menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thành Dũng

Trật tự kinh tế thế giới sẽ khác sau đại dịch Covid-19

Trật tự kinh tế thế giới thay đổi sau đại dịch Covid-19 - Những cú sốc được dự báo. 

Covid-19 được ví như thêm một cái đinh khác đóng lên chiếc quan tài toàn cầu hóa. Đại dịch là cuộc khủng hoảng đầu tiên kể từ những năm 1930 sẽ nhấn chìm cả nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Như những năm 1930, nhiều người sẽ ủng hộ các đề xuất hạn chế thương mại và dòng vốn quốc tế, nghi ngờ chuỗi cung ứng toàn cầu và sự an toàn của du lịch quốc tế, lo ngại về khả năng tự cung cấp và khả năng phục hồi... kể cả đến sau khi đại dịch được kiểm soát. Thiệt hại đối với thương mại và tài chính quốc tế có thể sẽ lan rộng và kéo dài và một nền kinh tế như trước đây sẽ không bao giờ quay trở lại.

Những cú sốc được dự báo

Theo phân tích của Foreign Policy, các nền kinh tế phương Tây đang phải đối mặt với một cú sốc kinh tế sâu sắc hơn nhiều so với những biến cố trước đây. Ban đầu, đại dịch Covid-19 sẽ tác động tới các lĩnh vực có tính bất ổn hơn như bất động sản, kỹ thuật, công nghiệp ô tô - những ngành sử dụng tổng cộng gần 1/4 phần tư lực lượng lao động. Sau đó, suy thoái từ các ngành này sẽ tác động lan tỏa và “bóp nghẹt” phần còn lại của nền kinh tế.

Việc thực thi giải pháp cách ly xã hội ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức đến các dịch vụ bán lẻ, bất động sản, giáo dục, giải trí, nhà hàng - nơi 80% người lao động Mỹ làm việc. Lĩnh vực như bán lẻ, vốn đang chịu áp lực khốc liệt từ cạnh tranh trực tuyến có thể sẽ sụp đổ bởi dịch Covid-19. Nhiều cửa hàng đóng cửa vào đầu tháng Ba có thể sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn, ảnh hưởng tới hàng triệu người lao động và gia đình của họ.

Hậu đại dịch Covid-19, nền kinh tế Mỹ bị dự đoán sẽ thu hẹp 1/4 quy mô, tương đương với sự sụt giảm của cuộc đại khủng hoảng năm 1929, nhưng trong thời gian ngắn hơn nhiều, có thể chỉ trong vòng ba tháng tới. Cuối tháng Tư, khoảng 13,5% lực lượng lao động không có việc làm - mức cao nhất kể từ Thế chiến thứ II, mặc dù trong tháng Hai và Ba con số này đã thấp kỷ lục. Hệ thống đăng ký nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp quá tải, hơn 22 triệu người đã đăng ký thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 30% vào mùa Hè, nếu tình trạng hiện nay không được cải thiện.

Trật tự kinh tế thế giới sẽ khác sau đại dịch Covid-19
Thiệt hại đối với thương mại và tài chính quốc tế có thể lan rộng và kéo dài. (Nguồn: Fairobserver)

Nhiều nền kinh tế châu Âu thực hiện các biện pháp trợ cấp làm việc trong thời gian ngắn nhằm giảm thiểu tác động của suy thoái. Các biện pháp này phần nào sẽ phát huy tác dụng với người lao động, nhưng khó ngăn sự sụp đổ trong các hoạt động kinh doanh. Bởi phía Bắc Italy chiếm tới 50% GDP của nước này; GDP của Đức được dự đoán sẽ giảm mạnh hơn Mỹ, do phụ thuộc vào xuất khẩu. Còn Nhật Bản có thể là nước bị ảnh hưởng gián tiếp nặng nề nhất.

Nền kinh tế Trung Quốc đóng cửa vào ngày 23/1. Các số liệu chính thức cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của nước này hiện là 6,2%, mức cao nhất kể từ những năm 1990. Tuy nhiên, trên thực tế, ước tính có tới 205 triệu công nhân nhập cư đã bị sa thải - hơn một phần tư lực lượng lao động của Trung Quốc.

Tại Ấn Độ, trong số 471 triệu lao động chỉ có 19% được bảo đảm bởi phúc lợi an sinh xã hội, 2/3 không có hợp đồng lao động chính thức và ít nhất 100 triệu là lao động nhập cư.

Toàn bộ mô hình phát triển kinh tế toàn cầu đã đình trệ. Không phải do khủng hoảng tài chính, cũng không phải ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch, sự sụp đổ của kinh tế toàn cầu là hệ quả của một sự lựa chọn chính sách bắt buộc chỉ với mục tiêu ngăn chặn đại dịch. Trên khắp thế giới, các nước liên tục tuyên bố mở “hầu bao” và triển khai các nỗ lực tài chính tổng hợp lớn nhất kể từ Thế chiến II. Tác dụng của đợt cứu trợ này sẽ được thấy trong vài tuần tới và có thể, chỉ một đợt cứu trợ là chưa đủ.

Một nhiệm vụ thậm chí còn cấp bách hơn là ngăn chặn sự trì trệ của kinh tế toàn cầu biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính. Ngày 9/4, cùng thời điểm con số thất nghiệp Mỹ kỷ lục được công bố, Fed thông báo sẽ bơm thêm 2,3 nghìn tỷ USD để mua tài sản. Tuy nhiên, hành động quyết liệt này dù đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tính tới thời điểm hiện tại, song nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt sự sụt giảm tiêu dùng và co lại về đầu tư trong dài hạn. Các khoản chi tiêu không cần thiết sẽ bị ngừng lại, chẳng hạn, tiêu thụ xăng ở châu Âu đã giảm 88%, thị trường cho ô tô đình trệ, các nhà sản xuất khắp Á, Âu đang giữ tồn kho kỷ lục.

73% hộ gia đình Mỹ báo cáo đã bị mất thu nhập trong tháng Ba. Đối với nhiều người, sự mất mát đó là thảm khốc, khiến họ rơi vào tình trạng cùng cực, vỡ nợ và phá sản. Nợ xấu tiêu dùng trở thành vấn đề tiếp theo với hệ thống tài chính.

Toàn cầu hóa và khả năng tự lực

Cuộc sống của chúng ta đã được định hình lại rất nhiều trong vài tuần qua. Nếu dịch Covid-19 lan rộng nhưng thế giới vẫn vững vàng và phục hồi nhanh, tác động của dịch có thể được kìm chế và chặn đứng. Nền kinh tế có thể tạm thời bị gián đoạn nhưng các nhà lãnh đạo sẽ tham khảo lẫn nhau, mọi người sẽ thay đổi cách làm việc trong một thời gian nhưng sau cú sốc, mọi thứ sẽ trở lại bình thường.

Tuy nhiên, thế giới hiện tại không giống như thế, đại dịch đang vạch các lỗi mang tính cấu trúc của một hệ thống đã được định hình trong nhiều thập kỷ qua, bất bình đẳng kinh tế, hủy hoại hệ sinh thái ở quy mô lớn, các cấu trúc không ổn định dựa vào nhau trong trạng thái bấp bênh… Nên khi chỉ một thành phần trong đó mất cân bằng, các hệ thống khác sẽ sụp đổ đồng loạt.

Theo phân tích của GS. Joseph E. Stiglitz (Giải thưởng Nobel kinh tế 2001), đại dịch cho thấy thế giới cần sự cân bằng tốt hơn giữa toàn cầu hóa và khả năng tự lực. Cuộc khủng hoảng đã nhắc nhở “đơn vị của chính trị và kinh tế cơ bản vẫn là quốc gia”. Lâu nay, nhiều người vẫn tranh luận về chính sách an ninh lương thực/năng lượng quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa, nhưng nay đến khẩu trang, thiết bị y tế hay bất cứ nguồn cung nào khác đều đang được giữ chặt.

Theo GS. Stiglitz, hệ thống kinh tế mà chúng ta xây dựng hậu Covid-19 cần có tính dài hạn và nhạy cảm hơn, với thực tế là toàn cầu hóa kinh tế đã vượt xa toàn cầu hóa chính trị. Các quốc gia sẽ phải cố gắng cân bằng tốt hơn giữa việc tận dụng lợi thế của toàn cầu hóa và đảm bảo một mức độ tự lực cần thiết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả