menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Chín

Trung Quốc cải cách lãi suất cho vay, chứng khoán châu Á “xanh ngắt”

Sáng 19-8, các thị trường châu Á tràn ngập sắc xanh sau khi đón nhận thông tin tích cực từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) về việc cải cách cơ chế thiết lập lãi suất cho vay cơ bản (LPR) theo hướng thị trường nhằm giúp giảm chi phí vay đối với các công ty trong nước, từ đó hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng trì trệ.

Chốt phiên giao dịch sáng nay, chỉ số Shanghai Composite bật tăng gần 1,5%, trong khi đó, chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) tăng đến 1,87%. Các chỉ số chứng khoán châu Á khác cũng hòa nhịp tăng với chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 0,66%, chỉ số Kospi (Hàn Quốc) tăng 0,6%.

Giới đầu tư hồ hởi mua vào cổ phiếu sau khi PBoC hôm 17-8 thông báo trong tháng này, PBoC sẽ bắt đầu cải cách cơ chế thiết lập lãi suất cho vay cơ bản (LPR) theo hướng thị trường. Theo đó, LPR mới của các ngân hàng lớn Trung Quốc sẽ được quyết định dựa trên lãi suất hoạt động của các thị trường mở và Trung tâm cấp vốn liên ngân hàng quốc gia Trung Quốc (NIBFC) sẽ công bố LPR mới vào ngày 20 hàng tháng.

Cụ thể, hàng tháng các ngân hàng thương mại Trung Quốc sẽ nộp cho NIBFC bảng lãi suất cho vay đối với các khách hàng của họ dựa vào mức lãi suất trung hạn do PBoC kiểm soát. Sau đó, NIBFC sẽ sử dụng bảng lãi suất trung bình của các ngân hàng để thiết lập LPR. Các ngân hàng phải thiết lập lãi suất cho các khoản vay mới bằng cách chủ yếu căn cứ vào LPR do NIBFC công bố và sử dụng LPR này như là điểm chuẩn để thiết lập lãi suất cho vay thả nổi.

“Bằng cách cải thiện cơ chế thiết lập LPR, chúng tôi sẽ sử dụng các phương pháp cải cách dựa theo thị trường để giúp hạ lãi suất cho vay thực tế”, thông báo của PBoC cho hay.

PBoC nhấn mạnh sẽ “đào sâu cải cách lãi suất dựa trên thị trường, cải thiện tính hiệu quả của truyền dẫn lãi suất và hạ chi phí tài chính của nền kinh tế thực”.

Động thái trên được đưa ra sau khi Cục Thống kê Trung Quốc hôm 14-8 cho biết sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7 tăng yếu nhất trong 17 năm. Giới phân tích cho rằng quyết định cải cách cơ chế thiết lập LPR là một phần trong nỗ lực rộng lớn của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chững lại.

“Cải cách thiết lập LPR giống như cắt giảm lãi suất có định hướng và chỉ được PBoC thúc đẩy vào những thời điểm quan trọng”, Dai Zhifeng, nhà phân tích ở công ty chứng khoán Zhongtai Securities nhận định.

“Lãi suất cho vay giảm là điềm báo tốt cho nhu cầu tín dụng và triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2019, giúp bù đắp tác động của cuộc tranh chấp thương mại đang diễn ra với Mỹ”, hai nhà kinh tế Zhaopeng Xing và Raymond Yeung ở Ngân hàng ANZ, nói.

PBoC cam kết dần thống nhất giữa hai tuyến lãi suất bao gồm các lãi suất theo thị trường được PBoC phát triển trong năm gần đây là lãi suất tiền gửi và cho vay cơ bản của PBoC.

Hồi tháng 7, Thống đốc PBoC Dịch Cương cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất tiền gửi cơ bản trong một thời gian tương đối dài nhưng sẽ dần loại bỏ ảnh hưởng của lãi suất cho vay cơ bản do PBoC ấn định để thúc đẩy sự hợp nhất giữa lãi suất cho vay cơ bản và các mức lãi suất cho vay dựa vào thị trường.

Để giải phóng các nguồn vốn cho vay, giới phân tích kỳ vọng PBoC sẽ hạ thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng thương mại trong những tháng tới sau khi đã sáu lần hạ RRR này kể từ năm 2018.

Diễn biến tích cực của các thị trường chứng khoán châu Á vào sáng nay cũng được hỗ trợ nhờ tâm lý lạc quan trở lại trên thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối tuần trước. Kết thúc phiên giao dịch hôm 16-8, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 1,2%, 1,44% và 1,67% khi giới đầu tư đón nhận thông tin chính phủ liên minh của Đức sẽ gác lại quy tắc cân bằng ngân sách để vay nợ thêm và tung ra các biện pháp kích mới trong một nỗ lực chống đỡ nguy cơ suy thoái. Thông tin này cũng giúp lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm tăng trở lại, lên lần lượt mức 1,5826% và 2,071%.

Hôm 14-8, Cục Thống kê Liên bang Đức cho biết trong quí 2, GDP của Đức tăng trưởng âm 0,1% so với quí 1. Giá trị xuất khẩu của Đức trong tháng 6 giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó sản lượng công nghiệp cũng suy giảm 5,2%. Các dữ liệu ảm đạm làm dấy lên các lo ngại kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quí 3.

“Tâm lý của các thị trường đang hướng đến cú tháo chạy một chiều nhưng hy vọng chính sách sau các thông tin về kế hoạch kích thích kinh tế của Đức đã giúp chặn đứng đà suy giảm”, Ayako Sera, nhà chiến lược thị trường ở công ty quản lý tài sản Sumitomo Mitsui Trust, nói.

Trong một diễn biến khác, sáng nay PBoC ấn định tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ (NDT) ở mức 7,0365 NDT ăn 1 đô la Mỹ, giảm so với mức ấn định 7,0312 NDT ăn 1 đô la vào thứ Sáu tuần trước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại