năm khoảng 45%.

Tuy nhiên, theo TS. Chử Văn Lâm, mặc dù được cải thiện nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng, vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đó là vấn đề về minh bạch thông tin, việc tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp phát hành trái phiếu; việc thực hiện các cam kết với nhà đầu tư cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn…

“Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nguyên nhân của những bất cập này chủ yếu từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế-chính trị thế giới cũng như vấn đề niềm tin và thanh khoản thị trường trong nước”, TS. Chử Văn Lâm chia sẻ.

Ngoài ra, riêng thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư chủ yếu do sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý; một số phương tiện đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu dẫn đến việc nhà đầu tư ồ ạt bán lại trái phiếu, kể cả với doanh nghiệp có tình hình sản xuất kinh doanh tốt.

Hay hiện tượng một số ngân hàng định hướng người gửi tiền tiết kiệm chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ…

“Để kịp thời chấn chỉnh, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các giải pháp về rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý giám sát và chủ động thông tin, tuyên truyền để lấy lại niềm tin thị trường”, TS. Chử Văn Lâm cho hay.

Nhằm từng bước phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo đúng thông lệ quốc tế, cơ quan chức năng xác định quan điểm tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng ổn định, lành mạnh; không tạo ra tâm lý tẩy chay trái phiếu doanh nghiệp, tránh tình trạng nhà đầu tư yêu cầu tất toán, mua lại trước hạn trái phiếu hàng loạt. Cùng với đó là những giải pháp thực hiện trong dài hạn để thị trường này tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp.

“Tuy vậy, để đạt mục tiêu tăng quy mô của thị trường trái phiếu lên mức tối thiểu 25% GDP vào năm 2030, cần phải có những cơ chế thu hút đầu tư dài hạn thực sự hấp dẫn”, TS. Chử Văn Lâm cho hay

Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản, để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp chủ động, kịp thời công bố thông tin chính thống cho nhà đầu tư nhằm tăng cường tính công khai minh bạch để từng bước thúc đẩy phát hành trái phiếu huy động vốn.

Với mục tiêu đó, TS. Chử Văn Lâm nhấn mạnh rằng Moody’s Ratings và VIS Rating phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” để có thể chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và việc áp dụng cho Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu nâng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp lên mức tối thiểu 25% GDP vào năm 2030.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả