menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Mai Xuyên

Triển vọng kinh tế toàn cầu 2022: Phục hồi tốt hơn, bất định chưa giảm

Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi sau cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, thì triển vọng kinh tế vẫn còn ẩn chứa nhiều bất ổn. Đại dịch Covid có thể tiếp tục kéo dài với các biến chủng mới chắc chắn vẫn là một nguy cơ lớn đối với tăng trưởng toàn cầu, nhưng không phải là mối đe dọa duy nhất.

Triển vọng tích cực nhưng không đồng đều

Với đà phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2021, nhiều tổ chức toàn cầu lớn dự báo triển vọng nền kinh tế thế giới năm 2022 sẽ trở về mức trước đại dịch, thậm chí tăng trưởng sẽ cao hơn. Các dự báo cho tăng trưởng kinh tế năm nay phần lớn trong khoảng từ 4-4,9%. Cụ thể như: Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Anh (CEBR) dự báo mức tăng 4%; Oxford Economics dự báo mức 4,3%; Tổ chức OECD và Scope Ratings dự kiến mức 4,5%; Morgan Stanley 4,7%; IMF dự báo ở mức 4,9%. Trong đó, ước tính kinh tế Mỹ sẽ có được tăng trưởng 4%; Khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng 4,3%; Anh tăng 5%; Nhật Bản 2,6% trong năm nay, trong khi tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi khó khăn hơn với tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến giảm xuống mức 5%.

Cơ sở chung để đưa ra triển vọng lạc quan như vậy là các tổ chức đều nhận định, các chính phủ và NHTW sẽ không thắt chặt quá sớm và quá mạnh các chi tiêu tài khóa và tiền tệ (như đã làm như sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008), trong khi các hoạt động đối phó với đại dịch, đặc biệt là độ bao phủ vắc-xin trên toàn cầu sẽ sâu rộng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, với các bài học kinh nghiệm có được trong suốt 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch, các chính sách thích ứng và các công cụ đối phó ngày càng đầy đủ và hiệu quả hơn… Như vậy, các nền kinh tế sẽ có thể phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng trở lại trong trạng thái "bình thường mới".

Về mặt tổng thể, có nhiều yếu tố thúc đẩy triển vọng trong năm nay như các dự báo đã đưa ra. Tuy nhiên, đặc trưng phục hồi không đồng đều trong năm 2021 (các nền kinh tế đã phát triển lớn phục hồi nhanh và mạnh hơn trong khi các nền kinh tế đang phát triển và các nước thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn) sẽ tiếp tục là xu thế dẫn dắt trong năm nay. Theo dự báo của IMF, chỉ đến năm 2024, hầu hết các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển mới trở lại được các mức tăng trưởng như trước đại dịch.

Với các nền kinh tế đã phát triển, trong bối cảnh phục hồi tốt hơn song hành với áp lực lạm phát gia tăng nhanh, khả năng giảm bớt nới lỏng (thậm chí quay sang thắt chặt nhanh hơn CSnhư Fed đã đưa ra các tín hiệu rất rõ ràng) sẽ tác động không thuận cho các nền kinh tế mới nổi, bởi những điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn có thể gây ra những căng thẳng lớn. Nhiều nền kinh tế trong số này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn với đồng nội tệ giảm giá và dòng vốn nước ngoài chảy ra khi lãi suất tăng ở các nước phát triển, đặc biệt là ở Mỹ. Các nền kinh tế này cũng đang và có thể tiếp tục phải vật lộn với việc trả nợ vay bằng ngoại tệ (chủ yếu USD) do đồng USD tăng giá và lạm phát gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng tác động cũng có thể giảm đáng kể ở những nền kinh tế có thể tận dụng tốt xuất khẩu (do nhu cầu bên ngoài dự báo mạnh mẽ hơn) và đối phó hiệu quả với đại dịch.

Đại dịch vẫn là rủi ro lớn nhất

Cũng có thể thấy, trong tất cả các dự báo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu cũng như cho một quốc gia hoặc khu vực cụ thể trong năm nay, thì yếu tố quan trọng nhất có thể tác động (tích cực hoặc tiêu cực) chính là “đường đi” của đại dịch và năng lực ứng phó của các quốc gia trong thời gian tới sẽ như thế nào. Một ví dụ cho thấy diễn biến dịch vẫn tác động lớn đến kinh tế là sự xuất hiện của biến chủng Omicron với khả năng lây truyền nhanh vào tháng 11/2021, ngay lập tức đã gây chao đảo đến các thị trường tài chính và hàng hóa trên toàn cầu. Chính phủ các nước cũng ngay lập tức phải có các hành động theo hướng thắt chặt các hạn chế đi lại để đối phó và tất nhiên nếu điều này kéo dài tất yếu sẽ đe dọa sự phục hồi kinh tế.

Khi có các thông tin về biến thể Omicron, các chiến lược gia của JP Morgan kỳ vọng nếu biến thể này được kết luận là "ít gây tử vong hơn" thì thậm chí đây có thể là bước ngoặt đẩy nhanh sự kết thúc của đại dịch. Nhưng ngay cả khi thế giới thoát được Omicron với những tác động không nặng nề, liệu còn các biến thể nào khác nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện trong tương lai? Đây chính là lo ngại của tất cả mọi người lúc này bởi nếu đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành thì nguy cơ các đợt phong tỏa vẫn còn hiện hữu.

Như vậy về cơ bản, dù triển vọng có tích cực đến mấy thì đại dịch vẫn là một “cơn gió ngược” trong ít nhất là nửa đầu năm 2022. Kinh tế toàn cầu sẽ không thể đi vào ổn định ở trạng thái bình thường mới nếu chỉ các nền kinh tế phát triển có đủ năng lực (cả về nguồn lực tài chính và y tế) đối phó với những diễn tiến mới của đại dịch. Nói cách khác, ngay cả khi chúng ta đã có khá đầy đủ các công cụ chống lại dịch bệnh, cũng chỉ có thống nhất hành động, xóa bỏ được tình trạng bất bình đẳng như về vắc-xin, thuốc đặc trị… thì cả thế giới mới có thể an toàn để đi đến phục hồi vững chắc.

Theo bà Gita Gopinath, Kinh tế trưởng của IMF, nếu Covid-19 tiếp tục kéo dài có thể khiến GDP toàn cầu giảm thêm 5,3 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới so với dự báo hiện tại. Vì vậy, ưu tiên chính sách hàng đầu là cần đảm bảo 70% dân số toàn cầu được tiêm chủng đầy đủ vào giữa năm 2022. Trong khi thực tế cho đến hiện nay, tỷ lệ dân số ở các nước thu nhập thấp được tiêm chủng đầy đủ mới ở mức khoảng 5% và đây là điều đáng quan ngại.

Nút thắt cổ chai

Đại dịch là nguy cơ lớn nhất nhưng không phải duy nhất đối với tăng trưởng toàn cầu. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng là yếu tố quan trọng khiến phục hồi toàn cầu bị chậm lại trong năm vừa qua. Những khó khăn trong vận chuyển cùng với nhu cầu khi kinh tế phục hồi mạnh và tình trạng thiếu hụt nguồn cung dù đang có dấu hiệu giảm bớt, vẫn là các nút thắt tiếp tục đè nặng lên triển vọng tăng trưởng năm nay. Frank Sobotka, Giám đốc điều hành tại công ty vận tải và hậu cần DSV Air & Sea Germany, nhận định: “Chúng tôi không kỳ vọng áp lực sẽ giảm nhiều trong năm nay, cho tới khi năng lực vận tải biển cải thiện mạnh vào năm 2023 hoặc các chuỗi cung ứng được điều chỉnh phù hợp”.

Bên cạnh đó, lo ngại lạm phát tiếp tục tăng cũng không phải không có cơ sở. Tình trạng thiếu nguyên liệu và đầu vào, cùng với giá năng lượng cao hơn đã đẩy lạm phát từ khu vực đồng tiền chung châu Âu, Anh đến Mỹ lên các mức cao nhất trong nhiều năm. Với sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã được chứng minh là dai dẳng hơn so với những kỳ vọng trước đó, lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Điều này đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu lo ngại và tin rằng các NHTW lớn sẽ buộc phải tăng lãi suất sớm để kiềm chế đà tăng giá. Fed đang thúc đẩy nhanh hơn việc kết thúc chương trình mua vào tài sản, đồng báo hiệu việc tăng lãi suất vào năm 2022. Một đợt tăng lãi suất của Fed có thể “gây rắc rối” cho kinh tế toàn cầu, đặc biệt là một số nền kinh tế mới nổi. Nhiều NHTW như ở Brazil, Nga… đã phải tăng lãi suất để đối phó với lại lạm phát gia tăng, một động thái có thể kiềm chế tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng được dự báo suy giảm của Trung Quốc trong năm nay chắc chắn cũng sẽ gây thêm lo lắng. Năm 2020, chính sự phục hồi ấn tượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã giúp thế giới thoát khỏi cuộc suy thoái lớn. Hơn nữa, kinh tế toàn cầu trong năm 2022 còn phải đối phó với một loạt rủi ro khác, từ những căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu với Nga trong vấn đề Ukraine và đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, hay giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, tới nguy cơ tiếp tục thiếu hụt lao động, thiên tai và những tác động nặng nề hơn của biến đổi khí hậu… Ngoài ra, những công cụ tài khóa mang tính khẩn cấp và lớn mà các nền kinh tế lớn đã triển khai năm 2020 và 2021 để kích thích kinh tế nhiều khả năng sẽ không được thực hiện thêm nữa trong năm nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả