Trao “cần câu” cho người hồi hương
Để giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho những người hồi hương, nhiều địa phương đã tận dụng thế mạnh của địa phương, khuyến khích người dân chuyển đổi ngành nghề.
Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tới nay, đã có hơn 92.000 người Nghệ An làm ăn, sinh sống ở các tỉnh, thành phố có dịch trở về quê. Trong đó, trên 66.000 người trong độ tuổi lao động bị mất, giãn việc do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Bài toán an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho lao động hồi hương đang được chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đặt ra. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết làm rõ vấn đề trên.
Bài 1: Trao “cần câu” cho người hồi hương
Đa phần người hồi hương là lao động ở vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số ở Nghệ An. Khi rời quê hương đi làm ăn xa, phần lớn họ chưa qua đào tạo nghề chuyên nghiệp mà chỉ làm việc dựa trên kinh nghiệm.
Bởi vậy, khi trở về quê, họ cũng nhanh chóng hòa nhịp với nghề nông nghiệp mà trước đây họ đã từng gắn bó. Để giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho những người hồi hương, nhiều địa phương đã tận dụng thế mạnh của địa phương, khuyến khích người dân chuyển đổi ngành nghề, tạo “cần câu” cho họ ngay tại quê nhà.
Thách thức cho chính quyền địa phương
Là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An với địa hình đồi núi, tỉ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí còn thấp thì "xuất khẩu" lao động đi các tỉnh, thành phố là một trong những hướng thoát nghèo mà huyện Kỳ Sơn đã và đang thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, hầu hết lao động của Kỳ Sơn là lao động phổ thông, trình độ tay nghề không cao.
Số lao động trở về, bên cạnh tạo ra nhiều áp lực trong vấn đề giải quyết việc làm còn đặt ra nhiều thách thức cho công tác giảm nghèo, đảm bảo an ninh biên giới, an ninh rừng và phòng, chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy và mua bán người trên địa bàn.
“Với một huyện nghèo, không có một khu, cụm công nghiệp nào, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ thì tạo việc làm tại chỗ cho lao động hồi hương là vấn đề rất khó khăn với huyện biên giới này”, ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn trăn trở.
Đây cũng là tình trạng của huyện Quế Phong, với gần 5.000 lao động trở về quê trong 9 tháng qua. Địa phương này vẫn xác định, đưa lao động đi làm việc ở các tỉnh, thành phố trong nước là biện pháp giải quyết việc làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội cũng như trình độ lao động.
Những lao động hồi hương ở Quế Phong thời điểm này chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sau khi trở về địa phương, để tạo công ăn việc làm và đảm bảo sinh kế cho họ đã và đang trở thành áp lực đối với huyện nghèo này.
Trước khó khăn trên, huyện Quế Phong đã thành lập tổ khảo sát danh sách người lao động trở về để có hướng tạo sinh kế, việc làm lâu dài nhằm ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự.
Tuy nhiên, theo khảo sát ban đầu của huyện, nhiều lao động chưa mặn mà với phương án làm việc tại địa phương do việc gần nhà thì không phù hợp, thu nhập thấp; việc xa nhà nhưng vẫn ở trong tỉnh thì phải mất chi phí thuê nhà, xăng xe và thu nhập không thể bằng các địa bàn ở phía Bắc và phía Nam.
"Đối với những lao động có tay nghề, khi tình hình dịch được kiểm soát, huyện sẽ đề xuất với tỉnh có cơ chế đưa lao động trở lại công ty cũ làm việc. Bằng cách này, doanh nghiệp không phải mất thời gian, chi phí đào tạo lại, trong khi đó, người lao động có công việc và thu nhập ổn định như trước khi dịch xảy ra. Huyện cũng sẽ ưu tiên tiêm vắc xin cho những đối tượng lao động này", ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong chia sẻ.
Hiện nay, một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn, huyện Quế Phong cũng đang phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An kết nối với người lao động thông qua tổ chức “Phiên giao dịch việc làm” vào đầu tháng 11/2021.
Cùng với đó, huyện cũng có phương án đối với những lao động phổ thông sẽ tạo công ăn việc làm tại chỗ bằng cách tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật, con giống để chăn nuôi, trồng trọt; tiến hành đào tạo nghề mới đồng thời hướng các trung tâm dạy tiếng nước ngoài đến địa phương để dạy tiếng cho người lao động nhằm xuất khẩu lao động…
Phát huy lợi thế địa phương
Là huyện nghèo có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trước khi có dịch bệnh, đời sống thu nhập của nhân dân huyện Con Cuông vốn đã gặp nhiều khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Dự kiến trong thời gian tới, số lao động mất việc do dịch bệnh trở về địa phương sẽ tăng thêm, dẫn đến nhu cầu tìm kiếm việc làm sẽ tăng cao.
Đứng trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền huyện Con Cuông xác định nhiệm vụ tạo sinh kế, tìm kiếm việc làm cho người lao động là nhiệm vụ cấp thiết. Để thực hiện được điều đó UBND huyện đã xác định các giải pháp để tạo sinh kế cho lao động hồi hương và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Sỹ Kiện, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông chia sẻ: Đến thời điểm này, huyện đã thống kê, khảo sát nhu cầu, khả năng của người lao động cụ thể, để đưa ra giải pháp phù hợp nhất đối với từng lao động. Do địa phương có ít nhà máy, doanh nghiệp nên với những lao động có tay nghề sẽ được địa phương giới thiệu vào làm việc tại chỗ.
Bên cạnh đó, với lợi thế có diện tích lớn trồng cam, địa phương sẽ tạo điều kiện cho người lao động vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật trồng cam hàng hóa và các loại cây, con giống khác để tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. Về lâu dài, lao động hồi hương cũng được xem là nguồn lực để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Tại huyện miền núi Kỳ Sơn, chính quyền địa phương đã vận động nguồn xã hội hóa, trích quỹ dự phòng để mua bò, lợn giống hỗ trợ người hồi hương có “cần câu” tạo việc làm, sớm ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn đang lên kế hoạch khảo sát, bàn giao cho địa phương 72.000 ha rừng để giao lại cho người lao động hồi hương. Khi được giao đất, người lao động hồi hương có tư liệu sản xuất, sẽ tạo ra nhiều mô hình kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều người.
Không những phát triển kinh tế, diện tích rừng được giao cũng được quản lý chặt chẽ, theo đó an ninh vùng biên cũng được bảo đảm.
UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã kêu gọi được dự án “Phát triển du lịch cộng đồng bản địa” do tổ chức phi Chính phủ đầu tư, triển khai tại hai xã Mường Lống và Hồi Tụ. Sau khi triển khai và đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tạo ra hàng trăm việc làm cho người dân trên địa bàn và người hồi hương. Đây là những giải pháp có tính thực tiễn rất cao trong việc trao “cần câu” cho lao động hồi hương ở huyện miền núi Kỳ Sơn.
Tại huyện Thanh Chương, qua thống kê có khoảng trên 5.000 người đã trở về địa phương. Hiện nay, huyện Thanh Chương cũng đã nắm bắt các thông tin và nguyện vọng của người lao động để có giải pháp tìm kiếm việc làm.
“Là địa phương thuần nông nên chúng tôi khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng có thu nhập cao, cùng với đó phối hợp với các nhà máy May ở các địa phương lân cận để tạo việc làm cho lao động.
Địa phương đang đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, thúc đẩy đào tạo nghề, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, xác định cây chè là một cây vừa xóa đói giảm nghèo vừa làm giàu đối với từng hộ gia đình tại địa phương.
Vì vậy, huyện sẽ tuyên truyền, vận động tới từng hộ gia đình có lao động trở về từ vùng dịch, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho họ từ cây chè”, ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết.
Có thể thấy, tùy thuộc vào điều kiện thực tế cũng như năng lực, trình độ của người lao động để các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đưa ra các kế hoạch cụ thể trong vấn đề giải quyết việc làm cho lao động hồi hương.
Cùng với thống kê, rà soát nhu cầu việc làm, chính quyền các địa phương đang phối hợp với các trung tâm, đơn vị mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động và nâng cao tay nghề cho người lao động.
Các địa phương cũng triển khai nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo, phát triển các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với giao đất, giao rừng, trồng và nuôi cây, con đặc sản, phát triển du lịch cộng đồng... tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống./. (còn nữa)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận