menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Hà

Trung Quốc tái mở cửa - Bài 3: Triển vọng tiềm ẩn rủi ro

Những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để người dân sống chung với virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện. Nhiều dự đoán cho rằng Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại trước giữa năm 2023. Nhưng khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tái mở cửa, cơ hội và rủi ro chắc chắn sẽ đan xen, tác động như thế nào cũng là vấn đề phải quan tâm.

Trung Quốc tái mở cửa - Bài 3: Triển vọng tiềm ẩn rủi ro
Công nhân làm việc trong nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu. Ảnh: Global Times

Trung Quốc chưa dỡ bỏ hoàn toàn chính sách Zero-COVID, nhưng đối với nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang thuộc công ty quản lý tài sản Pinpoint ở Hong Kong (Trung Quốc), những thay đổi về biện pháp phòng dịch đã là “bước tiến lớn” và ông hi vọng Trung Quốc sẽ tái mở cửa hoàn toàn trước giữa năm 2023. Đây cũng là nhận định của Chang Shu và David Qu. Hai nhà kinh tế thuộc Bloomberg Economics này cho rằng vào cuối nửa đầu năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không còn bất kỳ hạn chế nào liên quan đến COVID-19. Kết quả điều tra của Bloomberg News tiến hành vào đầu tháng 11/2022 cũng cho thấy hầu hết các nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ bắt đầu mở cửa trở lại vào quý II/2023, sau kỳ họp Lưỡng hội (Quốc hội và Chính hiệp). Về phần mình, tập đoàn tài chính Goldman Sachs dự đoán Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại trong quý II/2023 và cho rằng có 30% xác suất việc mở cửa có thể diễn ra sớm hơn thế.

Nhưng chưa phải đợi tới khi Trung Quốc từ bỏ hoàn toàn chính sách Zero-COVID, những nới lỏng về biện pháp phòng dịch của nước này đã khiến các nhà phân tích tại công ty quản lý tài chính và đầu tư đa quốc gia Morgan Stanley điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc. Trong một bản lưu ý được hãng tin Bloomberg dẫn ra vào ngày 14/12/2022, Morgan Stanley đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023 từ 5% đưa ra trước đó lên 5,4%. Theo Morgan Stanley, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2019, các chính sách vĩ mô và chiến lược chống COVID-19 tại Trung Quốc cùng nhau hỗ trợ để tăng trưởng phục hồi, thay vì đóng vai trò là các lực lượng đối lập với nhau.

Trước đó, vào giữa tháng 11/2022, Goldman Sachs đưa ra báo cáo nhận định năm 2023, Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng GDP thực tế là 4,5%. Điều này có được phần lớn là nhờ Trung Quốc dần thoát khỏi chính sách Zero-COVID dẫn tới sự gia tăng về tiêu dùng. Trả lời phỏng vấn đài CNBC, chuyên gia quản lý đầu tư Jun Bei Liu thuộc hãng Tribeca Investment Partners cũng cho rằng năm 2023 là một năm khá tốt đối với Trung Quốc. Nguyên nhân là do cùng với việc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ tăng lên và trở thành “điểm sáng” trong bối cảnh người tiêu dùng ở phần còn lại của thế giới sẽ gặp khó khăn trong 12 tháng tới.

Mặc dù đa số lạc quan cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi khi nước này mở cửa trở lại, nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi Trung Quốc vẫn còn khá khiêm tốn. Vì thế, trong số 20 biện pháp tối ưu hóa công tác phòng chống dịch mà Trung Quốc đưa ra hôm 11/11/2022 có nội dung yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là cho người cao tuổi.

Theo ông Thường Kế Lạc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia Trung Quốc, tính đến 11/11/2022, nước này đã tiêm 3,44 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 1,34 tỷ dân. Trong đó, 228 triệu người trên 60 tuổi đã tiêm đủ 2 liều, đạt tỷ lệ 86,38%. Tỷ lệ này trong người trên 80 tuổi là 65,7%, nhưng số người đã hoàn thành mũi nhắc lại chỉ chiếm 40%.

Ngoài ra, mức độ bao phủ vaccine ở trẻ em tại Trung Quốc cũng thấp hơn dự kiến. Đó là chưa nói tới việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch lại gần tới Tết Nguyên đán, thời điểm có hàng trăm triệu người dân trở về quê nghỉ lễ, bắt đầu từ ngày 22/1/2023.

Có lẽ vì vậy, hôm 12/12/2022, các chuyên gia thuộc Trung tâm Quốc gia về bệnh truyền nhiễm Trung Quốc đã cảnh báo nước này có thể đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 mạnh trên cả nước sau khi nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Dự báo số ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc có thể đạt đỉnh trong vòng 1 hoặc 2 tháng tới và cần 3 đến 6 tháng để vượt qua làn sóng lây nhiễm mới này.

Kể từ khi mạnh tay nới lỏng các biện pháp phòng dịch, cơ quan y tế Trung Quốc đã không công bố bất kỳ trường hợp tử vong nào do COVID-19. Ca tử vong cuối cùng được Trung Quốc công bố vào ngày 3/12/2022. Tuy nhiên, việc Trung Quốc nới lỏng phòng dịch và các địa phương ở nước này sẽ mở cửa trở lại từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023, theo các nhà tạo lập mô hình dịch bệnh thuộc Đại học Hong Kong, sẽ dẫn tới khả năng có 684 ca tử vong trên một triệu người trong cùng khoảng thời gian.

Ngày 17/12/2022, hãng tin Reuters (Anh) dẫn dự báo của Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) có trụ sở tại Mỹ cho biết việc Trung Quốc đột ngột dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19 có thể dẫn đến sự bùng nổ các ca nhiễm COVID-19 và hơn một triệu ca tử vong vì COVID-19 trong năm 2023. Theo dự đoán của IHME, dịch COVID-19 ở Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào ngày 1/4/2023 với 1/3 dân số Trung Quốc sẽ bị nhiễm COVID-19 vào thời điểm đó và số ca tử vong vì COVID-19 sẽ lên tới 322.000 ca.

Như vậy, giống như trả lời phỏng vấn hãng tin AFP của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, trong khi chính sách Zero-COVID tác động xấu đến nền kinh tế của Trung Quốc thì việc nới lỏng các hạn chế cũng sẽ tạo ra một số thách thức trong những tháng tới khi số ca lây nhiễm COVID-19 có khả năng tăng vọt. Việc này có thể lại buộc người lao động phải ở nhà, các doanh nghiệp có thể cạn kiệt nguồn cung, nhà hàng có thể vắng khách và bệnh viện thì sẽ quá tải. Điều đó có nghĩa trong khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn gây ra bởi đại dịch, sự gia tăng trở lại các ca lây nhiễm COVID-19 sẽ dẫn tới những rủi ro đối với tăng trưởng trong ngắn hạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại