Trump đắc cử, kinh tế Mỹ sẽ ra sao?
Chúng ta không thể biết được nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với những cú sốc nào trong 4 năm tới. Nhưng xét đến các mục tiêu đã nêu và đề xuất chính sách thiếu cân nhắc của Donald Trump thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa khi khẳng định rằng, nền kinh tế năm 2028 sẽ mạnh hơn và bình đẳng hơn nếu Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024.
Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ tác động sâu rộng đến phần còn lại của thế giới
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 có ý nghĩa quan trọng vì nhiều lý do. Vấn đề không chỉ là sự tồn vong của nền dân chủ Mỹ mà còn có những tác động sâu rộng đến phần còn lại của thế giới. Các cử tri phải lựa chọn giữa các chính sách rất khác nhau. Trong khi Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ, vẫn chưa trình bày chi tiết đầy đủ chương trình nghị sự kinh tế của mình, bà có thể sẽ duy trì các nguyên lý cốt lõi Tổng thống Joe Biden, bao gồm các chính sách mạnh mẽ để duy trì cạnh tranh, bảo vệ môi trường, giảm chi phí sinh hoạt, duy trì tăng trưởng, tăng cường chủ quyền cũng như khả năng phục hồi kinh tế quốc gia và giảm bất bình đẳng.
Ngược lại, đối thủ của bà, cựu Tổng thống Donald Trump, không quan tâm đến việc tạo ra một nền kinh tế công bằng, mạnh mẽ và bền vững hơn. Thay vào đó, liên danh của đảng Cộng hòa đang tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty than, dầu mỏ và quan hệ thân thiết quá mức với các tỷ phú như Elon Musk, Peter Thiel. Đây là một công thức khiến nền kinh tế Mỹ yếu hơn, kém cạnh tranh hơn và kém bình đẳng hơn. Mặt khác, trong khi quản lý kinh tế lành mạnh đòi hỏi phải đặt ra các mục tiêu và thiết kế các chính sách để đạt được chúng thì khả năng ứng phó với các cú sốc và nắm bắt các cơ hội mới cũng không kém phần quan trọng.
Nguồn: The Standard
Chúng ta đã có cảm nhận về cách mỗi ứng cử viên sẽ thể hiện về phương diện này. Trump đã thất bại trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 trong nhiệm kỳ trước của mình, khiến hơn một triệu người tử vong. Việc ứng phó với các sự kiện chưa có tiền lệ đòi hỏi phải đưa ra những phán đoán khó khăn dựa trên những căn cứ khoa học tốt nhất. Với bà Harris, nước Mỹ có một người chu đáo và thực tế trong việc cân nhắc các đánh đổi và đưa ra các giải pháp cân bằng. Với ông Trump, chúng ta có một kẻ tự luyến bốc đồng, thích sự hỗn loạn và từ chối chuyên môn khoa học.
Phản ứng với Trung Quốc và “ba cú đấm”
Hãy xem xét phản ứng của ông đối với thách thức do Trung Quốc đặt ra: một đề xuất áp dụng mức thuế chung là 60% trở lên. Như bất kỳ nhà kinh tế nào cũng có thể nói với ông một cách nghiêm túc rằng điều này sẽ làm tăng giá, không chỉ đối với hàng hóa nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc, mà còn đối với vô số hàng hóa khác có chứa đầu vào của Trung Quốc. Do đó, người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình sẽ phải gánh chịu phần lớn chi phí. Khi lạm phát tăng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) buộc phải tăng lãi suất, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng bởi “ba cú đấm” là tăng trưởng chậm, lạm phát tăng và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Tệ hơn nữa, Trump đã áp dụng lập trường cực đoan là đe dọa sự độc lập của Fed (điều này không có gì đáng ngạc nhiên, xét đến những nỗ lực của ông nhằm phá hoại sự độc lập của ngành tư pháp). Do đó, một nhiệm kỳ tổng thống nữa của Trump sẽ tạo ra bất ổn kinh tế dai dẳng; giảm đầu tư và tăng trưởng; tăng kỳ vọng lạm phát.
Các chính sách thuế mà Trump đề xuất cũng đầy rẫy rủi ro. Hãy nhớ lại đợt cắt giảm thuế năm 2017 cho các tập đoàn và tỷ phú, vốn không kích thích thêm đầu tư, chỉ khuyến khích mua lại cổ phiếu. Dù đảng Cộng hòa chưa bao giờ thấy đợt cắt giảm thuế cho người giàu mà họ không thích, nhưng ít nhất một số người cũng nhận ra rằng chính sách này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách, do đó đã thêm một điều khoản hết hiệu lực, bắt đầu vào năm 2025. Nhưng Trump đã phớt lờ các bằng chứng cho thấy việc cắt giảm thuế là không hiệu quả, muốn gia hạn và sau đó cắt giảm sâu hơn vào năm 2017 theo những cách sẽ làm nợ quốc gia tăng thêm hàng nghìn tỷ USD.
Trong khi Trump không quan tâm đến thâm hụt, người Mỹ và các nhà đầu tư nước ngoài nên lo lắng. Thâm hụt tăng vọt từ chi tiêu không tăng năng suất sẽ làm tăng thêm lạm phát, sẽ suy yếu hiệu quả kinh tế và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng.
Tương tự như vậy, việc bãi bỏ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA - Inflation Reduction Act) mang tính biểu tượng của chính quyền Biden không chỉ gây hại cho môi trường và khả năng cạnh tranh của Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng đối với tương lai của đất nước, mà còn xóa bỏ các điều khoản giúp giảm chi phí dược phẩm, do đó làm tăng chi phí sinh hoạt.
Ông Trump cũng muốn đảo ngược các chính sách cạnh tranh mạnh mẽ của chính quyền Biden-Harris, điều này sẽ làm gia tăng bất bình đẳng, suy yếu hiệu quả kinh tế và kìm hãm sự đổi mới. Ông sẽ hủy bỏ các sáng kiến nhằm tăng khả năng tiếp cận giáo dục đại học thông qua các khoản vay sinh viên theo thu nhập được thiết kế tốt hơn, cuối cùng làm giảm đầu tư vào lĩnh vực mà Mỹ cần nhất để đáp ứng những thách thức của nền kinh tế đổi mới của thế kỷ 21.
Sức mạnh kinh tế của Mỹ không nằm ở sòng bạc, sân golf hay khách sạn xa hoa
Hãy cùng phân tích những đặc điểm trong chương trình nghị sự gây nhiều nguy cơ nhất cho triển vọng kinh tế dài hạn của nước Mỹ mà Trump đề ra. Đầu tiên, Trump sẽ cắt giảm tài trợ cho khoa học và công nghệ cơ bản, nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh và mức sống ngày càng tăng của nước Mỹ trong 200 năm qua. Sức mạnh kinh tế của đất nước này không nằm ở sòng bạc, sân golf hay khách sạn xa hoa.
Trong nhiệm kỳ trước, Trump đã đề xuất cắt giảm lớn đối với khoa học và công nghệ nhưng các đảng viên Cộng hòa không theo chủ nghĩa cực đoan trong quốc hội đã chặn các khoản cắt giảm ngân sách này. Tuy nhiên, lần này sẽ khác, vì Đảng Cộng hòa đã trở thành giáo phái cá nhân của Trump. Tệ hơn nữa, đảng này đã tuyên bố chống lại các trường đại học Mỹ, bao gồm các tổ chức hàng đầu thúc đẩy biên giới tri thức, thu hút những nhân tài giỏi nhất từ khắp nơi trên thế giới và duy trì lợi thế cạnh tranh của đất nước.
Chúng ta không thể biết được nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với những cú sốc nào trong 4 năm tới. Nhưng tôi không còn nghi ngờ gì nữa khi khẳng định rằng, nền kinh tế năm 2028 sẽ mạnh hơn và bình đẳng hơn nếu Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024.
Giới thiệu về tác giả Joseph E. Stiglitz
Joseph E. Stiglitz đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 và là Giáo sư tại Đại học Columbia. Ông cũng từng đảm nhiệm chức vụ Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới trong giai đoạn 1997-2000 và là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của cựu Tổng thống Bill Clinton.
Ông là Đồng chủ tịch của Ủy ban Cải cách Thuế doanh nghiệp Quốc tế và là tác giả của cuốn sách The Road to Freedom: Economics and the Good Society.
Nguồn: Wikipedia
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Joseph E. Stiglitz
Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận