menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thái Bảo

TS. Cấn Văn Lực: 6 lý do cần sớm luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

TS. Cấn Văn Lực cho rằng Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả tốt trong thời gian qua, nhờ đó bức tranh nợ xấu giảm rõ rệt.

Sáng 13/7, Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức toạ đàm “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm”.

Tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia dự báo tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2%, tỷ lệ nợ xấu gộp ở mức 6%. Hiện tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ đang ở mức 1,4%. Tuy nhiên sau 6 tháng vừa qua, Thông tư 14 hết hiệu lực và nếu không được gia hạn thì một số khoản nợ sẽ phải chuyển nhóm và làm gia tăng nợ xấu.

screenshot-2022-07-13-184652-1-4166-9630 data-natural-width640

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại tọa đàm “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm” sáng ngày 13/7. Ảnh chụp màn hình sự kiện

TS. Cấn Văn Lực cho biết trong bối cảnh kinh tế bất định, vẫn còn rất nhiều khó khăn thời gian sắp tới, nếu không luật hóa Nghị quyết 42 sẽ tạo ra khoảng trống rất lớn về pháp lý, gây khó khăn trong xử lý nợ xấu. Do đó, Kinh tế trưởng BIDV đã chỉ ra 6 lý do cần luật hóa Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Thứ nhất, ông Lực cho rằng Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả tốt trong thời gian qua, nhờ đó bức tranh nợ xấu giảm rõ rệt. Đặc biệt, nếu không có dịch Covid bùng phát năm 2020 và 2021 thì "sứ mệnh" của Nghị quyết 42 đã đưa nợ xấu gộp xuống dưới 3% đã hoàn thành cuối năm 2020.

Lý do thứ hai, TS. Cấn Văn Lực cho rằng trong thời gian thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn tồn động một số vướng mắc trong xử lý nợ xấu phải thực hiện trước 31/12/2023. Sau đó, khi luật hóa xử lý nợ xấu thì phải lưu ý các vướng mắc đó để không lặp lại.

Thứ ba, vị chuyên gia nhận định nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng và có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, ông Lực cũng cho rằng làm nghề kinh doanh tiền tệ luôn đi kèm là rủi ro, tiềm ẩn nợ xấu. Vì thế các ngân hàng nước ngoài thường chấp nhận tỷ lệ nợ xấu khoảng 2-3%. Nợ xấu liên tục xảy ra, không phải chỉ xuất hiện trong thời kỳ kinh tế khó khăn do đó chuyên gia cho rằng cần phải có một khung pháp lý cho việc xử lý nợ xấu, không để nợ xấu cộng dồn, tích tụ tạo nên những nguy cơ, những điểm tắc nghẽn cho kinh tế quốc gia.

Thứ tư, ông Lực cho rằng việc luật hoá Nghị quyết 42 góp phần hoàn thiện thể chế, tăng tính hiệu lực, hiệu quả cho pháp luật. Nếu không luật hóa xử lý nợ xấu, quay trở về dùng những luật cũ như Luật dân sự, Luật doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc lúng túng và chồng chéo.

Qua khảo sát kinh nghiệm quốc tế, TS. Cấn Văn Lực nhận thấy ở các nước khác không cần có luật riêng về xử lý nợ xấu nhưng luật pháp của họ rất mạnh, tính hiệu lực, hiệu quả rất rõ rệt. Trong khi đó, theo nhận định của vị chuyên gia, hệ thống luật pháp của Việt Nam còn chồng chéo và tính hiệu lực, hiệu quả của các bộ luật liên quan không cao. Chính vì vậy, Việt Nam cần xây dựng giải pháp đặc thù như Nghị quyết 42.

Cuối cùng, việc luật hoá Nghị quyết 42 sẽ góp phần khắc phục bất cập, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu, qua đó giúp tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan cũng như phát triển nền kinh tế.

Liên quan đến lộ trình luật hóa Nghị quyết 42, TS. Cấn Văn Lực đề xuất hai bước. Trong đó, bước đầu tiên như Quốc hội đã phê duyệt, Nghị quyết 42 cần được gia hạn đến 31/12/2023. Như vậy từ nay đến trước thời điểm đó, các đơn vị liên quan phải chuẩn bị các bước để luật hóa xử lý nợ xấu không tạo ra khoảng trống pháp lý.

Tiếp đó, bước thứ hai song song với quá trình chuẩn bị luật hóa, các đơn vị liên quan cần tháo gỡ, xử lý các vướng mắc. Sau đó, việc luật hóa xử lý nợ xấu cần xây dựng theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế. TS. Cấn Văn Lực đề ra hai phương án, trong đó cần có bộ luật riêng về xử lý nợ xấu hoặc có một chương trong Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại