Trông giữ xe ở Hà Nội - Bài 1: Siết chặt quản lý
Trong khi vận tải hành khách công cộng chưa thể là phương tiện thay thế thì số lượng phương tiện giao thông cá nhân vẫn không ngừng gia tăng trên địa bàn Hà Nội. Điều này gây áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị, nhất là vấn đề giao thông tĩnh ở Thủ đô. Cung không đáp ứng đủ cầu nên đã phát sinh nhiều bất cập, hệ lụy trong dịch vụ trông giữ xe.
Giao thông tĩnh mới đáp ứng 10% nhu cầu
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), trong năm 2021, toàn thành phố Hà Nội đã đăng ký mới 239.045 phương tiện giao thông; trong đó, có 60.926 ô tô, 171.797 mô tô, 6.322 xe máy điện, nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên 7.531.839 phương tiện. Đó là chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh thành phố khác tham gia giao thông tại Hà Nội.
Số lượng phương tiện giao thông cá nhân vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi đó diện tích đất dành cho giao thông tĩnh vẫn còn rất thấp, mới chiếm 0,12% diện tích các quận nội thành và chỉ đáp ứng được 10% tổng nhu cầu đỗ xe toàn thành phố.
Từ bất cập trên, để đáp ứng nhu cầu gửi xe cho người dân, các bãi đỗ xe tự phát đua nhau mọc lên. Bất cứ chỗ nào còn ô đất trống đều có thể biến thành nơi để trông giữ xe, từ vỉa hè, ngõ cụt cho tới các sân trường học, cơ quan, bệnh viện, chung cư, khu đô thị, các ô đất dự án chưa triển khai.
Tình trạng khan hiếm điểm trông giữ xe xảy ra nhiều nhất ở các quận nội thành. Theo thống kê, trên địa bàn 12 quận nội thành hiện có 590 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tập trung, 562 điểm trông giữ xe trên hè phố, lòng đường.
Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, việc phát triển diện tích dành cho giao thông tĩnh ở Thủ đô là một trong những vấn đề được các cấp, các ngành của Thủ đô quan tâm, chú trọng, huy động đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn do liên quan đến cơ chế chính sách, quy hoạch trước đây chỉ mang tính định hướng. Bên cạnh đó, kinh phí ban đầu dành cho các dự án giao thông tĩnh khá lớn, năng lực nhà đầu tư còn hạn chế.
Tràn lan vi phạm
Hầu như khu vực nào ở nội đô Hà Nội cũng khan hiếm chỗ gửi, đỗ xe, người có nhu cầu gửi xe bức xúc còn chính quyền địa phương lại bất lực để các bãi trông giữ xe tự phát mọc lên với nhiều vi phạm tái diễn.
Dạo qua một vòng nội đô, đâu đâu cũng có thế bắt gặp tình trạng ô tô đỗ tùy tiện dưới vỉa hè, lòng đường như khu vực các tuyến phố: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Quán Sứ, Hòa Mã, Ngô Văn Sở, Tuệ Tĩnh…
Dọc phố Hòa Mã, ngay cạnh biển cấm đỗ xe trước cửa trường tiểu học Ngô Thì Nhậm, ô tô đỗ tùy tiện thành hàng dài dưới lòng đường. Mặc dù tuyến phố Hòa Mã chật hẹp, nhưng ngoài điểm trông giữ xe do Sở Giao thông vận tải cấp phép được sơn vạch thì cả tuyến phố ô tô đỗ tràn lan cả hai bên đường, ô tô cũng đỗ kín một bên đường phố Thi Sách gần đó.
“Quận Hoàn Kiếm có trên 300 điểm trông giữ xe được cấp phép, còn lại đều là các điểm trông giữ xe tự phát của các cá nhân chiếm diện tích lòng đường, vỉa hè, ngõ phố,…để trông giữ xe trái phép, phí trông giữ được thỏa thuận giữa người gửi và người trông xe. Các vi phạm xảy ra nhiều nhất vào các dịp lễ hội, diễn ra các sự kiện chính trị, xã hội. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, riêng lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải quận Hoàn Kiếm đã phạt 72 trường hợp trông giữ xe vi phạm với tổng số tiền phạt 200 triệu đồng”, đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông vận tải quận Hoàn Kiếm Đặng Tiến Nam cho biết.
Điển hình như mới đây người dân phản ánh về tình trạng hàng chục điểm trông giữ xe máy tự phát, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè “mọc lên” xung quanh khu vực Bến xe Giáp Bát, thu phí cao gấp nhiều lần so với quy định của UBND thành phố Hà Nội, gây cản trở, mất an toàn giao thông, an ninh trật tự trong khu vực nhưng không được xử lý kịp thời, gây bức xúc trong dư luận.
Một số người dân sinh sống xung quanh khu vực Bến xe Giáp Bát cho biết, theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, mức phí trông giữ xe máy ban ngày (từ 6 - 18 giờ hàng ngày) là 5.000 đồng/xe còn ban đêm là 8.000 đồng/xe (từ 18 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau); cả ngày đêm là 12.000 đồng/xe. Nhưng tại khu vực này, các điểm trông giữ xe tự phát ngang nhiên “chặt chém” tới 10.000 - 20.000 đồng/lượt xe/ngày đêm.
“UBND, Công an phường đã nắm được các trường hợp trông giữ xe vi phạm tại khu vực này và nhiều lần tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng đây vẫn là vấn đề nóng, khó xử lý dứt điểm”, ông Nguyễn Đức Chính - Phó Chủ tịch UBND phường Giáp Bát thừa nhận.
Tình trạng trên cũng diễn ra ở nhiều nơi, điển hình như tại quận Ba Đình chỉ có 23 bãi xe phục vụ công cộng hoạt động hợp pháp nhưng trong năm 2021, lực lượng chức năng của quận đã kiểm tra, xử lý 35 điểm trông giữ xe trái phép, giải tỏa 2 điểm tại ngõ 135 Đội Cấn và khu đất xây dựng ga S8 đường Cầu Giấy. Còn ở quận Hoàng Mai có 27 điểm trông giữ xe được cấp phép. Trong năm 2021, lực lượng của quận đã xử lý 82 điểm trông giữ xe trái phép.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, thực tế vẫn có nhiều đơn vị trông xe tự phát, thu phí không đúng quy định, dẫn đến "chảy máu" ngân sách của thành phố. Tình trạng này, các quan chức năng của Hà Nội cần sớm vào cuộc, quyết liệt xử lý.
Đánh giá về khả năng đáp ứng nhu cầu đỗ, gửi xe trên địa bàn, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, diện tích đất dành cho bãi đỗ xe trong khu vực đô thị trung tâm, đặc biệt là khu vực nội đô lịch sử còn khó khăn và hạn chế do khu vực trung tâm là nơi tập trung mật độ dân cư cao, nhu cầu gửi xe của người dân lất lớn.
Để giảm áp lực về giao thông tĩnh đáp ứng nhu cầu cho người dân, thành phố Hà Nội tiếp tục chú trọng phát triển đầu tư theo hướng xã hội hóa và duy trì công bố danh mục dự án tại các hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư hàng năm. Đồng thời, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho nhà đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhanh chóng nhằm thu hút những nhà đầu tư có năng lực tham gia gia đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố.
Để giải quyết nhu cầu gửi, đỗ xe trước mắt cho người dân, ông Trần Đức Bảo, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, UBND thành phố ban hành Quyết định số 09/QĐ - UBND ngày 05/03/2018 về việc quy định quản lý khai thác bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố, trong đó có quy định về sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông giữ xe.
Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phố trông giữ xe không chỉ “gỡ bí” cho dịch vụ giao thông tĩnh mà khoản phí thu được còn đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Bài cuối: Thu hút vốn, chống thất thu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận