Trút bỏ âu lo, giới đầu tư tự tin xuống tiền
Khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (23/4) song phố Wall cũng không thể thoát khỏi một tuần giảm điểm.
Thoát khỏi nỗi sợ hãi sau loạt tin tức liên quan đến việc Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đề xuất tăng thuế thặng dư vốn (hay thuế lợi tức đầu tư) đối với các cá nhân kiếm được trên 1 triệu USD mỗi năm từ 20% lên 39,6% được tung ra hôm thứ Năm, chứng khoán Mỹ ổn định trở lại trong cuối tuần.
Giới đầu tư bắt đầu nhìn nhận, đề xuất này phù hợp với những lời hứa trong chiến dịch tranh của ông Biden, trong khi giới quan sát dự đoán mức tăng sẽ được thu hẹp lại trong các cuộc họp tại quốc hội. Trên thực tế, mức thuế trên là mức cao nhất mà giới nhà giàu ở Mỹ phải trả kể từ thập niên 20 của thế kỷ trước và cũng chưa bao giờ vượt quá 33,8% kể từ sau Thế chiến thứ II.
Mặt khác, thị trường cũng được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế tiếp tục khả quan. Theo IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho lĩnh vực sản xuất tại Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 60,5 trong tháng 4 từ mức 59,1 của tháng 3, trong khi PMI cho lĩnh vực dịch vụ tăng lên mức 63,1 từ mức 60,4.
Ngoài ra, theo báo cáo của Cục điều tra dân số Mỹ, doanh số bán nhà mới tại nước này trong tháng 3 tăng mạnh 20,7%, đạt mức 1,021 triệu căn (đã được điều chỉnh theo mùa), tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2006. Ngoài ra, cơ quan này cũng sửa đổi doanh số cho tháng 2 là 846.000 căn, con số được báo cáo ban đầu là 775.000.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,46%, S&P 500 giảm 0,13%, Nasdaq Composite giảm 0,25%.
Chứng khoán châu Âu đánh dấu tuần giảm điểm đầu tiên sau chuỗi 8 tuần tăng liên tiếp bằng một phiên lao dốc vào thứ Sáu trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng, dù đón nhận đồn dập những tín hiệu lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo IHS Markit, hoạt động kinh doanh của Eurozone trong tháng 4 tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020. Cụ thể, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone đã tăng từ 53,2 điểm trong tháng 3 lên 53,7 điểm trong tháng 4.
Kết thúc tuần, FTSE 100 giảm 1,15%, DAX giảm 1,17%, CAC 40 giảm 0,46%.
Chứng khoán châu Á trái chiều trong phiên cuối tuần qua. Chứng khoán Nhật Bản lao dốc sau khi chính phủ nước này tiến gần hơn đến việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo, Osaka và 2 tỉnh khác, khu vực chiếm 1/4 dân số cả nước, để ngăn chặn đà lây lan của Covid-19.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi chính phủ cam kết tăng cường cắt giảm tiêu thụ than từ năm 2026 đến 2030 để hạn chế khí thải.
Chứng khoán Hồng Kông tăng khá mạnh, dẫn đầu nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và chăm sóc sức khỏe.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, nhưng ghi nhận tuần giảm đầu tiên kể từ đầu năm, do ảnh hưởng từ các ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến và kế hoạch tăng thuế ở Mỹ.
Trong tuần, Nikkei 225 giảm 2,23%, Shanghai Composite tăng 1,39%, Hang Seng tăng 0,38%, KOSPI giảm 0,39%.
Giá vàng phiên cuối tuần tiếp tục giảm khi dòng tiền chuyển sang thị trường chứng khoán với nhiều dữ liệu kinh tế tích cực. Trong tuần này, giá vàng gặp khó ở ngưỡng cản quanh 1.800 USD/ounce và gần như tăng không đáng kể.
Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,02%, giá vàng giao tháng 6 giảm 0,13%.
Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 17 chuyên gia trên phố Wall, có 7 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 3 người cho rằng giá vàng giảm và có 7 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 850 người tham gia, 68% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 28% cho rằng giá vàng giảm và 14% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu tăng trong phiên ngày thứ Sáu, được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế lạc quan từ Mỹ và châu Âu, mặc dù sự gia tăng các ca nhiễm ở Ấn Độ và Nhật Bản, hai nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba và thứ tư thế giới, vẫn đang gây áp lực lên giá dầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận