Trung Quốc sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Giới chức Trung Quốc đồng thời đang siết chặt quy định kiểm soát dòng vốn trong nỗ lực để ngăn các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán.
Thống đốc PBOC, ông Pan Gongsheng, mới đây đã thông báo hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thêm 0,5 điểm phần trăm.
Động thái sẽ giúp bơm thêm khoảng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tức khoảng 140 tỷ USD thanh khoản vào hệ thống tài chính. Đây là lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lớn nhất trong 2 năm qua, đưa tỷ lệ dự trữ bắt buộc trung bình đối với các ngân hàng xuống khoảng 7%.
Ông Pan cam kết hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm nay bằng nhiều biện pháp phù hợp. Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh mới đây, đại diện của PBOC tuyên bố PBOC sẽ tạo ra môi trường tiền tệ và tài chính phù hợp cho nền kinh tế.
Thống đốc khẳng định áp lực lên thị trường ngoại hối Trung Quốc sẽ giảm đi trong năm 2024 nếu kịch bản Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất sớm trở thành hiện thực.
Cũng theo ông Pan nhận xét, kinh tế Trung Quốc đang hồi phục, thị trường tài chính ổn định.
Giới chức Trung Quốc đồng thời đang siết chặt quy định kiểm soát dòng vốn trong nỗ lực để ngăn các đợt bán trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên nhà đầu tư hiện vẫn băn khoăn về việc chính phủ Trung Quốc sẵn sàng đến đâu trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Trong tháng này, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến đợt bán mạnh bởi nhà đầu tư lo lắng về triển vọng của tăng trưởng kinh tế cũng như lợi nhuận doanh nghiệp.
Nhà sáng lập quỹ Hopu Investments, ông Fang Fenglei, trong phỏng vấn với Asian Financial Forum, nói rằng động thái hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của PBOC có thể coi như thông tin tốt, tuy nhiên không chắc sẽ giúp hỗ trợ cho thị trường.
“Quan trọng hơn, họ nên hạ lãi suất bởi lãi suất vẫn ở ngưỡng cao. Lãi suất quá cao sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng”, ông Fang nói.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ Pinpoint Asset Management, ông Zhiwei Zhang, khẳng định việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể coi là phù hợp, tuy nhiên kêu gọi chính phủ bơm thêm vốn để hướng đến tiêu dùng nhiều hơn: “Việc điều chuyển thêm nguồn lực tài khóa sang tiêu dùng chứ không phải đầu tư vô cùng quan trọng bởi Trung Quốc đang đương đầu với nhiều áp lực giảm phát. Trung Quốc cần đẩy được tiêu dùng nội địa tăng mạnh chứ không phải tiếp tục mở rộng sản xuất”.
Ngoài ra, tại nội địa Trung Quốc cũng đang có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến diễn biến giá cả tại nước này.
Các chuyên gia kinh tế khẳng định, chỉ báo giảm phát GDP, thước đo quan trọng về giá cả trong nền kinh tế, đang có chuỗi thời gian giảm dài nhất tính từ cuối thập niên 1990.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận