Trung Quốc tái mở cửa có thúc đẩy lạm phát toàn cầu?
Việc Trung Quốc dần dần tái mở cửa có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng là “con dao hai lưỡi” vì có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu tăng mạnh.
Đến nay, Trung Quốc chưa tái mở cửa hoàn toàn với phần còn lại của thế giới và vẫn tiếp tục vật lộn với các đợt bùng phát dịch. Tuy nhiên, họ đã phát tín hiệu tái mở cửa sau khi nới lỏng đáng kể các biện pháp kiểm soát COVID. Quý 3/2022, GDP Trung Quốc tăng trưởng 3.9%, hồi phục lại từ mức tăng 0.4% của quý 2. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không chỉ bị kìm hãm bởi COVID-19 mà còn bởi cú sụp của thị trường bất động sản.
Hiện tại tình hình vẫn còn chưa quá rõ ràng khi quốc gia này còn đang đối mặt với đợt bùng phát dịch. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc dần dần chấp nhận sống chung với dịch, điều này có thể châm ngòi cho sự bùng nổ về chi tiêu và du lịch, các chuyên viên phân tích cho biết. Tác động sau đó sẽ lan truyền ra khắp thế giới.
Việc tái khởi động lại hoạt động kinh tế có thể thúc đẩy nhu cầu dầu tại Trung Quốc thêm 3.3 triệu thùng/ngày trong năm 2023, theo báo cáo triển vọng năng lượng của S&P Global Commodity. Theo Dan Klein, chuyên gia phụ trách mảng năng lượng tại S&P Global Commodity, điều này sẽ thúc đẩy giá hàng hóa lên cao hơn.
“Chính sách COVID-19 của Trung Quốc đang là yếu tố cơ bản quan trọng nhất đối với nhu cầu hàng hóa và năng lượng toàn cầu trong năm 2023”, Klein cho biết.
Ông Klein cho biết Trung Quốc có thể nới lỏng thêm biện pháp kiểm soát COVID trong năm 2023 và “hoạt động nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch có thể được kỳ vọng tăng trở lại”.
Gary Ng, Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Natixis, cũng có kỳ vọng điều tương tự. Ông dự đoán lượng du lịch quốc tế và nội địa sẽ tăng đột biến khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn, với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ có thể đẩy giá dầu lên tới 100 USD/thùng trong quý 2/2023, từ mức 80 USD hiện nay.
"Trung Quốc chắc chắn sẽ có tác động đến lạm phát toàn cầu nếu họ mở cửa", Gary Ng nói với Nikkei Asia. "Trung Quốc luôn là bên mua lớn trong thị trường hàng hóa".
Một số nhà quan sát dự đoán thị trường nhà ở có thể phục hồi chậm rãi khi nhu cầu quay trở lại. Trong 10 tháng đầu năm, doanh số bán nhà mới giảm 25% so với cùng kỳ.
Việc nới lỏng biện pháp kiểm soát dịch cùng với hàng loạt biện pháp giải cứu thị trường bất động sản có thể làm gia tăng niềm tin của người mua. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây tác động lên lạm phát.
“Nếu nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và hoạt động xây dựng bất động sản có thể hồi phục, giá nguyên liệu thô như thép, đồng và các vật liệu xây dựng khác cũng sẽ tăng theo”, Ng nói.
Điều đó sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới. Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã báo hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào năm tới vì cho rằng lạm phát vẫn chưa được kiểm soát.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết việc Trung Quốc mở cửa "có thể tác động tới chuỗi cung ứng và điều đó có thể đẩy lạm phát ở phương Tây lên cao". Tuy nhiên, ông đã hạ thấp rủi ro này và nói rằng "có vẻ như tác động tổng thể sẽ không lớn".
Jin Zhang, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Vontobel Asset Management có trụ sở tại New York, nói rằng những nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và đảm bảo nguồn cung lương thực có thể giúp Trung Quốc giữ lạm phát ở mức "có thể kiểm soát". Zhang cho biết ông "không lo lắng lắm" về áp lực lạm phát ở Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh "đã quản lý vĩ mô khá cẩn trọng”.
Zhang cho biết những nỗ lực đa dạng hóa nguồn năng lượng của Trung Quốc bao gồm việc thúc đẩy ngành xe điện và mua các loại năng lượng khác nhau từ các quốc gia khác nhau. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết rằng nước này sẵn sàng tăng cường phối hợp với Ả-rập Xê-út về chính sách năng lượng và khai thác năng lượng.
Zhang nói: “Tôi nghĩ Trung Quốc có thể kiểm soát được tình hình lạm phát trong nước”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận