24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hà Quỳnh Uyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trịnh Văn Quyết có được bán khối tài sản 5.000 tỷ để khắc phục hậu quả?

Theo luật sư, việc bán tài sản để khắc phục hậu quả của ông Trịnh Văn Quyết chỉ có thể thực hiện nếu được HĐXX cho phép và ghi nhận tại bản án có hiệu lực của Tòa án.

Tại phần xét hỏi phiên tòa xét xử tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiều 23/7, bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC) trình bày xin được dùng khối tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng đang bị cơ quan chức năng phong tỏa để bồi thường dân sự cho các bị hại trong vụ án.

"Bị cáo kính mong HĐXX tạo điều kiện thuận lợi để được xử lý khối tài sản cá nhân trị giá gần 5.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án mà cơ quan điều tra đã và đang phong tỏa hơn 2 năm qua", cựu Chủ tịch FLC trình bày.

Trong trường hợp này, mong muốn của ông Quyết có thể được HĐXX chấp thuận giải quyết hay không là thắc mắc của nhiều độc giả.

Trịnh Văn Quyết có được bán khối tài sản 5.000 tỷ để khắc phục hậu quả?

Bị cáo Trịnh Văn Quyết được dẫn giải tới phiên tòa (Ảnh: Nguyễn Hải).Giải đáp vấn đề pháp lý trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết đối với khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết, tại giai đoạn điều tra và truy tố, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế như phong tỏa, kê biên tài sản nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường dân sự của bị cáo. Tới nay, việc số tài sản trên chưa được gỡ phong tỏa đồng nghĩa bị cáo Quyết sẽ không thể bán số tài sản này nhằm lấy tiền khắc phục hậu quả.

Để những tài sản trên có thể được đưa vào giao dịch, cần có sự cho phép của thẩm phán chủ tọa phiên tòa, căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 45 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

"Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, đối với các vụ án hình sự trong giai đoạn xét xử, thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ đối với các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế, trừ biện pháp tạm giam. Do đó, việc có ra quyết định hủy bỏ đối với các biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản của ông Quyết hay không sẽ thuộc thẩm quyền đánh giá, xem xét của thẩm phán chủ tọa phiên tòa", ông Giáp phân tích.

Cũng theo luật sư, trong trường hợp thẩm phán đồng ý "gỡ" phong tỏa cho khối tài sản của ông Quyết, quyết định này sẽ được ghi nhận trong bản án sơ thẩm của HĐXX. Do đó, việc bán tài sản nhằm khắc phục hậu quả, nếu được HĐXX chấp thuận, cũng chỉ có thể thực hiện sau khi có bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội.

"Hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị sau khi có bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, nếu HĐXX chấp thuận "gỡ" phong tỏa cho khối tài sản của bị cáo Trịnh Văn Quyết và phần nội dung này của bản án không bị kháng cáo, kháng nghị, phần nội dung này sẽ có hiệu lực thi hành. Khi đó, cựu Chủ tịch FLC được quyền bán tài sản nhằm lấy tiền khắc phục thiệt hại mà bản thân gây ra trong vụ án.

Trong trường hợp khắc phục được thêm một phần hoặc toàn bộ hậu quả, đây sẽ được ghi nhận như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới cho ông Trịnh Văn Quyết trong giai đoạn vụ án được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm", luật sư Giáp bình luận.

Trịnh Văn Quyết có được bán khối tài sản 5.000 tỷ để khắc phục hậu quả?

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại tòa (Ảnh: Minh Đức).

Còn luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc "gỡ" phong tỏa đối với khối tài sản của ông Quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án là có cơ sở, song trên thực tế có thể gây khó khăn cho công tác thi hành án sau này.

Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp, ông Thắng cho rằng đối với những vụ án có tính chất như trên, HĐXX có thể linh động tạm dừng phiên tòa để bị cáo có thể vay mượn, huy động nguồn tiền từ những người khác nhằm khắc phục hậu quả. Đối với khối tài sản đang bị phong tỏa, có thể xác lập các văn bản ghi nhận cam kết của ông Trịnh Văn Quyết về việc chỉ bán tài sản nhằm mục đích khắc phục hậu quả của vụ án và có công chứng, chứng thực bởi công chứng viên.

Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có thể áp dụng nếu có sự đồng ý của thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên giải quyết vụ án cũng như cán bộ tại trại tạm giam nơi cựu Chủ tịch FLC bị tạm giam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
3.50 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả