Trung Quốc công bố dữ liệu lạm phát tháng 4 cao hơn dự báo
Trong tháng 4, CPI của Trung Quốc tăng 2,1% trong khi PPI tăng 8%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng cao hơn dự báo trong tháng 4, theo dữ liệu từ Cục thống kê quốc gia.
CPI tăng 2,1% trong tháng trước so với cùng kỳ năm 2021 trong bối cảnh giá năng lượng và rau xanh tăng cao. Con số thực tế vượt lên trên mức dự báo tăng 1,8% trong một cuộc khảo sát thực hiện bởi Reuters.
“Hai yếu tố tác động lớn đến giá thực phẩm là chi phí vận chuyển và nhu cầu thị trường tăng cao khi Trung Quốc thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh”, theo nội dung báo cáo của các chuyên gia phân tích tới từ Goldman Sachs.
Kể từ tháng 3/2022, Trung Quốc đại lục đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà tại nhiều thành phố trong bối cảnh quốc gia này đối diện với làn sóng lây nhiễm dịch bệnh nghiêm trọng nhất trong vòng hơn hai năm qua. Chính những quy định mạnh tay này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể duy trì toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dòng luân chuyển hàng hóa giữa các nhà cung cấp và khách hàng cũng bị gián đoạn.
Giá rau xanh tăng 24% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2021, trong khi giá hoa quả tươi cũng tăng 14,1% trong cùng giai đoạn. Giá thịt lợn, một chỉ số quan trọng trong công tác thống kê CPI, tăng 1,5% so với tháng 3 nhưng giảm tổng cộng 33,3% so với cùng kỳ năm năm trước.
Giá nhiên liệu phục vụ giao thông, vận tải tăng 28,4%.
Giá rau xanh tại Trung Quốc tăng cao trong thời gian qua do người dân tăng cường tích trữ thực phẩm. Ảnh: Getty. |
Nhu cầu tiêu dùng yếu
Bản chất lạm phát có sự khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ.
CPI của Mỹ tăng cao nhất trong vòng hơn 40 năm qua dù đã loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng. Lạm phát trong tháng 4 sẽ sớm được công bố trong ngày 11/5 và được dự báo sẽ giao động quanh ngưỡng 8,5% ghi nhận trong tháng trước đó.
Tại Trung Quốc, nếu loại bỏ yếu tố giá thực phẩm và năng lượng, CPI chỉ tăng 0,9% trong tháng vừa rồi.
Các chuyên gia cảnh báo trong dài hạn, nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế số 2 thế giới vẫn duy trì ở mức thấp, trong bối cảnh người dân lo lắng về thu nhập tương lai.
Một số doanh nghiệp đã phải hạ giá thành nhằm thu hút thêm khách hàng.
Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) lĩnh vực dịch vụ của Caixin cho thấy các doanh nghiệp đang giảm giá với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2020.
Một cuộc khảo sát tương tự đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất cho kết quả: dù chi phí sản xuất tăng cao, giá bán hàng hóa chỉ tăng nhẹ khi nhiều doanh nghiệp muốn duy trì lợi thế cạnh tranh và gia tăng doanh số.
Chi phí sản xuất cao
Trong tháng 4, PPI của Trung Quốc tăng 8%, cao hơn dự báo 7,7% của Reuters.
Trong PPI, giá thu mua tăng nhanh hơn so với giá tại cổng nhà máy. Giá tại cổng chính là giá hàng hóa được bán cho các đại lý phân phối hoặc các doanh nghiệp sản xuất kế tiếp trong chuỗi cung ứng.
Đó là dấu hiệu cho thấy áp lực chi phí phân bổ không đồng đều giữa các ngành công nghiệp và lĩnh vực kinh doanh, theo Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược, vĩ mô tại China Renaissance.
Ông nhận định các doanh nghiệp khác nhau sẽ phải đối mặt với những tác động lợi nhuận khác nhau.
“Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 đang rất cần nhận được sự hỗ trợ”, Pang chia sẻ.
“Các lệnh phong tỏa phòng dịch đang xóa nhòa đi tính hiệu quả của quá trình nới lỏng chính sách, đồng thời kéo tụt chi tiêu tiêu dùng của người dân”, theo Robin Xing, Kinh tế trưởng thị trường Trung Quốc tại Morgan Stanley.
Cuối tháng 4 vừa qua, công ty này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 4,6% xuống 4,2%, cho rằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sẽ được áp dụng lâu dài, tác động tiêu cực lên chuỗi cung ứng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận