menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nam

Triển vọng nhóm cổ phiếu bảo hiểm ra sao năm 2021

Khi kinh tế phục hồi sẽ giúp thúc đẩy bảo hiểm phi nhân thọ. Khi tăng trưởng GDP sẽ quay trở lại mức 6,5% vào năm 2021, bảo hiểm hàng hóa, hàng không, du lịch và bảo hiểm bảo an tín dụng sẽ có thể đạt được mức tăng trưởng trước Covid.

Đến cuối năm 2020, giá cổ phiếu các công ty bảo hiểm giảm 9% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng 19,7% so với VN-Index. Tuy nhiên, nếu so từ đáy năm 2020, các công ty bảo hiểm đã tăng 62,9% - cao hơn 1,5% so với VN-Index. Các chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng, tăng trưởng doanh thu phí của ngành bảo hiểm sẽ tốt hơn trong năm 2021, nhưng vẫn giữ quan điểm trung lập với nhóm cổ phiếu này.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ lần lượt tăng 25,6% và 21,2% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2020. Điều này cũng phù hợp với kỳ vọng của giới phân tích chứng khoán khi cho rằng Covid-19 sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm mang tính chất bảo vệ trước rủi ro đối với cá nhân. Tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5,4% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2020.

Tuy nhiên, cạnh tranh trong ngành này tiếp tục gay gắt. Trong số 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu, chỉ có BVH và PVI có thị phần giảm trong 9 tháng năm 2020. Trong khi đó, trong số 10 công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu, có 6 công ty tăng thị phần gồm: Manulife, AIA, Generali, MB Ageas, FWD và AVIVA và 4 công ty mất thị phần, gồm: Baoviet Life, Prudential, Dai-i-chi Life, Chubb Life, Hanwha Life. Cuối năm 2020, Manulife hoàn tất việc mua lại AVIVA Việt Nam. Điều này giúp thị phần bảo hiểm nhân thọ của Manulife tăng lên khoảng 18,5% - xếp sau Prudential với 18,8%.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, lợi nhuận phân hóa giữa các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Các công ty bảo hiểm nhân thọ chịu tác động nghiêm trọng hơn từ môi trường lãi suất thấp dưới gánh nặng dự phòng toán học lớn. Trong khi đó, lợi nhuận của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ được hỗ trợ bởi tỷ lệ kết hợp cải thiện và ROI tăng do TTCK sôi động. Tổng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng năm 2020 của các công ty bảo hiểm niêm yết tăng 10% so với cùng kỳ.

Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung Tâm phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc cao hơn vào năm 2021 đối với cả mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ lần lượt là + 22% và 10-12% so với cùng kỳ. Đây cũng là nhóm cổ phiếu để các NĐT xem xét, bởi lẽ nhu cầu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ở mức khá và nhờ các hợp đồng banca độc quyền mới được ký kết, các công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng lớn hơn. Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và không còn giãn cách xã hội, các hoạt động bán hàng (họp mặt, hội nghị khách hàng...) sẽ có thể phục hồi về mức trước Covid, thúc đẩy hoạt động bán hàng mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, khi kinh tế phục hồi sẽ giúp thúc đẩy bảo hiểm phi nhân thọ. Khi tăng trưởng GDP sẽ quay trở lại mức 6,5% vào năm 2021, bảo hiểm hàng hóa, hàng không, du lịch và bảo hiểm bảo an tín dụng sẽ có thể đạt được mức tăng trưởng trước Covid.

Ngoài ra, việc mở rộng tài sản quản lý (AUM) cũng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vào năm 2021. SSI cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận sẽ tương đương tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm, vì các yếu tố hỗ trợ lợi nhuận trong năm 2020 là thị trường cổ phiếu sôi động và tỷ lệ bồi thường cải thiện có thể không lặp lại vào năm 2021. Lãi suất bình quân năm 2021 ước tính thấp hơn mức trung bình năm 2020 từ 75-85 bps, do đó, tăng trưởng thu nhập tài chính sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc mở rộng AUM.

"Một số thay đổi về mặt cấu trúc sẽ tiếp diễn trong năm 2021. Chúng tôi ước tính doanh số bán hàng trực tuyến sẽ tăng. Tuy nhiên, kênh này chỉ phù hợp với một số phân khúc nhất định (bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm xe máy bắt buộc, bảo hiểm du lịch). Ngoài ra, các công ty bảo hiểm có thể phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe với nhiều mức tùy chọn và đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng hơn...", bà Phương nhìn nhận và cho rằng, định giá cổ phiếu bảo hiểm chưa trở lại mức trước Covid. Hiện tại, BVH đang giao dịch với PB là 2,46 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm và 10 năm lần lượt là 3,06 lần và 2,76 lần và cũng thấp hơn mức trước Covid là 2,62 lần.

"Chúng tôi cho rằng mức định giá thấp này có thể phản ánh kỳ vọng của NĐT về sự bất lợi của các DN bảo hiểm nhân thọ trong môi trường lãi suất thấp. Chúng tôi duy trì đánh giá trung lập đối với lĩnh vực này vì động lực tăng trưởng quan trọng là lãi suất dự kiến vẫn tiếp tục ở mức thấp trong năm 2021. Yếu tố tác động tích cực đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn sẽ là việc SCIC thoái vốn khỏi BVH và BMI, được kỳ vọng sẽ có thể thực hiện vào nửa đầu năm 2021", bà Phương cho biết thêm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả