24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trái phiếu bất động sản vẫn thu hút nhà đầu tư

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn sôi động trong quý 3/2021 khi các doanh nghiệp phát hành vẫn nhận thấy kênh hút vốn này hấp dẫn hơn lãi vay ngân hàng. Lượng phát hành trái phiếu bất động sản giữ vị thế dẫn đầu.

Lượng phát hành giảm nhưng vẫn ở mức cao

Trong quý 3/2021, các doanh nghiệp phát hành 188 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 4,1% so với quý trước và giảm 17% so với cùng kỳ. Có 2 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,1%) phát hành ra công chúng của CTCP Masan Meatlife và có 725 triệu USD (tương đương 16 nghìn tỷ đồng (chiếm 8,8%) là trái phiếu quốc tế của CTCP Vinpearl và CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland).

Bất động sản và ngân hàng tiếp tục là hai nhóm chiếm tỷ trọng nhiều nhất, lên tới 80% tổng lượng phát hành. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 85 nghìn tỷ đồng (giảm nhẹ 2,7% so với cùng kỳ và chiếm 45% trong quý).

Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng lượng TPDN phát hành 443,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Dẫn đầu vẫn là các doanh nghiệp bất động sản (201,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,5%); kế đến là các ngân hàng (136,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,8%); năng lượng và khoáng sản (21,9 nghìn tỷ, chiếm 5,0%); định chế tài chính phi ngân hàng (20,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,7%); phát triển hạ tầng (17,5 nghìn tỷ, chiếm 3,9%)...

Mặt bằng lãi suất ở mức thấp là động lực chính khiến các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh phát hành TPDN để có thể huy động vốn được nhanh chóng và giảm áp lực lên chi phí tài chính, khi mặt bằng lãi suất cho vay từ ngân hàng không có mức giảm tương ứng.

Lãi suất phát hành bình quân của các TPDN trong quý 3/2021 là 9,3%, giảm 1,1% so với cuối năm 2020, trong khi đó mặt bằng lãi suất cho vay chỉ giảm khoảng 0,6 – 0,7% trong cùng giai đoạn.

Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư TPDN từ các nhà đầu tư cá nhân vẫn duy trì tích cực khi chênh lệch giữa lãi suất phát hành TPDN và lãi suất tiền gửi giữ ở mức cao. Chênh lệch giữa lãi suất TPDN (loại trừ ngân hàng) với lãi suất tiền gửi bình quân lên tới 4%/năm, cho thấy dư địa dòng tiền cá nhân tìm đến những tài sản đầu tư tài chính như TPDN vẫn còn rất lớn.

và câu chuyện về chất lượng tài sản đảm bảo...

Câu chuyện về “bom nợ" Evergrande đã khiến nhiều nhà đầu tư để ý hơn tới tài sản đảm bảo cho TPDN. Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác, hầu hết trái phiếu phát hành đều không có tài sản đảm bảo.

Nếu tính các trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là hơn 140.000 tỷ đồng, chiếm 67% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành 9 tháng năm 2021. Tuy nhiên, tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành, trong đó có một số lớn doanh nghiệp không niêm yết nên khả năng tiếp cận các thông tin tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế.

Theo SSI, đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, sự kiện "bom nợ" Evergrande cũng không làm thị trường trái phiếu bất động sản kém sôi động hơn khi chỉ tính riêng trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu bất động sản phát hành là 30,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 36% tổng lượng phát hành trong quý 3.

Theo đó, các doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong quý vừa qua là Vingroup, Novaland, Osaka Garden, Hưng Thịnh Land. Nếu loại trừ trái phiếu phát hành quốc tế của Vinpearl và Novaland, lãi suất bình quân các trái phiếu bất động sản trong quý 3/2021 là 10,34%/năm trong khi kỳ hạn bình quân là 4,1 năm.

Tính chung 9 tháng 2021, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 201 nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân là 10,36%/năm và kỳ hạn bình quân ở mức 3,8 năm.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Sau khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực, tỷ trọng các nhà đầu tư cá nhân đã giảm mạnh trong năm 2021. Nhà đầu tư cá nhân đã mua gần 22 nghìn tỷ trên thị trường sơ cấp chỉ chiếm chiếm khoảng 5% tổng lượng phát hành và giảm gần 50% so với cùng kỳ.

Ngược lại, có tới gần 60% lượng TPDN phát hành là do các ngân hàng và CTCK nắm giữ. Cụ thể, các NHTM mua vào 124,4 nghìn tỷ, chiếm 27,3%; các CTCK mua 148,4 nghìn tỷ, chiếm 32,6%. Chỉ một số ít trái phiếu được các ngân hàng bảo lãnh thanh toán, phần lớn số trái phiếu phát hành chỉ được bảo lãnh phát hành, tức ngân hàng và các CTCK sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại trong trường hợp không phát hành hết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả