24HMONEY đã kiểm duyệt
24/04/2020
Trước giờ giao dịch 24/4: Thông tin VNM mua cổ phiếu quỹ có giúp thị trường bớt “cân não”?
VNM nếu tăng đủ mạnh nhờ thông tin mua 17,5 triệu cổ phiếu quỹ sẽ có thể giúp VN-Index giữ đà hồi phục trong phiên cuối tuần.
Thế giới
Chỉ số Dow Jones kết phiên tăng 39,44 điểm, khoảng 0,17% lên mức 23.515,26 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,05%, trong khi Nasdaq giảm 0,01%.
Thị trường lo lắng lúc này là liệu pháp chữa bệnh được công bố từ Gilead với thuốc Remdesivir có vẻ được công bố sớm khi kết luận chưa thật sự rõ ràng. Qua đó, thế giới một lần nữa thấp thỏm về liệu đã có thuốc chữa hay chưa. Lý do này khiến các dòng tiền đầu tư nhanh chóng co cụm lại mặc dù trước đó giao dịch rất hưng phấn khi tăng đến gần 1% mỗi chỉ số.
Giá dầu Brent tương lai tăng 96 cent, tương đương 4,7%, lên 21,33 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 2,72 USD, tương đương 19,7%, lên 16,5 USD/thùng.
Kinh tế trong nước
Bản tin lúc 6h00 ngày 24/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến sáng nay không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Như vậy, Việt Nam đã bước vào ngày thứ 8 liên tiếp không có ca mắc mới COVID-19.
Chứng khoán và doanh nghiệp
CTCP Sữa Việt Nam (VNM) dự kiến sẽ mua lại 17,5 triệu cổ phiếu, tương đương 1% tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành để làm cổ phiếu quỹ. Nguồn vốn thực hiện sẽ được trích từ quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Cổ phiếu hồi về mức 96.100 đồng/cổ phiếu như hiện nay, ghi nhận mức tăng 15% trong 1 tháng. Tạm tính tại mức thị giá này, số tiền Vinamilk phải chi cho thương vụ mua cổ phiếu quỹ lần này có thể lên đến 1.682 tỷ đồng.
Gilimex (GIL) Doanh thu thuần hợp nhất quý I đạt 722 tỷ đồng, tăng 32% so cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế 43 tỷ đồng, tăng 32%. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu chính cũng như sức tiêu thụ toàn cầu, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may báo lãi giảm mạnh thì mức tăng của Gilimex là khá ấn tượng.
Cao su Đà Nẵng (DRC): ghi nhận doanh thu thuần quý I đạt 803 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 37,4 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Công ty cho biết nguyên nhân chủ yếu là giá mua nguyên vật liệu giảm.
CTCP Phú Tài (PTB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 với doanh thu hợp nhất đạt xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái là 1.219,63 tỷ đồng; nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 25%, chỉ đạt hơn 77 tỷ đồng.
CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (BWE) Doanh thu tăng 49% trong quý I nhờ đấu nối thêm được nhiều khách hàng sử dụng nước. Kết quả Biwase báo lãi tăng 27% đạt gần 132 tỷ đồng. Trong năm 2020, công ty đặt mục tiêu doanh thu tối thiểu 3.150 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế cũng dự kiến tăng ít nhất 10% lên mức 470 tỷ đồng. Theo đó công ty thực hiện được 28% chỉ tiêu lợi nhuận sau quý I.
CTCP Dược phẩm OPC (OPC) Doanh thu quý 1 của OPC đạt gần 267 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do doanh thu bán nguyên vật liệu tăng thêm gần 6 tỷ đồng. Do giá vốn hàng bán tăng hơn 22% so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp của Công ty giảm nhẹ 5%, đạt gần 112 tỷ đồng. Lãi ròng của OPC tăng hơn 21%, đạt gần 32.4 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Kết thúc quý I/2020, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.925 tỷ đồng, tăng 12,9% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.
Phái sinh
Các HĐTL đều giảm trái chiều cùng chỉ số cơ sở.
Trong phiên giao dịch ngày 23/4/2020, phần lớn chứng quyền đều tăng theo chứng khoán cơ sở. Giá trị giao dịch tăng tích cực.
Chiến lược đầu tư
Theo HSC, về mặt kỹ thuật, tín hiệu xác nhận chỉ số điều chỉnh lại chưa xảy ra do đó phần nào có thể tạo lợi thế hơn cho nhóm đang nắm giữ cổ phiếu để chờ canh bán được ở mục tiêu cao nhất có thể. Để có quyết định cuối cũng cho trạng thái “cân não” này có lẽ không đâu khác ngoài nhóm cổ phiếu trụ. Nhóm này cần sớm đưa ra các tín hiệu dẫn dắt mang tính định hướng cho chỉ số từ đó dòng tiền ngắn hạn sẽ hành động theo. Sẽ là Ngân hàng, BĐS hay Thực phẩm?
Bình luận