Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm “đắt hàng”
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ tích cực đấu thầu trái phiếu nhưng khả năng hấp thụ của thị trường chưa thể đáp ứng. Giá trị đấu thầu liên tục tăng từ giai đoạn cuối năm ngoái đến cuối quý 2/2024 nhưng tỷ lệ trúng thầu liên tục suy giảm.
Ghi nhận tổng giá trị đấu thầu quý 2/2024 đạt hơn 130 nghìn tỷ đồng, tăng gần 22% so với quý 1 và 83% so với cùng kỳ nhưng tỷ lệ trúng thầu giảm chỉ còn 52%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng phát hành Trái phiếu chính phủ đạt 156,5 nghìn tỷ đồng, chỉ hoàn thành 39,1% mục tiêu cả năm.
Trong bối cảnh đó, Kho bạc Nhà nước tiếp tục tăng mạnh nguồn cung Trái phiếu chính phủ trong tháng 7. Theo đó, đơn vị này đã tổ chức 20 phiên đấu thầu tại các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm với tổng giá trị gọi thầu là 64,5 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với tháng 6, tỷ lệ trúng thầu là 56,6%. Nhờ vậy, lượng phát hành Trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp trong tháng 7 tăng mạnh 23,9% so với tháng 6 (MoM) đạt 36,5 nghìn tỷ đồng - mức cao nhất kể từ tháng 2/2023. Cũng trong tháng 7, không có phiên đấu thầu Trái phiếu chính phủ bảo lãnh.
Do nguồn cung Trái phiếu chính phủ và môi trường lãi suất tăng (Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất tín phiếu thêm 25 điểm cơ bản vào tuần cuối tháng 6, trong khi một số ngân hàng thương mại tư nhân tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng thêm 10-70 điểm cơ bản MoM vào tháng 7), lợi suất Trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp tăng với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm (chiếm khoảng 91% lượng Trái phiếu chính phủ phát hành trong tháng) tăng 2 điểm cơ bản MoM và 10 điểm cơ bản MoM lên lần lượt là 2,76% và 2,96%.
Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2024, tổng lượng phát hành Trái phiếu chính phủ đạt trên 193 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 48,3% mục tiêu năm 2024.
Riêng tại kỳ hạn 10 năm, Kho bạc Nhà nước đã chính thức hoàn thành kế hoạch năm 2024 khi đạt 104% tỷ lệ phát hành tại cuối tháng 7; tỷ lệ phát hành kỳ hạn 5 năm đạt 52,5% kế hoạch năm. Các kỳ hạn còn lại như 15 năm, 20 năm, 30 năm có tỷ lệ phát hành thấp. Đặc biệt, đến hết tháng 7, trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 năm chưa phát hành được đồng nào trong khi kế hoạch phát hành năm 2024 là 30.000 tỷ; kỳ hạn 7 năm mới chỉ đạt 2,67% kế hoạch.
Trên thị trường thứ cấp, sau khi tăng mạnh 44,4% MoM vào tháng 6, giá trị giao dịch trung bình ngày đã giảm 20,2% MoM, đạt 11,4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư vào kênh Trái phiếu chính phủ vẫn đang ở mức cao so với mặt bằng chung năm ngoái.
Trái phiếu kỳ hạn 10 và 15 năm tiếp tục chiếm phần lớn giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp, lần lượt 24,4% và 48,7% tổng giá trị giao dịch trong tháng 7/2024.
(Theo VBMA)
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 7, giá trị giao dịch thông thường (Outright) là 145.242 tỷ đồng (giảm 24,2% so với tháng trước) và giao dịch mua bán lại (Repo) là 117.523 tỷ đồng (tăng 24%).
Thanh khoản trung bình/ngày của giao dịch Outright ở mức 6.315 tỷ đồng và của giao dịch Repo là 5,110 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, khối lượng giao dịch Outright trung bình/ngày tăng 51,6% và giao dịch Repo trung bình/ngày tăng hơn 384%.
Trái phiếu kỳ hạn 10 và 15 năm tiếp tục chiếm phần lớn giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp, lần lượt 24,4% và 48,7% tổng giá trị giao dịch.
Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 559 tỷ đồng Trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp trong tháng 7, đưa lượng mua ròng của khối ngoại trong 7 tháng đầu năm 2024 xuống 219 tỷ đồng.
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Việt Nam (theo phòng chào giá VBMA) giảm nhẹ ở kỳ hạn 5 năm và tăng nhẹ ở các kỳ hạn còn lại so với cuối tháng trước. Lợi suất kỳ hạn 5 năm giảm 4 điểm cơ bản, trong khi lợi suất các kỳ hạn còn lại tăng từ 2-10 điểm cơ bản so với cuối tháng trước.
Mặc dù lợi suất trái phiếu trên thị trường sơ cấp tăng, môi trường lãi suất tăng nhưng nhu cầu Trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm và mức sụt giảm lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ (-36 điểm cơ bản vào tháng 7) đã làm giảm áp lực tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp trong tháng 7.
Giới phân tích dự đoán lợi suất Trái phiếu chính phủ có thể giảm trong tháng 8 do 2 yếu tố.
Tuy nhiên, lượng Trái phiếu chính phủ chào bán có thể vẫn ở mức cao trong tháng 8 do lượng phát hành trong 7 tháng chỉ hoàn thành 48,3% kế hoạch phát hành năm 2024, điều này có thể hạn chế áp lực giảm của lợi suất trái phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận