Triển vọng nào cho PLX trong năm tới?
Theo CTCK VNDIRECT, năm 2022 là một năm khó khăn đối với các nhà phân phối xăng dầu do thị trường trong nước có nhiều bất ổn, gây áp lực lớn lên các nhà phân phối lớn như PLX trong việc đảm bảo nguồn cung trong điều kiện kinh doanh không thuận lợi.
Tuy nhiên, VNDIRECT tin tưởng vào khả năng phục hồi của PLX trong năm 2023 nhờ: NMLD Nghi Sơn hoạt động ổn định trở lại từ quý 4/2022, điều chỉnh tăng chi phí định mức cấu thành giá cơ sở từ quý 4/2022, và nhu cầu xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam.
Quý 3/2022 (quý 3/2022), doanh thu (DT) của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HoSE: PLX) tăng 112,8% so với cùng kỳ (svck) lên 73.695 tỷ đồng nhờ cả sản lượng tiêu thụ tăng (+53% svck từ mức thấp trong quý 3/2021) và giá bán bình quân tăng (+60% svck). Tuy nhiên, LN ròng quý 3/2022 tăng khiêm tốn 30% svck lên 99 tỷ đồng do biên LN gộp quý 3/2022 giảm 2,1 điểm % svck xuống 3,8%.
Trong 9 tháng đầu năm 2022 (9 tháng đầu năm 2022), DT thuần tăng 88,5% svck lên mức kỷ lục 225.697 tỷ đồng, nhưng LN ròng giảm 86% svck xuống 312 tỷ đồng do biên LN gộp thu hẹp và chi phí tài chính tăng gấp đôi svck khi lỗ tỷ giá tăng mạnh (+6 lần svck lên 644 tỷ đồng).
2022 là một năm đầy thách thức đối với các đơn vị phân phôi xăng dầu tại Việt Nam
Trong 6T22, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động dưới công suất do gặp các vấn đề về tài chính, khiến nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt. Do đó, các nhà phân phối lớn như PLX phải tăng tỷ trọng nguồn nhập khẩu (lên 42% trong 9 tháng đầu năm 2022 so với 30% trong năm 2021) để đảm bảo xăng dầu cho thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới diễn biến không thuận lợi và chi phí vận chuyển gia tăng.
Ngoài ra, mặc dù các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã tăng mạnh kể từ cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, nhưng các chi phí định mức tính giá cơ sở xăng dầu tại Việt Nam (như chi phí kinh doanh xăng dầu định mức và chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam) vẫn chưa được điều chỉnh cho đến tháng 10 vừa qua. Điều này gây áp lực lớn lên biên LN gộp của PLX trong 9 tháng đàu năm 2022.
Việc điều chỉnh tăng chi phí định mức tính giá cơ sở xăng dầu sẽ hỗ trợ cho HĐKD của PLX
VNDIRECT cho biết, chi phí định mức cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã được điều chỉnh.
Cụ thể, cơ quan quản lý điều chỉnh tăng chi phí định mức đối với mặt hàng xăng RON92/RON95 thêm 350 đồng/lít lên tương ứng là 1.320 đồng/1.340 đồng/lít (+36%/35% so với trước đó) kể từ tháng 10. Đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu, chi phí vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam (cấu thành giá CIF trong giá cơ sở xăng dầu) cũng được điều chỉnh tăng kể từ ngày 11/11.
VNDIRECT cho rằng những điều chỉnh này sẽ phản ánh sát hơn diễn biến của thị trường, giúp giảm áp lực cho các doanh nghiệp phân phối xăng dầu như PLX.
Hướng đến một năm 2023 tươi sáng hơn?
Theo VNDIRECT, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép là 5,5% trong giai đoạn 2022-2030. Đây sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp phân phối xăng dầu tăng trưởng trong những năm tới. Trong khi đó, giá dầu thế giới được kỳ vọng sẽ ổn định hơn so với một năm 2022 đầy biến động, điều này có thể làm giảm rủi ro đánh giá lại hàng tồn kho của PLX.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành cơ chế để PVN xử lý vấn đề tài chính đối với NMLD Nghi Sơn (NSR). Đây sẽ là tiền đề để NSR hoạt động ổn định trong những năm tới, giúp tăng tỷ trọng nguồn cung xăng dầu trong nước và giảm chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp phân phối.
Do đó, VNDIRECT kỳ vọng tỷ trọng nguồn xăng dầu đầu vào nội địa của PLX sẽ trở lại mức 70% vào năm 2023 (so với mức 58% trong 9T22). Nhìn chung, VNDIRECT dự báo LN ròng của PLX sẽ sụt giảm 64,5% svck trong năm 2022. LN ròng dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023-2024 với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 284,2%/17,8% svck trong 2023-2024.
VNDIRECT đưa ra dự phóng KQKD giai đoạn 2022-2024 như sau:
- Nâng giả định sản lượng tiêu thụ nội địa năm 2022-2024 để phản ánh sự phục hồi sản lượng tiêu thụ nội địa của PLX mạnh hơn dự kiến trong 9T22
- Tăng giả định DT thuần năm 2022-2024 nhờ giả định tổng sản lượng tiêu thụ cao hơn và giả định giá bán xăng dầu trung bình năm 2022-24 cao hơn (+15% /11,5% /14,2% so với dự báo trước đó)
- Hạ giả định biên LN gộp năm 2022 do chi phí thực tế liên quan đến việc kinh doanh xăng dầu cao hơn đã ảnh hưởng tiêu cực đến biên LN gộp của PLX trong 9T22.
Trong năm 2023-2024, VNDIRECT kỳ vọng những điều chỉnh của cơ quan quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu sẽ giúp LN gộp của PLX trở lại bình thường và giả định biên LN gộp của VNDIRECT thay đổi chủ yếu do giả định giá bán bình quân cao hơn (PLX có lãi cố định trên mỗi lít xăng bán ra theo cơ chế giá xăng dầu cơ sở hiện nay).
- Điều chỉnh giảm giả định LN tài chính thuần trong năm 2022-2024 để phản ánh: (1) khoản lỗ tỷ giá trong 9 tháng đầu năm 2022 do đồng USD tăng mạnh và (2) môi trường lãi suất cao hơn.
Dựa trên phương pháp định giá DCF, VNDIRECT duy trì khuyến nghị Khả quan cho cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 45.600 đồng/cổ phiếu. Động lực tăng giá tiềm năng:
- Sản lượng tiêu thụ xăng dầu cao hơn dự kiến
- Thương vụ thoái vốn tại PG Bank.
Rủi ro giảm giá:
- Chi phí kinh doanh xăng dầu cao hơn dự kiến.
- Rủi ro tỷ giá: Do giá xăng dầu đầu vào được tính theo đồng USD trong khi giá bán sản phẩm tính theo đồng VND, VNDIRECT cho rằng PLX sẽ đối mặt với rủi ro từ việc đồng USD mạnh lên.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, PLX ghi nhận khoản lỗ ròng tỷ giá là 290 tỷ đồng (so với mức lãi ròng tỷ giá là 61 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021). Lỗ tỷ giá có khả năng gia tăng trong Q4/22 do USD tăng trong quý 4/2022, nhưng điều này sẽ giảm bớt từ năm 2023 vì VNDIRECT cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên, đồng USD mạnh hơn kỳ vọng có thể tạo ra rủi ro tỷ giá cho PLX trong năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận