24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chi An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trung Quốc gia tăng sức ép lên thị trường tiền kỹ thuật số

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 24-9 tuyên bố, tất cả giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số đều là bất hợp pháp và sẽ bị truy quét. Động thái cứng rắn nhất từ trước tới nay của Bắc Kinh được dự báo sẽ gây ra những tác động lớn tới thị trường này.

Trung Quốc gia tăng sức ép lên tiền kỹ thuật số

Trong phần Hỏi&Đáp trên trang mạng chính thức của mình, PBoC cho biết, tất cả các hoạt động liên quan đến tiền kỹ thuật số đều bị coi là bất hợp pháp tại Trung Quốc, bao gồm các dịch vụ như cung cấp giao dịch tài sản kỹ thuật số, khớp lệnh, phát hành tiền kỹ thuật số và các công cụ phái sinh. Ngoài ra, các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số ở nước ngoài cũng bị cấm cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại Trung Quốc.

Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu cấm các tổ chức tài chính xử lý các giao dịch tiền kỹ thuật số, và trong những năm sau đó, tiếp tục gia tăng sức ép lên thị trường này. Ông Chris Bendiksen, trưởng nhóm nghiên cứu tại CoinShares, cho biết: “Không ai ngạc nhiên khi Chính phủ Trung Quốc không thích bitcoin, bởi nó hoàn toàn đi ngược lại với chế độ kiểm soát tiền tệ tập trung từ trên xuống của nước này”.

Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã công bố nhiều biện pháp hơn để ngăn chặn việc đào tiền kỹ thuật số, đồng thời nhắc lại lệnh cấm đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc đang cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số. PBoC cũng cho biết đã lên kế hoạch để tăng cường giám sát đối với các giao dịch này. Giờ đây, trong lệnh cấm mới nhất, Bắc Kinh vẫn cam kết giữ vững lập trường của mình.

Theo ông Demirors Meltem Demirors, Giám đốc chiến lược tại CoinShares, sự phát triển của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành, được coi là một động lực chính thúc đẩy các nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc. Bloomberg cũng nhận định, Chính phủ Trung Quốc cấm tiền kỹ thuật số không phải bởi muốn đánh bại công nghệ này, mà là vì họ muốn nắm trong tay việc quản lý một ngành công nghiệp mới với trị giá có thể lên tới hàng ngàn tỉ đô la Mỹ.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu về khí hậu, hướng tới trung hòa carbon vào năm 2060. Trong khi đó, hoạt động khai thác tiền kỹ thuật số như bitcoin lại cực kỳ tiêu tốn năng lượng, và có tác động tiêu cực tới môi trường.

Giới đầu tư tìm cách bảo vệ tài sản

Thông báo của PBoC ngay lập tức đã gây ra làn sóng bán tháo trên thị trường tiền kỹ thuật số, khiến giá bitcoin giảm 6% và Ether giảm 10%. Theo Forbes, khoảng 188 tỉ đô la giá trị vốn hóa trên thị trường tiền kỹ thuật số đã bị thổi bay chỉ sau vỏn vẹn ba giờ đồng hồ. Sự biến động này là lý do vì sao các chuyên gia tài chính cảnh báo rằng, mọi người chỉ nên đầu tư vào tiền kỹ thuật số những gì mà họ có khả năng chấp nhận tổn thất.

“Chỉ chưa đầy hai giờ sau khi xuất hiện thông tin, tôi đã nhận được hơn chục tin nhắn từ những chủ sở hữu tiền kỹ thuật số Trung Quốc về việc tìm kiếm giải pháp truy cập và bảo vệ tài sản trên các sàn giao dịch nước ngoài và ví lạnh (ví lưu trữ tiền kỹ thuật số nhưng không kết nối Internet)”, ông David Lesperance, một luật sư tại Toronto (Canada) chuyên hỗ trợ khách hàng giàu có dịch chuyển các tài sản kỹ thuật số sang các quốc gia khác để né thuế, chia sẻ hôm 24-9.

Ông David Lesperance cho rằng, động thái của Trung Quốc là một nỗ lực đóng băng tài sản tiền kỹ thuật số để người nắm giữ không thể làm bất cứ điều gì hợp pháp với chúng. “Cùng với việc không thể làm gì với tài sản cực kỳ biến động này, tôi cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ đề nghị người nắm giữ chuyển đổi tiền kỹ thuật số của họ sang đồng nhân dân tệ điện tử với giá thị trường ổn định trong tương lai”.

Giám đốc điều hành Bespoke Growth Partners, Mark Peikin cho rằng đây là sự khởi đầu của một áp lực lớn và ngắn hạn lên giá bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác. Theo ông, “những rủi ro mà các nhà đầu tư Trung Quốc phải đối mặt sẽ có tác động lan tỏa đáng kể” dẫn đến biến động trên thị trường tiền kỹ thuật số của Mỹ.

Các động thái cứng rắn từ Bắc Kinh cũng đã buộc các sàn giao dịch phải có động thái ứng phó. Huobi Global cho biết đã ngừng tiếp nhận khách hàng mới tại Trung Quốc, và sẽ chấm dứt các hợp đồng hiện tại với các khách hàng tại đây vào cuối năm nay để tuân thủ các quy định mới. Một sàn giao dịch khác là FTX cũng đã thông báo quyết định dịch chuyển trụ sở khỏi Hồng Kông (Trung Quốc) ra nước ngoài.

Những nghi ngờ về hiệu quả của lệnh cấm mới

Dẫu vậy, sau quãng thời gian sụt giảm ban đầu, giá tiền kỹ thuật số đã nhanh chóng phục hồi trở lại khi những rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu gia tăng. Bitcoin đã có một tuần tăng giá ngoại mục khi từ mốc 41.000 đô la đã xuyên thủng ngưỡng 48.000 đô la Mỹ. Các đồng tiền kỹ thuật số khác cũng tăng mạnh, góp phần đẩy tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền kỹ thuật số vượt xa mốc 2.000 tỉ đô la Mỹ.

Theo Bloomberg, sự tăng giá này diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư Trung Quốc vẫn tỏ ra hào hứng với việc mua vào tiền kỹ thuật số. Nhà đầu tư Stephen tại Thượng Hải cho biết, “Các chính sách này không có gì mới với chúng tôi. Chúng tôi coi đây là tín hiệu để mua vào”. Ông cũng cho biết, lệnh cấm có thể khiến một số nhà đầu tư mới cảm thấy hoảng sợ và rời đi, trong khi những nhà đầu tư kỳ cựu sẽ tiếp tục ở lại.

Chuyên gia Demirors chia sẻ với CNBC Make It: “Đây có lẽ đã là lần thứ 20 Trung Quốc cấm bitcoin. Luôn có sự khác biệt giữa mỗi lần tuyên bố cấm được đưa ra, nhưng nó luôn xảy ra và không phải là sự thay đổi gì quá lớn”. Ông cũng dự báo, các nhà đầu tư tại Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, bởi “bạn chỉ có thể cấm thứ gì đó một lần. Một lệnh cấm khác sau đó, cũng đồng nghĩa với một sự thừa nhận rằng, lệnh cấm đầu tiên đã không hiệu quả”.

Còn theo biên tập viên James Ledbetter của bản tin công nghệ tài chính FIN, việc thực thi lệnh cấm một cách hiệu quả cũng sẽ không hề dễ dàng, chủ yếu là bởi đặc trưng của những đồng tiền kỹ thuật số như bitcoin. “Tôi không nghĩ rằng một nỗ lực của chính phủ, thậm chí là phối hợp giữa các quốc gia với nhau, có thể thực sự cấm cửa được bitcoin. Tôi cho rằng, điều này là không khả thi về mặt kỹ thuật, mặc dù vẫn sẽ có những cách để kiểm soát được đồng tiền kỹ thuật số này”.

Trong khi đó, một số ý kiến thận trọng hơn lại lưu ý rằng, thông báo lần này của PBoC có sự liên kết đến 10 cơ quan, bao gồm cả tòa án, viện kiểm sát và bộ công an, nhằm thể hiện sự thống nhất của giới chức nước này trong việc chống lại tiền kỹ thuật số. Việc cơ quan quản lý ngoại hối cũng lên tiếng, có thể là dấu hiệu cho thấy việc thực thi sẽ được thắt chặt hơn.

Một điểm đáng chú ý khác là nếu như các tuyên bố của chính phủ trước đây chỉ đề cập đến tiền kỹ thuật số nói chung, thì lần này, giới chức Trung Quốc đã chỉ thẳng các đồng tiền cụ thể như bitcoin, Ethereum và Tether.

Giám đốc điều hành Bespoke Growth Partners, Mark Peikin nhận định “nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã từng phớt lờ các biện pháp thắt chặt kiểm soát mới nhất và lớn nhất của Chính phủ Trung Quốc đối với giao dịch tiền kỹ thuật số trong vài tháng qua, có thể giờ không còn cảm thấy hào hứng nữa”.

Cũng theo ông Peikin, từ trước đến nay, phần lớn các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn đầu tư tiền kỹ thuật số khá sôi động bằng cách sử dụng các thị trường phi tập trung nội địa hoặc các nền tảng nước ngoài để đạt được thỏa thuận về giá, sau đó chuyển nhân dân tệ thông qua các nhân hàng hoặc nền tảng FinTech để thanh toán. Nhưng PBoC đã cải thiện khả năng giám sát các giao dịch tiền kỹ thuật số, và gần đây đã cấm các công ty FinTech, bao gồm cả Ant Group, không cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số. Do đó, các phương thức giao dịch của nhà đầu tư Trung Quốc sẽ ngày càng bị thu hẹp.

Dẫu vậy, vẫn có nhiều chuyên gia cho rằng, tác động của lệnh cấm mới sẽ không kéo dài quá lâu. Theo ông Boaz Sobrado, nhà phân tích dữ liệu FinTech tại London, thị trường đang phản ứng quá mức với thông báo từ PBoC, do rất nhiều khối lượng giao dịch ở Trung Quốc được phân cấp và tiến hành theo phương thức ngang hàng (P2P). Ông cho biết các sàn giao dịch tiền số P2P khó bị theo dõi và càn quét hơn. “Giới đầu tư đùa rằng Trung Quốc đã cấm tiền kỹ thuật số hàng trăm lần. Tôi sẵn sàng đặt cược rằng mọi người vẫn sẽ giao dịch bitcoin ở Trung Quốc trong cả năm nữa tính từ thời điểm này”, ông Sobrado khẳng định.

Xu hướng thắt chặt chính sách có thể lan rộng

Các chuyên gia tỏ ra lo ngại nhiều hơn về việc các quy định của Trung Quốc có thể dẫn tới sự thay đổi từ Chính phủ Mỹ. Chuyên gia Demirors nhận định “rủi ro lớn hơn cả là giới chức Mỹ sẽ có những động thái noi theo Trung Quốc”.

Gần đây, các cơ quan quản lý tại Mỹ đã tập trung sự chú ý vào thị trường tiền kỹ thuật số. Ông Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) cho biết, SEC đã nỗ lực tạo ra một bộ quy tắc để điều tiết thị trường này. Những quan chức cấp cao khác bao gồm Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng nhiều lần chia sẻ mối lo ngại về thị trường tiền kỹ thuật số.

Ông John Wu, Chủ tịch Ava Labs lo ngại, tùy thuộc vào cách tiếp cận, các quy định mới có thể khiến sự đổi mới trong ngành công nghiệp tiền kỹ thuật số, bị đẩy ra ngoài nước Mỹ.

Bahamas, một quốc gia tại khu vực Caribe đã tạo ra một đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương thuộc loại tiên tiến nhất trên thế giới – phiên bản của đồng đô la Bahamas thực, đồng thời chào đón các doanh nghiệp tiền kỹ thuật số dịch chuyển trụ sở tới nước này. Hồi tuần trước, sàn giao dịch phái sinh tiền kỹ thuật số FTX đã thông báo quyết định chuyển trụ sở từ Hồng Kông tới Bahamas. Theo nhà sáng lập Sam Bankman Fried, Bahamas sở hữu một trong số ít các cấu trúc quản lý tiền kỹ thuật số toàn diện nhất trên thế giới.

Trước đó, Binance – sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, được thành lập bởi Changpeng Zhao tại Trung Quốc hồi năm 2017, cũng đã chuyển đến Nhật Bản chỉ trong vòng vài tháng sau khi giới chức Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với các nền tảng giao dịch. Hồi tháng 7 vừa qua, Binance cho biết, sẽ thiết lập trụ sở ở mọi khu vực trên thế giới mà sàn có hoạt động.

“Những gì chúng ta đã thấy là hoạt động khai thác bitcoin đã rời Trung Quốc và dịch chuyển tới các bang ở Mỹ như Texas, Wyoming, và các công ty khởi nghiệp tiền kỹ thuật số cũng sẽ đổ xô tới các quốc gia, các bang thân thiện với loại tài sản này. Một chính sách thân thiện sẽ mang lại cơ hội lớn để Mỹ trở thành thiên đường của tiền kỹ thuật số trong tương lai, và trung tâm của nền kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ tới”.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, những quy định kiểm soát được cân nhắc kỹ lưỡng sẽ có lợi cho ngành công nghiệp tiền kỹ thuật số Mỹ. “Tôi không hiểu làm thế nào mà một ngành công nghiệp lớn như tiền kỹ thuật số có thể tiếp tục hoạt động lâu dài mà không có bất kỳ quy định hoặc sự giám sát nào”, Anjali Jariwala, chuyên gia về kế hoạch tài chính và nhà sáng lập Fit Advisors cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
98,961.70 +963.70 (+0.98%)
3,286.59 -58.43 (-1.75%)
1.00 -0.00 (-0.03%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả