Triển vọng sáng sủa của Apple dù iPhone không còn là cỗ máy in tiền
Lượng người mua iPhone lần đầu tiên giảm liên tục trong những năm qua nhưng Apple không lo lắng nhiều vì hãng “quả táo cắn dở” đang gặt hái thành công từ chiến lược đa dạng hóa kinh doanh.
Mảng dịch vụ là cỗ máy kiếm tiền mới
Trong phần lớn thập kỷ qua, iPhone đã viết nên câu chuyện thành công của Apple nhưng cũng trong thời gian đó, hãng hãng này cũng đã kịp thời xây dựng các phương án thuyết phục gần 1 tỉ người dùng iPhone rút hầu bao thêm cho một loạt sản phẩm ngoài iPhone và các dịch vụ khác.
Apple giờ đây là công ty kinh doanh đa lĩnh vực: thiết kế và phát triển thiết bị, phụ kiện, dịch vụ, thanh toán, tài chính và giải trí. Cách tiếp cận đa dạng hóa nguồn tạo doanh thu rất quan trọng đối với tương lai của Apple vì ngày càng ít người mua iPhone lần đầu.
Số người mua iPhone mới lần đầu suy giảm qua mỗi năm kể từ lúc đạt đỉnh vào năm 2016 khi có 129 triệu lần đầu mua iPhone mới. Trong năm 2019, con số này chỉ còn 48 triệu và sẽ tiếp tục suy giảm. Dĩ nhiên, Apple vẫn tiếp tục kiếm khách hàng mua iPhone mới nhưng công ty này rốt cục phải cần một cỗ máy kiếm tiền mới kế nhiệm iPhone, “con bò sữa” của Apple nhưng không còn sung sức như trước đây.
Patrick Moorhead, Chủ tịch Công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Moor Insights & Strategy, cho rằng giữa lúc nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái, sẽ có ít người tiêu dùng mua smartphone hơn. Trong cuộc họp báo thông báo kết quả kinh doanh gần đây, Apple lưu ý người dùng đang sử dụng iPhone của họ lâu hơn trước khi nâng cấp lên mẫu iPhone mới. Apple cũng bắt đầu tung ra các mẫu iPhone giá mềm để thuyết phục người dùng nâng cấp.
Các nhà phân tích ở Ngân hàng Goldman Sachs dự báo khách hàng có thể ủng hộ các mẫu iPhone giá rẻ nhưng điều này sẽ khiến giá bán trung bình của mỗi chiếc iPhone giảm xuống, ảnh hưởng đến doanh thu bán iPhone tổng thể.
Apple dường như đã tìm ra được hướng đi mới. Doanh thu của Apple trong quí cuối năm ngoái vẫn tăng vọt lên mức kỷ lục dù doanh thu iPhone chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước đó.
Điều này có thể giải thích qua hai số liệu. Đầu tiên là lượng thiết bị của Apple được bán ra ngày càng tăng thể hiện qua số thiết bị của Apple đang được kích hoạt (đang được sử dụng trong thực tế). Cứ mỗi năm, con số này tăng thêm 100 triệu. Các thiết bị này gồm iPhone, iPad, Mac, Apple Watch, HomePod (loa thông minh), Apple TV (thiết bị giải trí có khả năng chuyển đổi và đưa tín hiệu lên màn hình TV để xem các nội dung trên Internet). Năm 2016, có khoảng 1 tỉ thiết bi của Apple đang hoạt động. Giờ đây, con số này là 1,5 tỉ và 2/3 trong số đó là iPhone.
Thứ hai, Apple tiếp tục ghi nhận doanh thu mảng dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ qua mỗi quí và trong quí cuối năm ngoái (quí 1-2020 theo năm tài chính của Apple), con số doanh thu ở mảng này đạt mức kỷ lục 12,7 tỉ đô la, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quí kết thúc vào ngày 28-3-2020, doanh thu mảng dịch vụ leo lên kỷ lục mới 13,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm 23% tổng doanh thu của Apple.
Danh sách các dịch vụ của Apple gồm kho ứng dụng App Store, dịch vụ thuê bao nhạc số Apple Music, thuê bao game Apple Arcade, thuê bao truyền hình trực tuyến Apple TV+ cho đến dịch vụ điện toán đám mây iCloud, ví điện tử Apple Pay...
Từ ngày 22 đến 22-6, Apple sẽ tổ chức Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu Apple (WWDC) dưới hình thực trực tuyến. Mối quan hệ giữa Apple với cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với Apple khi công ty này đang muốn xây dựng mảng dịch vụ trở thành “con bò sữa” mới.
Đẩy mạnh doanh số các thiết bị ngoài iPhone
Trong số gần 1 tỉ người dùng iPhone, gần 50% chỉ sở hữu 1 chiếc iPhone duy nhất và không dùng các thiết bị khác của Apple, theo ước tính của nhà phân tích độc lập Neil Cybart.
Nhóm người này thường chỉ là khách hàng nước ngoài mới mua iPhone trong thời gian gần đây. Họ sẽ là mảnh đất màu mỡ để Apple tiếp tục thúc đẩy doanh thu dịch vụ và doanh số các thiết bị khác của Apple ngoài iPhone.
Giám đốc Tài chính Apple, Luca Maestrim cho biết, trong quí đầu năm 2020, Apple bán được 6,3 tỉ đô la giá trị thiết bị đeo, thiết bị giải trí ở nhà và phụ kiện nhưAirPods, Apple Watch, HomePod. Con số này tăng đến 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng dữ liệu quan trọng và vui mừng hơn đối với hãng là 75% doanh số Apple Watch trong quí vừa qua đến từ những khách hàng mua lần đầu.
Thuyết phục người dùng iPhone mua những sản phẩm giá trị cao khác của Apple như dòng máy tính Mac đòi hỏi Apple phải ưu tiên nỗ lực nâng cấp nó.
Nếu tại WWDC năm nay, Apple thông báo sử dụng bộ xử trung tâm (CPU) của hãng ARM thay cho CPU của Intel ở các sản phẩm MacBook, điều này sẽ giúp tiết kiệm 150 đô la cho mỗi MacBook. Apple có thể sử dụng số tiền tiết kiệm được này để bổ sung thêm cho MacBook các tính năng như kết nối di động, card đồ họa nâng cao, thậm chỉ bổ sung thêm các cảm biến và con chip mới vốn chỉ có ở iPhone. Apple cũng có thể trang bị thêm cho MacBook khả năng chạy một loạt ứng dụng vốn đang chỉ hoạt động ở iPad.
Một phương án khác có thể giúp Apple thúc đẩy doanh thu thiết bị trong thời gian tới là hỗ trợ tài chính cho khách hàng.
Hôm 15-6, Apple thông báo những khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của Apple (Apple Card) để mua các sản phẩm như dòng máy tính Mac, iPad, AirPod, AirPod Pro, Apple TV...sẽ được trả góp trong thời gian từ 6-12 tháng với mức lãi suất 0%. Năm ngoái, Apple cũng cho phép trả góp trong 24 tháng với lãi suất 0% đối với khách sử dụng Apple Card để mua iPhone mới.
Thách thức lớn nhất của Apple trong chiến lược đa dạng hóa kinh doanh là dù doanh thu của công ty ít phụ thuộc hơn vào doanh số iPhone nhưng iPhone vẫn nằm ở vị trí trung tâm. Nếu iPhone mất thị phần, cỗ máy kiếm tiền của Apple có thể khựng lại, thậm chí giật lùi. Khả năng này có thể xảy ra nếu một đối thủ tung ra một công nghệ kết nối mới, đẩy lùi sự thống trị của smartphone hoặc hàng triệu người không còn khả năng mua iPhone nữa dù là iPhone SE phiên bản 2020, giá chỉ 400 đô la do thu nhập giảm khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái.
Mô hình kinh doanh hiện nay của Apple cũng bộc lộ một điểm tổn thương lớn khác. Danh sách phe chống đối Apple đang kéo dài. Các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu (EU), công ty dịch vụ nhạc trực tuyến Spotify Technology, công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng Tile, công ty phần mềm web Basecamp đang cáo buộc Apple lợi dụng sự thống trị thiết bị để tính phí hoa hồng cao ở kho ứng dụng App Store và chèn ép các đối thủ.
Dù Apple không dẫn đầu thị phần smartphone toàn cầu nhưng đang nắm quyền kiểm soát hệ sinh thái thiết bị khổng lồ của riêng công ty này.
Theo Wall Street Journal
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận