menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Thu Hiền

Triển khai dự án nhà ở xã hội: Doanh nghiệp vẫn gặp khó về cơ chế

Phát biểu tại buổi tọa đàm "Gỡ vướng phát triển nhà xã hội" do báo Tiền Phong tổ chức, đại diện nhiều doanh nghiệp đã nêu ra những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, mặt bằng, nguồn vốn... trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Tọa đàm 17.04.2024

4 giờ trước

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

7 phút trước

Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội gặp khó vì cơ chế

Nhận định về "sức khỏe" doanh nghiệp bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, vừa qua Chính phủ đã có nhiều hành động quyết liệt, đặc biệt trong thúc đẩy, tháo gỡ hệ thống thể chế, sửa đổi các quy định của pháp luật khi không còn phù hợp.

Nhờ đó, dấu hiệu của niềm tin trở lại, nhiều dự án tái khởi động, nhiều doanh nghiệp trở lại "đường đua". Đó chính là kết quả của điều hành chính sách vĩ mô. Các doanh nghiệp cũng đã tự điều chỉnh năng lực, tái cấu trúc, chủ trương, để thích ứng linh hoạt hơn với thị trường.

Triển khai dự án nhà ở xã hội: Doanh nghiệp vẫn gặp khó về cơ chế

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam

Về phát triển NƠXH, ông Nguyễn Văn Đính nhận định, đây là phân khúc rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh thị trường đang cần tăng nguồn cung; thêm đa dạng, phong phú nguồn cung; kích hoạt thị trường giao dịch mua bán, kích thích hoạt động đầu tư phát triển.

Thời gian gần đây có hiện tượng tăng giá, giá nhà đất tăng đột biến tuy nhiên ông Đính khẳng định: Đây không phải hiện tượng thật, có dấu hiệu tác động để trục lợi bởi một nhóm lợi ích nào đó. Giá tăng nhưng không có giao dịch, do đó chỉ là thị trường ảo.

Về câu hỏi doanh nghiệp không mặn mà với NƠXH, ông Nguyễn Văn Đính khẳng định: Nếu doanh nghiệp không mặn mà với NƠXH thì không thể đăng ký đến hàng nghìn dự án. Nhưng hiện doanh nghiệp gặp khó khi cơ chế tham gia khó khăn, quỹ đất không có, đầu ra khống chế, thậm chí không thể có lãi...

Về vấn đề vốn, theo ông Đính, người cấp vốn là ngân hàng cũng là doanh nghiệp, không thể bắt họ cho vay thấp hơn khoảng 4,8% khi họ đi vay người khác lãi suất trên 5%.

Ông Đính cho biết, tại cuộc họp với Thủ tướng mới đây, Hiệp hội đã trao đổi với nhiều chuyên gia và thống nhất phải thay đổi quan điểm, tư duy về NƠXH hay bất cứ dạng nhà chính sách nào, đó là đều phải có vai trò của nhà nước. Cần phải làm rõ, đánh giá sâu hơn về lợi ích phát triển xã hội đối với địa phương. Phải xác định vai trò của nhà nước, nhà nước giao quyền cho các địa phương, các địa phương sẵn sàng tạo quỹ đất, nguồn lực, vốn…

"Do đó cần nguồn vốn cơ chế khác, nhà nước sẽ tạo ra, doanh nghiệp khi đó vào tham gia chương trình NƠXH như một nhà thầu. Quan điểm của tôi là phải thay đổi tư duy trước mới thay đổi được vấn đề", Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam chia sẻ.

23 phút trước

Vướng mắc lớn nhất là chấp thuận chủ trương đầu tư

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, kết quả thực hiện phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016- 2020, rất thấp, riêng TPHCM mới được 15.000 căn. Như vậy, mỗi năm thành phố làm được 3.000 căn, trong khi nhu cầu TPHCM khoảng trên dưới 100.000 căn.

Theo ông Châu, chỉ tiêu đề ra là năm 2021- 2025, phải có hơn 450.000 căn nhà ở xã hội, tuy nhiên hiện mới chỉ được hơn 40.000 căn nên phải chạy đua.

Tại TP HCM, năm 2022- 2023, khởi công 8 dự án nhưng sau đó không triển khai được vì vướng pháp lý. Đây là vướng chung, bởi 70% các dự án bất động sản thương mại là vướng pháp lý, còn 100% dự án xã hội vướng pháp lý trừ trường hợp nhà nước đấu thầu chọn chủ đầu tư.

Triển khai dự án nhà ở xã hội: Doanh nghiệp vẫn gặp khó về cơ chế

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM tham dự tọa đàm từ đầu cầu TPHCM

Ông Châu khẳng định, từ Nghị quyết 18 của Trung ương, cho đến Luật Nhà ở 2023 là những pháp lý tốt nhất trong hơn 30 năm qua. Các cơ chế, chính sách nhà ở xã hội có tính khả thi, sát với thực tế hơn.

Tuy nhiên, hiện quy định thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng cần thoáng hơn. Ví dụ cán bộ lực lượng vũ trang có hệ số lương cao hơn, công nhân hầm lò có phụ cấp nên thu nhập này cao hơn. Nếu cao như vậy mà quy định cứng sẽ gây khó cho người mua. “Rõ ràng, vướng mắc không ở luật mà ở văn bản dưới Luật”, ông Châu nói.

Nói thêm về vướng mắc, ông Châu khẳng định, vướng mắc nhất ở chấp thuận chủ trương đầu tư. Đa số doanh nghiệp mua đất làm nhà ở xã hội. Về cơ chế được ưu đãi tăng 50% mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Điều này dẫn tới tăng quy mô dân số, không phù hợp quy hoạch phân khu. Theo đó, không được cấp chủ trương đầu tư.

Lãi suất là vấn đề then chốt

Liên quan đến nguồn vốn cho nhà ở xã hội, ông Châu cho rằng, đây là vấn đề then chốt. Do đó, Bộ Xây dựng cần kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội bố trí chi ngân sách nhà nước trung hạn 2021- 2225 và 2026- 2030 có nguồn vốn tái cấp vốn, bù lãi suất, để người mua vay với lãi suất 4,8% thời hạn vay 25 năm. Chủ đầu tư được vay với lãi suất 4,8 - 5% trong thời hạn 5 năm”.

Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ông Châu cho rằng, bản chất gói vay này cho vay thương mại, lãi suất thấp hơn 1,5- 2% so với lãi suất vay thông thường. Gói này rất có lợi người mua cải tạo chung cư nhưng với người mua nhà ở xã hội mà 6 tháng điều chỉnh một lần nên bà con không yên tâm. Trong khi chủ đầu tư chỉ được vay 3 năm và điều chỉnh 6 tháng 1 lần. Từ đó, ông Châu đề nghị đối tượng người mua thương mại từ 3 tỷ đồng trở xuống được tiếp cận. Đồng thời, cho chủ nhà trọ được tiếp cận gói 125.000 tỷ đồng này để xây nhà, sửa nhà.

Ngoài ra, hiện nay, nhà ở xã hội đi vay không được thế chấp dự án mà phải thế chấp dự án khác nên đây là bất cập cần xử lý. Theo đó, ông Châu đề nghị cho phép thế chấp chính dự án nhà ở xã hội này.

Bên cạnh đó, ông Châu kiến nghị tăng thêm ưu đãi với chủ đầu tư dự án. “Hiện, quy định lợi nhuận 10% trong khi có nhiều chi phí không tên. Mức lợi nhuận này chủ đầu tư hòa vốn là tốt rồi. Chủ đầu tư làm vì cái tâm. Làm sao nâng lên lợi nhuận 15%”, ông Châu cho hay.

Ông Châu cũng kiến nghị bổ sung với căn hộ để bán, thuê mua được giảm 50% GTGT, TNDN; còn với cho thuê thì giảm 70% mới khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng. Hiện, thế hệ gen Z đang lựa chọn thuê thay vì mua nhà ở.

42 phút trước

Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu thêm khoảng 2.500 căn nhà ở xã hội

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, Hà Nội cũng như các địa phương rất tích cực trong phát triển các dự án nhà ở xã hội (NOXH) mới, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trên địa bàn.

Hà Nội đã xây dựng chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, trong đó riêng NOXH thành phố có kế hoạch riêng cho giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu hoàn thành 1,25 triệu m2 sàn, tương đương 20 nghìn căn. Còn trong giai đoạn 2026 – 2030, mục tiêu đạt 2,5 triệu m2 sàn, tương đương 41 nghìn căn. Như vậy, với tổng cộng khoảng 60 nghìn căn, Hà Nội cơ bản đạt mục tiêu theo chỉ tiêu được Thủ tướng giao trong giai đoạn 2021 – 2030.

Triển khai dự án nhà ở xã hội: Doanh nghiệp vẫn gặp khó về cơ chế

Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội

Với đề án phát triển 1 triệu căn căn hộ của Chính phủ, ông Thành khẳng định, thành phố rất quan tâm triển khai ngay ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Với sự chỉ đạo cụ thể từ UBND thành phố, Sở Xây dựng rất tích cực chủ động rà soát lại tổng thể các dự án, quỹ đất có thể triển khai dự án mới, xây dựng kế hoạch chi tiết cho giai đoạn 2024 – 2025, rồi giai đoạn 2026 – 2030 để có giải pháp tương ứng. “Qua rà soát từng dự án, chúng tôi đưa ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho từng dự án”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2025, do có dịch COVID-19, mất 2 năm, nên các dự án phải tạm dừng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, mục tiêu của thành phố. Qua rà soát, giai đoạn 2021 – 2023, Hà Nội đạt tổng số hơn 5 nghìn căn hộ, còn giai đoạn 2024 – 2025 phấn đấu thêm khoảng 2.500 căn nữa. “Các dự án đang triển khai, thành phố đã chỉ đạo giải quyết khó khăn vướng mắc từng dự án. Chúng tôi thường xuyên họp, rà soát vướng mắc để tháo gỡ”, ông Thành chia sẻ.

Về việc công khai quỹ đất xây dựng NOXH, Sở Xây dựng cho biết, trong kế hoạch 5 năm, có phân loại các dự án cụ thể đang triển khai, dự án đã phê duyệt, dự án đang xem xét… và đã được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử.

“Hà Nội rất công khai quỹ đất phát triển các dự án mới. Cứ 3 tháng Sở lại cập nhật các ô đất, dự án, để báo cáo thành phố ra văn bản, cập nhập vào kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và công bố trên cổng thông tin điện tử thành phố cũng như Sở Xây dựng” ông Thành nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thành, Hà Nội có nhiều biện pháp quản lý việc bán, cho thuê, thuê mua NOXH, đảm bảo đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách trục lợi cá nhân. Qua đó, ở cấp huyện cũng phải thành lập tổ giám sát, thậm chí xuống tận cấp phường, giám sát cộng đồng trong việc tiếp nhận xét duyệt, bốc thăm, không để lợi dụng, trục lợi, trường hợp nào vi phạm sẽ thu hồi ngay”, ông Thành cho hay.

1 giờ trước

Quy định thủ tục 10 ngày nhưng doanh nghiệp làm mất 143 ngày

Chia sẻ tại cuộc Tọa đàm, ông Trần Mạnh Trung - Giám đốc Ban quản lý dự án nhà ở xã hội Hạ Đình UDIC Ecotower 214 Nguyễn Xiển cho biết, hiện nay UDIC có một số dự án xin chủ trương đầu tư về nhà ở xã hội đang được thực hiện.

Triển khai dự án nhà ở xã hội: Doanh nghiệp vẫn gặp khó về cơ chế

Ông Trần Mạnh Trung - Giám đốc Ban quản lý dự án nhà ở xã hội Hạ Đình UDIC Ecotower 214 Nguyễn Xiển

Cụ thể, hiện nay có 1 dự án đang triển khai ở Nguyễn Xiển. Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2020, sau đó điều chỉnh sang năm 2022. Lý do điều chỉnh do trước đây nhà ở xã hội quy mô là 12 tầng nhưng chúng tôi xin điều chỉnh lên nhà 25 tầng, cũng tăng lên số căn hộ, tăng diện tích sàn lên. Sau khi hoàn thành sẽ có 440 căn hộ và có 25.000 m2 sàn nhà ở”.

Hiện nay, tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị UDIC đang cố gắng thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng và sẽ khởi công vào Quý IV năm 2024.

Nói về lý do dự án 214 Nguyễn Xiển chậm thi công, ông Trần Mạnh Trung cho biết sự chậm trễ phần lớn do quỹ đất sử dụng 100% vốn nhà nước, các thủ tục về đầu tư xây dựng được thực hiện theo đúng quy định nên thời gian bị kéo dài. “Ví dụ như xin thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, giai đoạn thiết kế…, theo quy định có 10 ngày nhưng khi chúng tôi làm mất khoảng 143 ngày bởi 2 lần bị góp ý về những quy chuẩn trong phòng cháy chữa cháy.”

Theo đúng kế hoạch, dự án nhà ở xã hội Hạ Đình UDIC Ecotower 214 Nguyễn Xiển sẽ hết thời hạn về chủ trương đầu tư vào Quý IV, vậy nên sắp tới Tổng Công ty sẽ làm thủ tục để gia hạn chủ trương đầu tư về thẩm định giá; thẩm định phòng cháy, chữa cháy; giai đoạn hoàn thành bản vẽ thi công…

Doanh nghiệp đặt mục tiêu khởi công trong quý IV. Qua đây, doanh nghiệp đề nghị các sở ban ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện được nhanh.

1 giờ trước

Doanh nghiệp cần đất, còn tiền nên ưu tiên cho người mua vay

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình cho biết, bản thân doanh nghiệp vừa là chủ đầu tư, vừa là chủ xây dựng. Nhà ở xã hội về luật không có gì khó khăn, thậm chí rất thoáng.

Cụ thể, Luật Nhà ở năm 2013 quy định diện tích đất, khu vực xây dựng nhà ở xã hội. Hằng năm phải công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Làm nhà ở xã hội, doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất và tăng 50% mật độ xây dựng. “Rõ ràng, Luật Nhà ở rất ưu tiên nhà ở xã hội”, ông Đường nói và dẫn chứng, báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động, hiện có 52.000 người có nhu cầu mua nhà nhưng chưa mua được nhà.

Triển khai dự án nhà ở xã hội: Doanh nghiệp vẫn gặp khó về cơ chế

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình

Cũng theo quy định của Luật Nhà ở, hiện có 11 đối tượng mua nhà như: Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn…

Ông Đường khẳng định, mọi quy định đều quy định trong luật nhưng muốn làm được quỹ đất việc đầu tiên UBND tỉnh, thành phố phải có quỹ đất được giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, riêng TP Hà Nội, 10 năm nay chưa có quỹ đất sạch nào để đấu thầu chủ đầu tư trong nội thành.

Ông Đường khẳng định “Nếu không có đất, không thể làm nhà ở xã hội”. Ông Đường cho biết, hiện doanh nghiệp có 2 khu đất tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội). “Chúng tôi mua đất định làm nhà ở thương mại bởi nhà ở thương mại bán kiếm tiền dễ hơn. Thế nhưng tháng 11/2021, TP Hà Nội kêu gọi khuyến khích kêu gọi nhà ở xã hội nên tôi xin chuyển sang làm nhà ở xã hội”.

Dự án đã trải qua nhiều lần lấy ý kiến các sở ban ngành, lấy ý kiến Sở TN&MT xem xét đất ở đây có làm nhà ở xã hội hay không? Hiện 1 cái được cấp chủ trương từ 24/4/2023 nhưng thủ tục vẫn chưa xong. Còn 1 dự án UBND TP Hà Nội vẫn chưa cấp chủ trương đầu tư.

Ông Đường đưa ra nhận định, từ giờ đến năm 2025 có thể sẽ không có một dự án nhà ở xã hội nào được triển khai trên địa bàn Hà Nội (?)

Nhiều vướng mắc khi triển khai dự án nhà ở xã hội

Ông Đường cho biết thêm, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật đất đai mới đây có nhiều thông thoáng. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, ông Đường cho rằng, vốn vay chưa quan trọng bằng quỹ đất. “Vừa rồi, tôi gửi văn bản cho Thủ tướng nêu vấn đề quan trọng nhất để phát triển nhà ở xã hội là phải có đất, còn tiền thì ưu tiên cho người mua vay. Chúng tôi làm nhà ở xã hội thì người dân xếp hàng mua. Chủ đầu tư vay cũng được, không vay cũng được vì làm xong móng thôi người ta đã xếp hàng mua rồi”, ông Đường nói.

Ông Đường cho biết thêm, hiện, doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Quốc hội làm sao để UBND Hà Nội phải công bố quỹ đất làm nhà ở xã hội. “Làm nhà ở xã hội phải phù hợp. Chứ không thể ở Hà Nội làm ở Hoài Đức, Sóc Sơn thì không ai ở”, ông Đường nhấn mạnh.

Để tháo gỡ khó khăn, theo ông Đường, điều quan trọng nhất phải thực hiện nghiêm túc Luật Nhà ở, công bố quỹ đất. Nếu có quỹ đất, doanh nghiệp có thể ứng tiền giải phóng mặt bằng.

Hiện, các doanh nghiệp xây dựng đang không có công ăn, việc làm. “Doanh nghiệp chúng tôi hơn 1000 người không có công ăn việc làm, máy móc kéo vào, kéo ra lãng phí vô cùng. Cách đây 2 năm, doanh nghiệp tốp lớn mạnh nhưng hiện nay trở thành nợ xấu vì không có công ăn, việc làm”, ông Đường cho hay

Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình cho rằng, trước đây ông làm dự án tại Hoàng Quốc Việt chỉ trong vòng 2 tháng ra được giấy phép nhưng hiện 2 năm vẫn chưa xong chủ trương đầu tư. Tất cả việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm doanh nghiệp không có việc làm. Hiện, doanh nghiệp chúng tôi phải bán các toà nhà để trả lương nhân viên nhưng mới chỉ đáp ứng được 30- 40%.

Bộ Xây dựng sẽ làm việc với Hà Nội để phát triển nhà ở xã hội

Trả lời một số kiến nghị của ông Nguyễn Hữu Đường, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Bộ Xây dựng chia sẻ ý kiến với Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình nêu ra, đồng thời cho biết ngay sau tọa đàm Bộ Xây dựng sẽ có đề nghị với Hà Nội sớm xem xét giải quyết việc này. Bởi theo thông tin của Tập đoàn Hòa Bình, nếu doanh nghiệp đang có quỹ đất, quyền sử dụng đất mà phù hợp với quy hoạch đã được bố trí quy hoạch làm đất ở thì theo pháp luật về nhà ở hiện nay thì được đồng thời công nhận là nhà đầu tư dự án.

Triển khai dự án nhà ở xã hội: Doanh nghiệp vẫn gặp khó về cơ chế

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh

Ông Sinh thông tin thêm: Thời gian qua, Bộ Xây dựng có quá trình làm việc với TP Hà Nội liên quan đến phát triển NƠXH. Bộ Xây dựng nhận thấy TP Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của thành phố và các sở ban ngành trong việc công khai quỹ đất.

"Đây là quy định nên chúng tôi có yêu cầu đôn đốc, thực tế Hà Nội dành nhiều quỹ đất phát triển NƠXH nhiều nhưng triển khai thực hiện còn có hạn chế nhất định. Qua ý kiến của doanh nghiệp, Bộ Xây dựng sẽ có buổi làm việc với TP Hà Nội về nội dung này", Thứ trưởng Sinh chia sẻ.

1 giờ trước

Cả nước đang triển khai 499 dự án nhà ở xã hội, quy mô 411.000 căn hộ

Phát biểu tại toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, thời gian qua, chính sách phát triển nhà ở xã hội được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương rất quan tâm. Mới đây, Quốc hội đã thông qua một số dự án luật, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng…, với nhiều chính sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.

Sau khi Quốc hội thông qua các bộ luật, các bộ, ngành đã tích cực triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của các bộ luật này.

Triển khai dự án nhà ở xã hội: Doanh nghiệp vẫn gặp khó về cơ chế

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh

Về chính sách phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã có nhiều lãnh đạo, chỉ đạo để thúc đẩy phát triển, tháo gỡ các vướng mắc. Các địa phương cũng đã rất tích cực vào cuộc. Thủ tướng đã ký ban hành đề án về xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến năm 2030. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết về việc trong năm 2024, cả nước phấn đấu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội. Đây là quyết tâm rất lớn của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân hiện nay.

Bên cạnh những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, các địa phương cũng đã có sự vào cuộc tích cực. Nhiều tỉnh, thành đã quan tâm dành quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội. Cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với 8.600ha để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó nhiều địa phương dành quỹ đất lớn, như TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng…

Triển khai dự án nhà ở xã hội: Doanh nghiệp vẫn gặp khó về cơ chế

Nhiều vấn đề nóng được thảo luận tại buổi tọa đàm

Thứ trưởng Bộ Xây dựng thông tin, về kết quả đầu tư nhà ở xã hội, trên cả nước đang triển khai 499 dự án, quy mô 411.000 căn hộ. Kết quả này cho thấy hiệu quả bước đầu của sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương.

Nhiều khó khăn vướng mắc

Ông Sinh cũng thẳng thắn cho rằng, trong quá trình triển khai phát triển nhà ở xã hội có một số khó khăn nhất định.

Đầu tiên là các doanh nghiệp, nhà đầu tư còn gặp khó khăn trong tiếp cận quỹ đất.

Thứ hai là các nguồn vốn, việc tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn. Thủ tục hành chính, nhất là thủ tục trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, chọn chủ đầu tư, phê duyệt giá còn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp. Hiệu quả đầu tư nhà ở xã hội còn thấp, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Nhiều tỉnh, thành có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội vì có nhiều khu công nghiệp, nhưng thực hiện các dự án rất thấp.

Việc giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đạt thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc một số dự án không đảm bảo yêu cầu, một số doanh nghiệp chưa đảm bảo các điều kiện về tín dụng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, với thực trạng nêu trên, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có những chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp tích cực tham gia vào đầu tư các dự án nhà ở xã hội. Các bộ, ngành đã tích cực tháo gỡ hành lang pháp lý, thể chế liên quan các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở. Liên quan nguồn vốn thì ngân hàng nhà nước cũng đang tích cực triển khai tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án; tích cực khoanh nợ, giãn nợ, tổ chức hội nghị tháo gỡ để các doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư nhà ở xã hội.

Ông Sinh thông tin, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành đã tích cực làm việc với các địa phương để tháo gỡ, đôn đốc, cùng các địa phương tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội, hướng tới mục tiêu hoàn thành đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Ông Sinh cho biết, đã làm việc với các tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, TP HCM, Hưng Yên, Thái Nguyên… Qua làm việc cho thấy, một số địa phương rất tích cực trong lĩnh vực này, sẽ hoàn thành chỉ tiêu đặt ra của năm 2024 theo Nghị quyết 01. Một số địa phương cần phải tích cực hơn nữa trong việc phát triển nhà ở xã hội.

Ưu tiên quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội

Về giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đã trao đổi với các địa phương để thực hiện một số giải pháp:

Trước hết là quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội rõ ràng, ưu tiên dành các quỹ đất ở các vị trí thuận lợi, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để ưu tiên đầu tư; tránh dành quỹ đất ở khu vực xa, khu vực chưa giải phóng mặt bằng.

Triển khai dự án nhà ở xã hội: Doanh nghiệp vẫn gặp khó về cơ chế

Thứ trưởng Bộ Xây dựng tái khẳng định cần ưu tiên quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội

Bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp để bổ sung quỹ đất làm nhà ở cho công nhân.

Chủ động bố trí giải phóng mặt bằng và đảm bảo quỹ đất sạch cho nhà ở xã hội.

Khẩn trương phê duyệt chủ trương đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội.

Các khu vực đã phê duyệt chủ trương đầu tư cần khẩn trương lựa chọn chủ đầu tư xây dựng.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương có giải pháp cải cách thủ tục hành chính, rút gọn thủ tục, chi phí, thủ tục đầu tư.

Với các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm tham gia đầu tư; tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án đã, đang và sắp triển khai; thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo chất lượng các dự án nhà ở xã hội, đảm bảo các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đi kèm, tương đương như nhà ở thương mại; có mức giá phù hợp với nhu cầu của người dân.

“Bộ mong muốn lắng nghe các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cho nhà ở xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trong thời gian tới”, ông Sinh nói.

2 giờ trước

Phóng sự của báo Tiền Phong ghi nhận từ thực tế triển khai các dự án nhà xã hội tại Hà Nội

2 giờ trước

Nhà ở xã hội được coi là “cứu cánh” cho mơ ước có nhà của rất nhiều người

Phát biểu khai mạc toạ đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong gửi lời cảm ơn đến các vị đại biểu, khách mời, các chuyên gia đã tham gia cuộc toạ đàm.

Theo nhà báo Phùng Công Sưởng, trong bối cảnh hiện nay, khi giá nhà, đất “nhảy múa” thì nhà ở xã hội được coi là “cứu cánh” cho mơ ước có nhà của rất nhiều người. Câu chuyện xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua “đã đi được nhiều bước”, tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản, đặc biệt ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.

Triển khai dự án nhà ở xã hội: Doanh nghiệp vẫn gặp khó về cơ chế

Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong phát biểu khai mạc tọa đàm

Nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng, các rào cản này đến từ rất nhiều lát cắt, có thể là do tư duy của lãnh đạo, quyết tâm chính trị của hệ thống chính quyền; khó khăn do hành lang pháp lý, các quy định của pháp luật, nghị định; khó khăn do cơ chế về tài chính, chính sách vay vốn ngân hàng đối với doanh nghiệp, người mua nhà… Một số rào cản đến từ chính doanh nghiệp khi không mặn mà với việc xây dựng nhà ở xã hội, do lợi nhuận không cao…

Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng, trong thời gian qua, quyết tâm chính trị về việc phát triển nhà ở xã hội là rất cao. Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã đến nhiều địa phương để làm việc, tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực này. Trên các phương tiện truyền thông, có rất nhiều thông tin về nhà ở xã hội, thông tin về các dự án, tiến độ triển khai, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện…

Nhà báo Phùng Công Sưởng nhấn mạnh, báo Tiền Phong – cơ quan ngôn luận của T.Ư Đoàn – đối tượng bạn đọc là các đoàn viên, thanh niên, rất mong muốn sở hữu những căn nhà phù hợp với thu nhập – nên tổ chức toạ đàm “Gỡ vướng phát triển nhà ở xã hội”.

Toạ đàm rất mong muốn ghi nhận các ý kiến chia sẻ của các vị đại biểu, những giải pháp của các cơ quan quản lý nhà nước từ lãnh đạo Bộ Xây dựng, Sở KH&ĐT Hà Nội, Sở Xây dựng, các doanh nghiệp tham gia vào thị trường để có thể giải đáp phần nào các vướng mắc, có những hành động cụ thể về phát triển nhà ở xã hội.

Tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời: Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng; Ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội; Đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội...

Cùng với đó là các chuyên gia: Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM.

Cùng các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội: Tập đoàn Hòa Bình, Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC; Tổng Công ty CP Vinaconex…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại