TS. Cấn Văn Lực: Các động lực tăng trưởng đang phục hồi, cơ hội nhiều hơn thách thức
Theo TS. Cấn Văn Lực, bối cảnh hiện nay cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức, nhà đầu tư cần phải biết khẩu vị rủi ro của mình để đa dạng hóa danh mục đầu tư, sử dụng đòn bẩy hợp lý.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia (Ảnh: Chí Cường)
Trình bày tham luận tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến” diễn ra chiều nay (6/6), TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã cung cấp một số thông tin về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, từ đó nhận định rõ đâu là các cơ hội, thách thức và đưa ra hàm ý cho giới đầu tư.
Theo TS. Cấn Văn Lực, kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục giảm đà tăng trưởng (tăng 2,7% từ mức 3% năm 2022) và dự báo có thể tăng khoảng 2,7% năm 2024 và 2,8% năm 2025 (theo UN).
Về lạm phát, số liệu thống kê và dự báo của WB cho thấy, lạm phát đã giảm từ mức 8,6% năm 2022 xuống còn 5% năm 2023; dự kiến 3,5 - 4% năm 2024 và 3% năm 2025.
Thương mại toàn cầu tăng 0,6% năm 2023 và IMF dự báo sẽ tăng 2,5 - 3% năm 2024 và 3,3% năm 2025.
Ngoài ra, xu hướng chung là lãi suất giảm; tiếp tục xu hướng chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.
Dự báo tăng trưởng GDP và CPI bình quân năm 2024 - 2025 của Việt Nam. (Nguồn: Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV)
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, 4 rủi ro, thách thức chính trong năm 2024 - 2025 là xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Đáng lưu ý, lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao.
Bên cạnh đó, đà phục hồi chậm lại ở 1 số nước (Mỹ, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc…), kéo theo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 thấp hơn năm 2023, nhưng sẽ phục hồi dần trong năm 2025. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; biến đổi khí hậu bất thường.
Phân tích các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các động lực tăng trưởng đang phục hồi, dù không đồng đều.
Cụ thể, nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa (nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ…) ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, góp phần giảm bớt áp lực đối với chính sách tiền tệ.
Đồng thời, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất giảm, tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán tăng khá nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường và bất động sản đang dần phục hồi.
TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý, các xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng… tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số, tài chính xanh, đầu tư xanh.
Đặc biệt, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, thông qua việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản, Australia, nhờ đó sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch…
Bên cạnh đó, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế được thúc đẩy, điển hình là đẩy nhanh thời điểm áp dụng các luật mới ban hành như Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng… lên sớm hơn 5 tháng, góp phần thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tài chính – ngân hàng trở nên lành mạnh, bền vững hơn.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các động lực tăng trưởng đang phục hồi, dù không đồng đều. (Ảnh: Chí Cường)
Tuy nhiên, ông Lực cũng lưu ý các thách thức như du lịch (nhất là quốc tế) phục hồi mạnh nhưng chi tiêu còn ít; sản xuất công nghiệp phục hồi từ tháng 5/2023, tuy nhiên chưa vững chắc; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn chủ yếu do vấn đề pháp lý, môi trường kinh doanh; vốn đầu tư tư nhân còn thận trọng; thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhưng còn chậm; Thể chế cho các lĩnh vực mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn….) còn chậm ban hành trong khi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ còn diễn ra…
TS. Cấn Văn Lực cho biết, năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn khoảng 213,5 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản khoảng 80.000 tỷ đồng (37%), là những con số không đáng lo ngại.
Từ các phân tích trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bối cảnh hiện nay cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức, nhà đầu tư cần phải biết khẩu vị rủi ro của mình để đa dạng hóa danh mục đầu tư, sử dụng đòn bẩy hợp lý, hạn chế tâm lý FOMO, chú trọng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ “chuyên môn” của các trung gian tài chính khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận