menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hà Quỳnh Uyên

Trước ngày xét xử ông Trịnh Văn Quyết: Các dự án bất động sản của FLC hiện ra sao?

Sau khi cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt, hoàng loạt dự án bất động sản của FLC trên khắp cả nước bị dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát, chấm dứt hoạt động.

Được biết, sau khi ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) bị bắt, hoạt động kinh doanh của Tập đoàn FLC bị đình trệ, hệ thống nhân sự chủ chốt thay đổi gần như toàn bộ. Hoàng loạt dự án của của doanh nghiệp này bị dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát, chấm dứt hoạt động tại nhiều địa phương trên khắp cả nước.

Bị thu hồi hàng loạt dự án

Bắt đầu tư tháng 4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ban hành công văn về việc hủy bỏ chủ trương lập quy hoạch dự án khu đô thị mới, kết hợp khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Suối Cam (ở phía Tây Bắc TP. Đồng Xoài) đối với FLC.

Dự án có diện tích khoảng 1.775 ha, gồm các hạng mục: Trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm thể dục thể thao, khu biệt thự, nhà ở liên kề, làng văn hóa các dân tộc, trung tâm công cộng, bệnh viện nghỉ dưỡng. Ngoài ra, khu đô thị còn có tổ hợp trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn, resort 5 sao kết hợp sân golf 18 lỗ, cung cấp các dịch vụ lưu trú và vui chơi giải trí cao cấp.

Trước ngày xét xử ông Trịnh Văn Quyết: Các dự án bất động sản của FLC hiện ra sao?

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: FLC

Một tháng sau khi bị thu hồi dự án ở Bình Phước, FLC tiếp tục bị thu hồi 2 dự án tại tỉnh Kon Tum. Cụ thể, vào tháng 5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ký văn bản thu hồi chủ trương khảo sát, nghiên cứu đầu tư đối với hai dự án dự kiến sử dụng hơn 822 ha đất của FLC tại huyện Kon Plông là dự án nông nghiệp công nghệ cao FAM - Kon Tum 155ha và tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Măng Đen 677ha.

Dự án nông nghiệp công nghệ cao bị thu hồi vì FLC chưa có báo cáo, đề xuất thêm dù đã hết thời hạn khảo sát. Còn dự án FLC Măng Đen bị thu hồi do vướng quy hoạch chung thị trấn Măng Đen.

Đến tháng 6/2022, tỉnh Bình Định cũng có các văn bản chấm dứt hoạt động dự án khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái cao cấp Eo Gió của FLC. Nguyên nhân được đưa ra là do dự án không thực hiện theo đúng tiến độ đã đăng ký với cơ quan Nhà nước.

Khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái cao cấp Eo Gió thuộc quần thể FLC Quy Nhon Beach and Golf Resort (tại xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn) có diện tích hơn 17,3 ha với tổng vốn đầu tư dự án là 1.600 tỷ đồng. UBND tỉnh Bình Định cho phép FLC đầu tư một resort 6 sao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Giáp ranh với Bình Định là Gia Lai cũng có các văn bản thu hồi 4 dự án đã giao FLC nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 trên địa bàn tỉnh trước đó.

Bốn dự án Gia Lai thu hồi vào tháng 7/2022 gồm: Tháp, khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp FLC Pleiku tại phường Tây Sơn, phường Hội Thương, TP. Pleiku; Khu đất 5ha và 3ha đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku; Khu du lịch văn hóa Cao Nguyên đồi thông xã la Dêr, huyện Ia Grai và phường Diên Hồng, TP. Pleiku; Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya tại TP. Pleiku và huyện Chư Păh.

Sang đầu tháng 8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn hoàn tất thủ tục trình UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới Hồ Nước ngọt do FLC làm chủ đầu tư.

Khu đô thị mới Hồ nước ngọt có tổng vốn đầu tư gần 2.500 tỷ đồng, diện tích hơn 47ha. Dự án gồm các sản phẩm nhà ở, dịch vụ thương mại tổng hợp, trung tâm văn hóa, thể dục thể thao và các tiện ích đô thị khác phục vụ nhu cầu của người dân trong khu vực.

FLC được UBND tỉnh Sóc Trăng lựa chọn là nhà đầu tư dự án từ đầu năm 2020 nhưng đến khi bị thu hồi, công ty vẫn chưa ký hợp đồng thuê đất và chưa thực hiện các thủ tục về đầu tư.

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Hòa Bình đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động dự án quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy tại xã Hữu Lợi và thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình của FLC.

Dự án này có diện tích sử dụng đất hơn 150 ha với tổng vốn đầu tư gần 2.900 tỷ đồng. Dự án đầu tư khu quần thể du lịch, thể thao, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp theo tiêu chuẩn quốc tế…

Tại dự án này, FLC đã được địa phương hỗ trợ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trên diện tích 129 ha và đang hoàn thiện hồ sơ để xin cấp 18,2 ha đất do Nhà nước quản lý để thực hiện dự án. Tuy nhiên, FLC lại chưa triển khai các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai, các thủ tục pháp lý theo quy định, dẫn đến không thể triển khai dự án đúng tiến độ.

Thu hồi toàn bộ dự án tại Khu kinh tế Dung Quất

Cũng trong năm 2022, Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã thu hồi 5 dự án của FLC, trong đó 2 dự án thu hồi theo diện nhà đầu tư trả lại (Khu đô thị Vạn Tường 7 và 8).

Đến năm 2023, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thu hồi 4 dự án còn lại của FLC và đối tác làm chủ đầu tư ở Khu kinh tế Dung Quất gồm: Khu du lịch sinh thái Vạn Tường 9, 10, 11 và 12, có tổng diện tích khoảng 81 ha, vốn đăng ký gần 9.000 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hồi tất cả 9 dự án của Tập đoàn FLC và các đối tác làm chủ đầu tư, với tổng diện tích khoảng 250 ha và tổng vốn đăng ký 18.000 tỷ đồng. Việc thu hồi các dự án của Tập đoàn FLC được cho là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác đầu tư vào Quảng Ngãi.

Trước ngày xét xử ông Trịnh Văn Quyết: Các dự án bất động sản của FLC hiện ra sao?

Tiếp đó, vào cuối năm 2023, FLC liên tiếp bị các địa phương thu hồi hàng loạt dự án. Cụ thể, giữa tháng 11/2023, Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Phú Yên đã có quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM - Phú Yên do Công ty TNHH Nông nghiệp FLC Biscom - doanh nghiệp đảm nhận vai trò phát triển mảng nông nghiệp công nghệ cao của FLC làm chủ đầu tư.

Dự án có diện tích gần 94 ha với tổng mức đầu tư gần 334 tỷ đồng. Dự án hướng tới mục tiêu xây dựng các khu vực sản xuất và trồng trọt sản phẩm rau, củ, quả…, chất lượng an toàn, sạch, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng; ứng dụng mô hình công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản và chế biến; tạo nguồn cung ứng, phục vụ cho các dự án, quần thể du lịch, nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC trong tương lai.

Dự án FAM – Phú Yên được trao giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2019, và khởi công khoảng 6 tháng sau đó.

Tuy nhiên, dự án bị chấm dứt vì Công ty FLC Biscom không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động theo điểm a, khoản 2, Điều 48, Luật Đầu tư. Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Phú Yên yêu cầu chủ đầu tư dự án hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án, thực hiện các nghĩa vụ theo quy định pháp luật.

Cũng trong tháng 11/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, giao các sở, ngành nghiên cứu và đề xuất phương án xử lý Khu công nghiệp FLC Hoàng Long (còn được biết đến là FLC Hoàng Long).

Dự án Khu Công nghiệp Hoàng Long rộng gần 300 ha tại các xã Hoằng Anh, Hoằng Long và Hoằng Quang (TP. Thanh Hóa) và xã Hoằng Minh, Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa). Dự án được phê duyệt với chức năng là khu công nghiệp đa ngành gồm viễn thông, phần mềm, lắp ráp công nghệ cao, sản xuất đồ công nghiệp tiêu dùng, may mặc, giày da.

FLC đã khởi công khu công nghiệp Hoàng Long (còn được biết đến là FLC Hoàng Long) vào ngày 22/9/2015. Theo cam kết của FLC, đến cuối năm 2017, khu công nghiệp sẽ được lấp đầy các dự án trong giai đoạn 1 với diện tích là 286 ha và chuẩn bị các điều kiện triển khai đầu tư khu công nghiệp giai đoạn 2. Tuy nhiên, dự án này đã bị bỏ hoang nhiều năm.

Cuối tháng 12/2023, UBND tỉnh Thái Bình ban hành quyết định thu hồi khu đất hơn 12 ha thực hiện dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế tỉnh Thái Bình do FLC làm chủ đầu tư. Sau khi thu hồi, khu đất này được giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất và Kỹ thuật tài nguyên - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình quản lý.

Khu đô thị bị 'tuýt còi' vì loạt vi phạm

Trong tháng 4/2024, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi CTCP Đầu tư Phát triển Bình Định (trước đây tên gọi là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Bình Định) thông báo về việc hủy bỏ các văn bản liên quan đến điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh tại dự án Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn (tại Phân khu số 6, Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Khu kinh tế Nhơn Hội) do công ty này làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích hơn 32ha với tổng vốn đầu tư khoảng 602 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định, tiến độ thực hiện dự án chậm so với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp; các hạng mục hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch và đã có dấu hiệu xuống cấp, dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định).

Trước ngày xét xử ông Trịnh Văn Quyết: Các dự án bất động sản của FLC hiện ra sao?

Dự án Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn (tại phân khu số 6, Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội). Ảnh: N.T

Cũng trong tháng 4/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã thu hồi 474 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác tại dự án tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, để điều chỉnh lại, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Dự án có diện tích gần 18 ha tại phường Trường Chinh, TP. Kon Tum.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của sở, ngành tỉnh Kon Tum trong việc giao hàng nghìn m2 đất cho Tập đoàn FLC. Vì việc UBND tỉnh Kon Tum giao Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện nhiệm vụ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá là sai (phải giao Sở Tài chính), vi phạm Luật Quản lý và sử dụng tài sản công.

Liên quan đến việc FLC bị thu hồi hàng loạt dự án, nhiều nhà đầu tư từng rót tiền vào các dự án này đã tập trung tại cổng một số dự án treo băng rôn, đòi quyền lợi khiến dư luận xôn xao.

Sai phạm của ông Trịnh Văn Quyết có sự giúp sức của hàng loạt lãnh đạo, cán bộ quản lý

Ngày 22/7 tới đây, TAND TP. Hà Nội sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại CTCP Tập đoàn FLC (UPCoM: FLC) và các đơn vị liên quan.

Để sai phạm của bị cáo Trịnh Văn Quyết có thể diễn ra trong thời gian dài và mức độ nghiêm trọng, cơ quan tố tụng xác định có sự giúp sức từ hàng loạt lãnh đạo, cán bộ quản lý nhà nước về chứng khoán.

Trong đó, 4 người thuộc HOSE cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT; Lê Hải Trà, cựu Tổng giám đốc, cựu Ủy viên HĐQT, thành viên độc lập hội đồng niêm yết; Trầm Tuấn Vũ, cựu Phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết; Lê Thị Tuyết Hằng, Giám đốc Phòng Quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên hội đồng niêm yết.

Ngoài ra, nhiều bị cáo thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước cùng bị truy tố về tội công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, gồm: Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng; Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; Phạm Minh Trung, Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả