Trở thành kỳ lân công nghệ trị giá 2 tỷ USD, MoMo tiến tới hoàn thiện siêu ứng dụng
Sau vòng gọi gọi vốn series 5 thêm khoảng 200 triệu USD, MoMo đã trở thành “kỳ lân” tiếp theo của Việt Nam với định giá trên 2 tỷ USD. Bước tiếp theo của MoMo sẽ củng cố thành siêu ứng dụng dẫn đầu.
Sau gọi vốn thành công, MoMo sẽ dùng số tiền để củng cố vị thế dẫn đầu thị trường.
MoMo vừa công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E). Công ty đã nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu bao gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Vòng gọi vốn lần này được dẫn dắt bởi Mizuho – Ngân hàng toàn cầu Nhật Bản.
Được biết vòng gọi vốn series 5 lần này được dẫn dắt bởi Mizuho – Ngân hàng toàn cầu Nhật Bản. Mizuho là một trong các ngân hàng toàn cầu có lượng khách hàng lớn nhất tại Nhật Bản, và sở hữu một mạng lưới quốc tế rộng khắp bao gồm các trung tâm tài chính, kinh doanh trên khắp thế giới.
Về mục đích sử dụng số tiền kêu gọi được, MoMo cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn mới để củng cố vị trí siêu ứng dụng dẫn đầu thị trường thông qua việc tăng cường cung cấp các dịch vụ tài chính đến 31 triệu khách hàng hiện hữu, mở rộng thị trường thông qua việc cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ (SME), siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam và tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư vào các công ty Việt Nam để mở rộng hệ sinh thái.
Công ty cũng sẽ mở rộng và tăng cường các dịch vụ của mình tại các thành phố cấp 2, cấp 3 cũng như các vùng nông thôn.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch HĐQT, đồng Tổng Giám Đốc MoMo chia sẻ: “Nguồn vốn đầu tư này thể hiện sự trân trọng và tin tưởng vào sứ mệnh của MoMo, đó là sử dụng công nghệ để cải thiện chất lượng cuộc sống người Việt, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính và những dịch vụ thiết yếu khác của cuộc sống một cách đơn giản, thuận tiện, với chi phí thấp”.
“Sự cam kết mạnh mẽ của các nhà đầu tư toàn cầu đối với nền tảng siêu ứng dụng MoMo, một sản phẩm công nghệ dành cho người Việt được xây dựng hoàn toàn bởi bàn tay và khối óc của các kỹ sư Việt Nam, chính là điều khích lệ lớn lao cho đội ngũ các kỹ sư tài năng của MoMo, thúc đẩy chúng tôi không ngừng đổi mới, sáng tạo và tạo ra các giá trị khác biệt”, ông Tường nói thêm.
Theo các số liệu tự công bố, tính đến 21/12, MoMo có 31 triệu người dùng, tăng 11 triệu người dùng so với tháng 9/2020. Họ có 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên cả nước, tăng 20.000 điểm so với cuối năm 2020; 50.000 đối tác kinh doanh, tăng 10.000 đối tác so với tháng 9/2020. Họ đang là đối tác tài chính của hơn 50 ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm.
Năm qua, họ ra mắt thêm hàng loạt dịch vụ tài chính như ví trả sau, vay nhanh. Doanh thu của công ty ước tính tăng trưởng khoảng gấp đôi so với 2020. MoMo đang lên kế hoạch hợp tác với ngân hàng, công ty chứng khoán triển khai hình thức tiền gửi có kỳ hạn và đầu tư chứng chỉ quỹ trong năm 2022.
Ông Daisuke Horiuchi, Giám đốc điều hành mảng Kinh doanh bán lẻ của Mizuho (Mizuho’s Retail Business) chia sẻ “Chúng tôi rất tự hào khi trở thành nhà đầu tư của MoMo. Hiện nay, chúng tôi đang không ngừng tìm kiếm và mở rộng các mảng kinh doanh bán lẻ tại Đông Nam Á, cũng như trong lĩnh vực chuyển đổi số và phát triển tài chính toàn diện".
Đông Nam Á hiện đang nổi lên là khu vực sản sinh ra nhiều kỳ lân bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ. Dù chưa hết năm, toàn bộ khu vực đã ghi nhận thêm 15 kỳ lân được ra đời, dẫn đầu là Singapore, Indonesia, và Việt Nam. Một con số. khá lớn khi so sánh với 19 kỳ lân được ra mắt từ năm 2013 đến 2020.
Đến nay, số tiền mà các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á huy động được trong 9 tháng đầu năm 2021 từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư khác đã đạt tổng cộng 17,2 tỷ USD, tăng gấp đôi so với 8,5 tỷ USD năm ngoái.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận