Trung Quốc, Fed và các cuộc bầu cử: Đâu sẽ là yếu tố chi phối chứng khoán châu Á trong năm 2024?
Chứng khoán châu Á có thể nhận cú huých từ làn sóng giảm lãi suất và đồng USD yếu hơn trong năm 2024, trong khi sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc có thể là rủi ro với cả khu vực này.
Liệu nền kinh tế số hai thế giới có hồi phục và giải quyết xong rắc rối ở lĩnh vực bất động sản hay không? Đây là những vấn đề đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong năm nay. Chứng khoán Trung Quốc khép năm 2023 với nhiều thống kê đáng buồn: Giảm 3 năm liên tiếp và khiến chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương có hiệu suất kém MSCI thế giới khoảng 11 điểm phần trăm.
Trong khi đó, chứng khoán Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan phải chịu thử thách từ các cuộc bầu cử trong năm nay. Ở Nhật Bản, việc NHTW xoay chiều chính sách sang thắt chặt hơn có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu và từ đó tác động tới cổ phiếu của các công ty xuất khẩu. Chứng khoán xứ sở mặt trời mọc vừa ghi nhận năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2013.
Dưới đây, Bloomberg chỉ ra 5 vấn đề mà nhà đầu tư châu Á phải chú ý tới trong năm 2024:
Trung Quốc có hồi phục?
Sau một năm đầy ảm đạm của phe bò, nhà đầu tư sẽ dõi theo kỳ họp của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc và hội nghị trung ương lần 3 về mục tiêu tăng trưởng năm 2024. Ngoài ra, giới đầu tư cũng sẽ theo sát các tín hiệu về kích thích tài khóa.
Triển vọng kinh tế Trung Quốc vẫn còn lắm thách thức, nhưng Bắc Kinh đến nay vẫn ngần ngại trong việc tung ra gói kích thích diện rộng và khiến thị trường cảm thấy thất vọng. Các trader hiện đang hy vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh hơn. Trước đó, NHTW cũng nới lỏng chính sách, nhưng tác động tới thị trường không kéo dài.
Việc tung ra dự thảo quy định đột ngột với ngành gaming trong tháng 12/2023 cũng làm dấy lên lo ngại về lập trường của Bắc Kinh với các doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, lĩnh vực bán dẫn và năng lượng sạch vẫn còn kẹt trong thế khó, nếu căng thẳng địa chính trị với phương Tây leo thang.
Đảo chiều chính sách
Câu chuyện Fed giảm lãi suất và sức khỏe của nền kinh tế Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng tới xu hướng đồng USD và lãi suất tại châu Á. Từ đó, tác động tới nhu cầu cổ phiếu tại khu vực này.
Nhà đầu tư cũng sẽ chờ tín hiệu chấm dứt chính sách lãi suất âm từ Thống đốc NHTW Nhật Bản Kazuo Ueda. Các nhận định của ông Ueda trong thnág trước cho thấy NHTW này có thể hành động ngay trong tháng 4/2024. Lãi suất cao hơn có thể thúc đẩy giá đồng Yên và từ đó tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu. Do đó, đây được kỳ vọng là yếu tố tác động tới các cổ phiếu xuất khẩu – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chứng khoán chuẩn của Nhật Bản.
Năm bầu cử của nhiều quốc gia châu Á
Hàng loạt cuộc thăm dò ý kiến ở các thị trường quan trọng bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2024 và từ đó tạo ra rủi ro chính trị cho thị trường chứng khoán.
Cuộc bầu cử của Đài Loan dự kiến diễn ra trong tháng này và cũng sẽ có ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ-Trung. Trong khi đó, ở Ấn Độ và Indonesia, nhà đầu tư kỳ vọng Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Joko Widodo sẽ tái đắc cử và tiếp tục các chính sách thúc đẩy tăng trưởng hiện tại.
Tại Hàn Quốc, đất nước này đã ban hành lệnh cấm bán khống để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tổng thống Yoon Suk Yeol còn cam kết bỏ kế hoạch đánh thuế trên lãi vốn (capital gains tax) đối với các khoản đầu tư tài chính và hứa hẹn thực hiện cải cách, bao gồm thay đổi hệ thống hưu trí và ngăn chặn độc quyền thị trường.
Ấn Độ sẽ tiếp đà tăng trưởng?
Xứ sở cà ri đến nay vẫn là một điểm sáng, với chỉ số chứng khoán chuẩn đang ở mức kỷ lục sau 8 năm tăng liên tiếp.
Giới đầu tư toàn cầu vẫn còn lạc quan về Ấn Độ khi nước này thu hút nhiều khoản đầu tư vào sản xuất, đẩy mạnh chi tiêu cơ sở hạ tầng và là bến đỗ thay thế cho Trung Quốc.
Nhìn chung, đảng của Thủ tướng Modi được kỳ vọng sẽ giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia. Trong cuộc khảo sát gần nhất, đảng của ông Modi cũng giành chiến thắng vang dội. Nhưng nếu bất ngờ xảy ra thì thị trường có nguy cơ giảm mạnh tới 25%, theo dự đoán của ngân hàng Jefferies.
Lo ngại về chip
Màn ra mắt ấn tượng của ChatGPT đã giúp các cổ phiếu bán dẫn bùng nổ trong năm 2023. Kết quả kinh doanh của TSMC và Samsung Electronics cũng cho thấy nhu cầu chip gắn với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có khả năng thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp đến mức nào.
Nhu cầu ngày càng cao ở Mỹ và Trung Quốc sẽ là chìa khóa để duy trì tâm lý lạc quan xoay quanh các nhà xuất khẩu này. Trong tháng 11/2023, Hàn Quốc ghi nhận sản lượng và đơn hàng xuất khẩu chip tăng mạnh nhất trong 6 năm – một tín hiệu tích cực về triển vọng của ngành chất bán dẫn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận