menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huyền My

Trung Quốc: Dân số và tăng trưởng kinh tế cùng giảm

Dân số Trung Quốc giảm nhanh hơn trong năm 2023 và nền kinh tế nước này chỉ đạt một trong những mức tăng trưởng yếu nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây...

Thực tế này cho thấy những thách thức dai dẳng mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đương đầu, bên cạnh cuộc khủng hoảng bất động sản chưa có hồi kết, áp lực giảm phát và dân số già hóa.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc tuần vừa rồi cho thấy: tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng trưởng 5,2% cả năm ngoái, tăng khá so với mức 3% đạt được trong năm 2022 và nhỉnh hơn so với mục tiêu 5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra. Tuy nhiên, kết quả này được cho là xuất phát nhiều từ cơ sở so sánh thấp, vì kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng yếu trong năm 2022 do các biện pháp chống Covid-19 hà khắc. Mặt khác, mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% năm 2023 là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua mà Bắc Kinh đưa ra.

Trong khi đó, dân số Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp, do số người chết tăng và số trẻ được sinh ra giảm. Theo ông Wang Feng, một chuyên gia về nhân khẩu học Trung Quốc thuộc Đại học California, Irvine, việc dân số Trung Quốc giảm 2 triệu người cho thấy “dấu chân của Covid-19” khi đại dịch này bùng mạnh ở quốc gia tỷ dân vào đầu năm 2023 sau khi Bắc Kinh đột ngột dỡ bỏ chính sách Zero Covid.

Giới phân tích nói rằng các số liệu tăng trưởng và dân số nói trên phản ánh thách thức lớn mà Trung Quốc gặp phải trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế.

“Trên một số phương diện, con số tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể hơi gây hiểu lầm một chút. Đây là mức tăng có được sau một năm rất yếu của nền kinh tế và con số đó thực sự che giấu một vài điểm yếu mà chúng tôi nhận thấy về mặt tổng cầu”, nhà kinh tế trưởng về châu Á Fred Neumann thuộc Ngân hàng HSBC nhận định với tờ Financial Times.

ĐẰNG SAU CON SỐ TĂNG TRƯỞNG VƯỢT MỤC TIÊU

Dân số Trung Quốc giảm còn 1,4 tỷ người trong năm 2023, khi số người chết là 11 triệu vượt số 9 triệu trẻ được sinh ra. Các chuyên gia nhân khẩu học dự báo dân số Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giảm vì tốc độ lão hóa đang gia tăng. Số người chết ở nước này trong năm ngoái nhiều hơn khoảng 600.000 người so với con số của năm 2022, mức tăng lớn hơn nhiều so với mức tăng 200.000 người chết giữa năm 2022 và 2021. “Rất có thể số người chết tăng mạnh so với năm trước là do sự chấm dứt đột ngột của Zero Covid dẫn tới nhiều ca tử vong vì bệnh này”, chuyên gia Wang nhận định.

Trung Quốc chứng kiến dân số giảm lần đầu tiên trong 60 năm vào năm 2022 và đây được xem là một hệ quả của chính sách một con mà nước này duy trì từ thập niên 1980 (Thế kỷ XX). Theo chính sách này, mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh 1 con, ít hơn nhiều so với con số bình quân cần thiết 2,1 con/cặp vợ chồng để giữ dân số đi ngang. Tỷ lệ tử ở Trung Quốc là 7,78/1.000 người trong năm 2023, mức cao nhất kể từ thập niên 1970 của thế kỷ trước tăng từ mức 7,37/1.000 người vào năm trước đó.

Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc còn đối mặt với những khó khăn khác. Đầu tiên phải kể đến cuộc khủng hoảng bất động sản đã kéo dài suốt ba năm và vẫn chưa có hồi kết. Đầu tư phát triển bất động sản ở Trung Quốc trong năm 2023 giảm 9,6% so với năm 2022, việc bán nhà mới ở nước này trong tháng 12 giảm 0,4% so với tháng trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2015.

Trước khi số liệu GDP chính thức của Trung Quốc được công bố ngày 17/1/2024, ngày 16/1/2024 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tiết lộ rằng nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khoảng 5,2% trong năm 2023. Trong bài phát biểu này, nhà lãnh đạo đề cao việc Bắc Kinh tập trung vào “tăng cường các động lực tăng trưởng nội tại” thay vì kích cầu ồ ạt như một sự phản hồi đối với việc nhiều chuyên gia kinh tế kêu gọi Trung Quốc kích cầu mạnh mẽ hơn để vực dậy tăng trưởng.

Theo giới chuyên gia, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 có thể thấp hơn 2 điểm phần trăm nếu không được đẩy lên bởi cơ sở so sánh thấp. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh sẽ phải hành động quyết liệt hơn trong năm nay, ổn định thị trường bất động sản và thúc đẩy tiêu dùng để giải tỏa áp lực giảm phát trong nền kinh tế.

RỦI RO SỤT GIẢM TĂNG TRƯỞNG NẾU KHÔNG CẢI CÁCH

Số liệu lạm phát mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp so với cùng kỳ năm trước với mức giảm 0,3%, đánh dấu chuỗi tháng giảm phát dài nhất ở nước này kể từ năm 2009. Cả năm 2023, CPI của Trung Quốc chỉ tăng 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 3%. Áp lực giảm phát là một bằng chứng rõ rệt về sự suy yếu của nhu cầu trong nền kinh tế, khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lo ngại về nguy cơ hình thành kỳ vọng bám rễ sâu về một vòng xoáy đi xuống của giá cả.

GDP quý 4/2023 của Trung Quốc tăng 1% so với quý 3 và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức dự báo tăng 5,3% mà giới phân tích đưa ra. Trong quý 3, kinh tế Trung Quốc tăng 1,5% so với quý trước.

Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Julian Evans-Pritchard của Capital Economics nói rằng những số liệu này có vẻ không nhất quán với những chỉ báo cho thấy nền kinh tế khởi sắc trong quý 4/2023 sau khi các nguồn dữ liệu khác cho thấy nền kinh tế dường như suy giảm thay vì tăng trưởng trong quý 3. “Chúng tôi đã thấy trong những đợt suy giảm tăng trưởng trước đây của kinh tế Trung Quốc là số liệu GDP chính thức thường không phản ánh đầy đủ mức độ giảm tốc, nhưng sau đó số liệu được bù lại và vì thế không phản ánh đầy đủ mức độ phục hồi. Tôi cho rằng chúng ta có thể đang chứng kiến điều tương tự”, vị chuyên gia này nhận định với Financial Times.

“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng và không cần phải có các biện pháp kích cầu khẩn cấp”, nhà kinh tế Eswar Prasad của Viện Nghiên cứu Brookings Institution cho biết. Nhưng ông Prasad cho rằng các số liệu mới nhất phản ánh một nền kinh tế “tăng trưởng thấp với đặc trưng là nhu cầu trong nước yếu và áp lực giảm phát kéo dài. Có vẻ còn quá sớm để nói rằng kinh tế Trung Quốc đã qua giai đoạn khó khăn”.

Cùng quan điểm bi quan về kinh tế Trung Quốc, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với thách thức cả trong ngắn hạn và dài hạn; đồng thời, ông khuyến nghị Bắc Kinh cải cách.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC tại Davos, bà Georgieva cho rằng trong ngắn hạn, ngành bất động sản của Trung Quốc cần giải pháp để vượt qua khủng hoảng và mức nợ cao của chính quyền các địa phương nước này cũng là một vấn đề lớn. Trong dài hạn, bà nhấn mạnh vấn đề thay đổi nhân khẩu học và “sự mất mát niềm tin”.

“Trung Quốc cần thực thi các cải cách mang tính cơ cấu để tiếp tục mở cửa nền kinh tế, cân bằng mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tiêu dùng trong nước, đồng nghĩa gia tăng niềm tin trong dân để họ chi tiêu nhiều hơn thay vì tiết kiệm”, người đứng đầu IMF khuyến nghị. “Tất cả những biện pháp này sẽ giúp Trung Quốc ứng phó với nguy cơ mà chúng tôi cho là tốc độ tăng trưởng của kinh tế nước này sẽ sụt khá mạnh còn dưới 4% trong trường hợp không có cải cách”, bà Georgieva nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại