menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lý Bằng

Truyền hình An Viên "biến" thành VivaTV và cuộc 'đấu khẩu' giữa Phạm Nhật Vũ với bầu Kiên

Sau hơn 3 năm truyền hình An Viên của CTCP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) của Phạm Nhật Vũ mang tên Truyền hình MobiTV, kênh truyền hình này lại trở về với tên gọi Truyền hình An Viên sau khi hợp đồng mua lại 95% cổ phần AVG của Mobifone bị hủy.

Tháng 9/2019, Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) thông báo từ ngày 15/9/2019, hệ thống truyền hình VivaTV sẽ thay thế cho tên gọi cũ MobiTV. Và truyền hình An Viên cũng đổi tên thành VivaTV. Trên góc phải màn hình TV có sử dụng dịch vụ của AVG xuất hiện logo VivaTV khiến người xem tỏ ra tò mò không hiểu chuyện gì đang diễn ra với thương hiệu AVG.

AVG tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền từ cuối năm 2011 với thương hiệu truyền hình An Viên, cung cấp cả dịch vụ truyền hình trả tiền số mặt đất và truyền hình số vệ tinh. Sau khi MobiFone công bố mua 95% cổ phần AVG, thương hiệu này đổi tên thành MobiTV vào tháng 4/2016, từng công bố đạt một triệu thuê bao hồi tháng 10/2016.

Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng công bố thanh tra dự án MobiFone mua AVG, hai bên ký thỏa thuận hủy bỏ, chấm dứt giao dịch. MobiTV cũng được bàn giao lại cho AVG, song đến nay mới đổi tên.

Truyền hình An Viên "biến" thành VivaTV và cuộc 'đấu khẩu' giữa Phạm Nhật Vũ với bầu Kiên
Giao diện trang chủ VivaTV.

VivaTV đang cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất DTT và dịch vụ truyền hình số vệ tinh DTH với mức cước dao động 30.000-60.000 đồng mỗi tháng.

AVG gắn với tên tuổi doanh nhân Phạm Nhật Vũ, người đang bị TAND TP Hà Nội xét xử về tội Đưa hối lộ cho hai cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT và hai cựu lãnh đạo Tổng Công ty Mobifone.

Phạm Nhật Vũ sinh năm 1972, đã từng sống, kinh doanh tại Đông Âu trong suốt thập niên 90 và đầu những năm 2000. Sau đó, ông Vũ trở về Việt Nam và bắt đầu kinh doanh bất động sản với một số dự án tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Từ năm 2004, ông bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu lĩnh vực truyền hình trả tiền. Năm 2008, Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) được thành lập với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng và phát sóng thử nghiệm từ tháng 11/2010. Một năm sau đó, AVG đưa vào khai thác thương mại.

Năm 2012, Phạm Nhật Vũ tạo nên cuộc tranh cãi tưởng chừng không có hồi kết với ông Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB) khi AVG được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ưu ái cho mua độc quyền bản quyền truyền hình giải bóng đá V-League trong suốt.... 20 năm.

Sau đó, bầu Kiên đăng đàn phản đối hợp đồng kỳ quặc này, đồng thời vận động các ông bầu bóng đá thành lập CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) với mục tiêu giành lại quyền điều hành V-League từ VFF, giành quyền phát sóng V-League với AVG

Khi đó, bầu Kiên công khai phản đối hợp đồng vô lý này và liên tục chỉ trích cá nhân ông Phạm Nhật Vũ. Ngay sau khi VPF thỏa thuận với VTV về việc phát sóng các trận đấu thuộc V-League, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết: "Tôi không biết gì về bản hợp đồng của người khác. Tôi chỉ biết việc của chúng tôi, của VPF. Tôi chỉ làm trong phạm vi và quyền hạn mà công ty VPF được phép. Cái gì liên quan giữa AVG và VFF là chuyện riêng giữa hai bên".

Ông Kiên phớt lờ AVG và nói: "Tôi bảo đảm một điều là VPF sẽ có một hợp đồng bản quyền truyền hình giá trị cao hơn nhiều lần so với hợp đồng đã có".

Khi đó Phạm Nhật Vũ đã có bài viết gửi một số báo với tựa đề “Tôi không tin bầu Kiên”:

“Trở lại với bản quyền bóng đá, kể từ khi anh Kiên nói và khởi động việc thành lập VPF, tôi đã quan sát, đã lắng nghe rất kỹ. Nhưng mãi đến ngày hôm nay tôi vẫn chưa hiểu động cơ và tính mục đích của việc đòi xem lại hợp đồng mà VFF đã ký với AVG. Chưa thấy mối liên quan nào giữa việc xây dựng và phát triển bóng đá (là một trong các mục tiêu của việc thành lập ra VPF) với việc đòi xem xét và lấy lại bản quyền của AVG”.

Tuy nhiên, sau đó ông Phạm Nhật Vũ xuống nước và nói rằng mình là một Phật tử nên không “đôi co” với bầu Kiên.

"Có nhiều thông tin khác nhau về AVG. Cá nhân tôi không sợ người ta nghĩ xấu hay nghĩ sai về mình. Tôi chỉ sợ cái tâm mình sai, tâm mình xấu thôi" – Phạm Nhật Vũ khi đó được biết đến là Cư sỹ Từ Vân, Phó Ban Truyền thông Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.

Với vai trò này, ông Vũ từng xuất hiện trước truyền thông để trả lời những vấn đề liên quan đến Giáo hội, như vấn nạn sư giả, giới luật nhà Phật,… đồng thời trao tặng các phần quà Tết cho người nghèo hàng năm.

Ngày 13/4/2019, ông Phạm Nhật Vũ bị khởi tố bắt tạm giam về tội "Đưa hối lộ" quy định tại Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Vũ là người kín tiếng chuyện vợ con, chỉ đến khi phiên tòa diễn ra ngày 17/12 vừa qua công chúng mới biết đến việc ông có một người vợ mang quốc tịch Nga, bà Valerievna.

Bà Valerievna kể rằng nhiều người đã khuyên ông Vũ rời Việt Nam nhưng ông đã chọn cách ở lại giải quyết những rắc rối do ông gây ra.

Cho rằng bị cáo Vũ đã tích cực khắc phục hậu quả và thành khẩn khai báo, bà Valerievna mong muốn HĐXX cho bị cáo hưởng khoan hồng đặc biệt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại