menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Cường

Triển vọng kinh tế toàn cầu thời đại dịch: Tươi sáng hơn trong những tháng tới?

Dịch Covid-19 bị đánh giá là cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Báo cáo mới nhất Quỹ Tiền tệ quốc tế đột ngột điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay theo chiều hướng lạc quan hơn.

Trong báo cáo mới nhất (công bố ngày 13/10), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đột ngột điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay theo chiều hướng lạc quan hơn. GDP thế giới thay vì mức thiệt hại 5,2% như ước tính trước đây nay sẽ chỉ giảm khoảng 4,4%, nhưng Tổ chức này cũng không quên nhấn mạnh những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 tới triển vọng này.

Nguy hiểm hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu

Theo lý giải của IMF, thiệt hại do dịch bệnh đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ không nghiêm trọng như những dự báo trước đó nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của các chính phủ trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và hoạt động kinh doanh được mở trở lại.

Vì thế, các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ đều giảm mạnh tăng trưởng, Mỹ có thể giảm 4,3%; EU giảm 8,3%; Anh giảm 9,8% và Nhật Bản giảm 5,3%, nhưng với lợi thế dân số lớn nhất thế giới - Trung Quốc trở thành trường hợp duy nhất có thể có tăng trưởng 1,9%.

Với sự lây lan nhanh và nghiêm trọng ở trên 200 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn mọi hoạt động kinh tế thế giới do các biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới được đánh giá là lớn hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, tác động chủ yếu của dịch vẫn giới hạn ở gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng tới những nước phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi khủng hoảng lan rộng sang Mỹ, EU và các nước khác, kinh tế thế giới một lúc phải chịu hai cú sốc lớn từ cả phía cung và cầu.

Về phía cung, đại dịch Covid-19 gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng tới nguồn cung lao động. Công suất sử dụng máy móc thiết bị giảm do tình trạng đóng cửa nhà máy.

Về phía cầu, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới kinh tế thế giới do sự giảm sút về nhu cầu tiêu dùng, đầu tư và thu nhập của người tiêu dùng. Cụ thể, các biện pháp giãn cách xã hội tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tại các quốc gia, đặc biệt là đối với ngành du lịch, hàng không, dịch vụ giải trí và bán lẻ do các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, mặc dù nhu cầu mua sắm trực tiếp có thể phần nào bù đắp thiệt hại này; thu nhập của người lao động giảm mạnh, dẫn đến giảm nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; giá trị tài sản bằng chứng khoán của các hộ gia đình và doanh nghiệp giảm do sự lao dốc của thị trường chứng khoán; giá dầu sụt giảm mạnh ảnh hưởng lớn tới nguồn thu và cầu của các nước xuất khẩu dầu mỏ; và nhu cầu đầu tư giảm mạnh khi rủi ro đầu tư gia tăng.

Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, cả tổng cung và cầu bị thu hẹp, gia tăng rủi ro tài chính đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm. Tuy nhiên, một số nền kinh tế đã vận hành tốt hơn mong đợi, thậm chí nhiều nền kinh tế đã cho thấy có dấu hiệu phục hồi.

Khả năng hồi phục của các nền kinh tế phát triển vào năm 2021 được dự báo gần như chắc chắn, dù không thể bù đắp được những thiệt hại của năm nay. Theo IMF, GDP của đa số các quốc gia vào cuối năm sau sẽ vẫn duy trì dưới mức của năm 2019 và thấp hơn đáng kể so với các dự báo trước đại dịch.

“Vết sẹo” Covid-19 bao giờ lành?

Dịch Covid-19 bị đánh giá là cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2. Thậm chí, việc các doanh nghiệp phải đóng cửa và các nước áp đặt lệnh phong tỏa có thể đẩy thế giới rơi vào suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930. Theo tính toán của IMF, tổng giao dịch thương mại thế giới sẽ tăng khoảng 8,3% trong năm 2021 sau khi giảm 10,4% trong năm nay. Điều này cho thấy, dù có tín hiệu khả quan thì các nước vẫn sẽ mất thời gian ít nhất một vài năm để có thể phục hồi hoàn toàn.

Triển vọng kinh tế thế giới vẫn chưa chắc chắn và phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến dịch Covid-19. Ở tình huống bất lợi, khi việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn dự kiến, các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ khiến con số dự báo về tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm 0,75 điểm phần trăm và năm 2021 sẽ giảm gần 3 điểm phần trăm, so với mức dự báo tăng trưởng 5,2% hiện nay.

Tính đến nay, trong các báo cáo chính thức, phần lớn các tổ chức quốc tế vẫn tỏ ra bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu thời gian tới. Trong báo cáo mới nhất, OECD cho rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu tương ứng với hai kịch bản, với kịch bản thứ nhất, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế thế giới sẽ giảm 6% trong năm nay và tăng 5,2% trong năm tiếp theo. Ở trường hợp thứ 2, làn sóng Covid-19 thứ hai tấn công, các số liệu cho nền kinh tế toàn cầu sẽ là âm 7,6% trong năm 2020 và cộng thêm 2,8% vào năm 2021. Các nền kinh tế lớn cũng theo xu hướng suy giảm, Mỹ tăng trưởng -7%, Eurozone (-9%), Italy, Pháp và Anh có thể suy giảm đến hơn 11%.

OECD khá bi quan khi cho rằng, không có quốc gia nào có thể mong đợi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ theo một trong hai kịch bản.

Còn nhà kinh tế trưởng của WB Carmen Reinhart cũng nhận định, phải tới năm 2025, “vết sẹo” do dịch Covid-19 gây ra cho sức khỏe của kinh tế thế giới mới thực sự lành.

Tất nhiên, sẽ còn nhiều quan điểm không đồng nhất về tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu. Và dù trước mắt, làn sóng dịch Covid-19 thứ hai vẫn còn là một thách thức lớn, nhưng chúng ta hy vọng, với các nỗ lực phòng, chống và điều trị bệnh trên toàn cầu, tăng tốc sản xuất vaccine và sự ứng phó nhanh, kịp thời của các chính phủ sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu dần sáng sủa hơn trong những tháng tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả