menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Nguyên Vũ

Triển vọng kinh tế vĩ mô của nước Mỹ

Bị tổn thương nghiêm trọng từ cuộc suy thoái do COVID-19 gây ra vào đầu năm 2020 đến nay, thực trạng hiện tại của nền kinh tế và thị trường lao động Mỹ là khá ảm đạm. Mặc dù sự gia tăng của lạm phát đã bắt đầu gây ra những xáo trộn lớn nhưng tôi có lý do chính đáng để dự đoán rằng nó sẽ giảm bớt trong trung hạn.

* Bài viết thể hiện quan điểm của J. Bradford DeLong

Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp nên cảm thấy tự hào

Những người đang lo lắng về lạm phát gia tăng ở Mỹ có thể không đồng ý với nhận định lạm phát sẽ sớm kết thúc nhưng Fed lại tin vào điều đó. Chúng ta hãy xem xét những gì Fed đã đạt được trong hai năm qua.

Tại cùng thời điểm này vào năm 2020, đại dịch COVID-19 đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên trên mức 14% khi phần lớn nền kinh tế buộc phải đóng cửa. Mặc dù số lượng việc làm đã tăng khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại nhưng nó vẫn thấp hơn 7% so với mức trước đại dịch.

Việc lấy lại 7% còn lại đó rất khó khăn vì nó đòi hỏi sự phân bổ lại lao động. Trong thời kỳ phục hồi đáng thất vọng, thiếu nỗ lực và không đạt kỳ vọng kể từ cuộc Đại suy thoái cách đây một thập kỷ, số lượng việc làm chỉ tăng khoảng 1.3 điểm phần trăm mỗi năm. Do nhu cầu chững lại và tăng rất chậm trong thời kỳ này nên khó có thể tìm ra mô hình kinh doanh nào sẽ sinh lời và nơi nào là thực sự cần lao động.

Lần này, việc kết nối diễn ra nhanh hơn rất nhiều. Việc làm đã tăng 5% trong thời gian chỉ một năm bởi vì Fed và chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã không nhả chân ga quá sớm như những người tiền nhiệm của họ đã làm vào đầu những năm 2010. Chúng ta nên coi tình trạng nền kinh tế hiện tại là một thắng lợi lớn về mặt chính sách (có lẽ là chiến thắng vĩ đại nhất mà tôi từng thấy ở Mỹ). Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp nên cảm thấy tự hào.

Lạm phát tăng cao, như một tác dụng phụ và là hệ quả của sự phục hồi của nền kinh tế, là không thể tránh khỏi và do đó không có gì phải hối tiếc. Khi bạn tăng tốc độ trên đường, bạn sẽ phải để lại vệt bánh xe. Câu hỏi bây giờ là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Thị trường trái phiếu dường như cho rằng làn sóng lạm phát này sẽ qua đi, với sự ổn định giá cả sẽ trở lại trong trung hạn. Tôi dự đoán trong 5-10 năm nữa, lạm phát bình quân sẽ nằm ở mức 2.2%/năm.

Thị trường không phải luôn đúng. Nhưng trong trường hợp này, tôi tin tưởng vào phán đoán của nó. Thị trường trái phiếu được tin cậy không phải vì nó dự báo tốt, mà vì những gì nó cho chúng ta biết về kỳ vọng. Nếu lạm phát hiện tại của Mỹ không biến mất nhanh chóng, đó là bởi vì mọi người không mong đợi nó làm như vậy. May mắn thay, như Joseph E. Gagnon của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã chỉ ra, những người kỳ vọng điều này phần lớn là những người đặt cược vào thị trường trái phiếu.

Nhìn rộng hơn về lịch sử, đã có sáu đợt lạm phát của Mỹ trên 5% trong thế kỷ XX. Một đợt xảy ra trong Thế chiến thứ nhất nhưng lạm phát này đã chuyển thành giảm phát và suy thoái sâu trong ngắn hạn. Milton Friedman sau này xác định nguyên nhân là do Fed tăng lãi suất quá mức (từ 3.75% lên 7%).

Một ví dụ khác là trong Thế chiến thứ hai, khi lạm phát được giảm bớt nhờ các biện pháp kiểm soát giá cả. Hai lần tiếp theo là sau Thế chiến thứ hai và sau Chiến tranh Triều Tiên, khi lạm phát chỉ là nhất thời và trôi qua nhanh chóng mà không cần một chính sách thắt chặt tiền tệ có quy mô lớn nào. Hai lần cuối cùng là vào những năm 1970, với lần cuối cùng bị ảnh hưởng bởi một cuộc suy thoái mạnh sau những đợt tăng lãi suất lớn của Chủ tịch Fed Paul Volcker.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng là rủi ro duy nhất mà nước Mỹ không thể tự giải quyết được

Cho dù họ có nhận ra hay không, thì tất cả mọi người đều đưa ra lập luận cho những tranh cãi về quá trình lạm phát ngày nay không phải dựa trên các nguyên tắc lý thuyết mà là từ các sự kiện tương tự đã xảy ra trong lịch sử. Một số người, trong đó có giáo viên cũ của tôi, ông Olivier Blanchard, coi những sự kiện của thập niên 70 là một trường hợp so sánh lý tưởng. Nhưng trong khi điều đó có thể chứng minh là đúng, thì chúng lại có vài trường hợp thiếu thuyết phục. Lạm phát bùng nổ năm 1974 xảy ra sau một đợt lạm phát trước đó đã làm thay đổi đi nhiều kỳ vọng. Bởi trước đó, năm 1973, mọi người đã kỳ vọng rằng tỷ lệ lạm phát, trong trường hợp không có suy thoái, sẽ vẫn giữ ở mức như năm trước - nếu không muốn nói là cao hơn một chút. Ngược lại, hiện tôi không thấy có bằng chứng nào cho thấy kỳ vọng lạm phát của Mỹ đã trở nên không đáng tin cậy.

Hơn nữa, việc làm của Hoa Kỳ vẫn thấp hơn khoảng 7.3 triệu so với xu hướng trước đại dịch. Trong một bài báo gần đây, Lawrence H. Summers và Alex Domash cho rằng sự thiếu hụt 2.7 triệu việc làm là do các yếu tố về cấu trúc như sự già hóa dân số và hạn chế nhập cư. Nhưng điều đó vẫn khiến 4.6 triệu người rời bỏ lực lượng lao động nhưng họ vẫn có thể bị hấp dẫn một khi nền kinh tế đủ mạnh trở lại. Nguồn lao động tiềm năng này giúp tôi giảm bớt nỗi sợ về vòng xoáy lạm phát tiền lương, điều này xảy ra khi người sử dụng lao động cố gắng thuê nhiều lao động hơn khả năng sẵn có. Ngoài vòng xoáy tiền lương, hai thủ phạm khác thường được nhắc đến cho lạm phát phi mã là sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và hiện tượng lời tiên tri tự ứng nghiệm. Trong số ba rủi ro này, rủi ro nghiêm trọng tiềm ẩn duy nhất mà nước Mỹ không thể tự giải quyết được là sự gián đoạn của chuỗi cung ứng.

Điều này đưa chúng ta đến với một thử thách lớn. Đó là rủi ro chuỗi cung ứng có thể ngày càng nghiêm trọng khi mà cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến cho giá dầu và ngũ cốc tăng nhanh một cách chóng mặt, điều đã từng xảy ra vào đầu những năm 1970. Sau cùng, nhờ Tổng thống Nga Vladimir Putin mà thập niên 70 lại trở thành một trường hợp đối chiếu điển hình.

Giới thiệu tác giả J. Bradford DeLong

J. Bradford DeLong Giáo sư Kinh tế tại Đại học California, Berkeley và là thành viên của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia. Ông từng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Clinton, giai đoạn ông đã tham gia rất nhiều vào các cuộc đàm phán về ngân sách và thương mại.

Ông từng đảm nhận vai trò thiết kế gói cứu trợ cho Mexico trong cuộc khủng hoảng peso năm 1994, điều đã giúp ông đi tiên phong trong việc thúc đẩy Mỹ Latinh trở thành một khu vực kinh tế mở và củng cố vị thế của ông như một người có tiếng nói hàng đầu trong các cuộc tranh luận về kinh tế - chính sách.

Triển vọng kinh tế vĩ mô của nước Mỹ

Nguồn: AzerNews

FILI

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại