TPHCM tăng trưởng thấp kỷ lục: Nếu cứ sợ thì không dám làm gì cả!
Hiện Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, các địa phương nắm bắt và triển khai. Bản thân địa phương, hay người đứng đầu phải chủ động, linh hoạt, quyết tâm thực hiện. Nếu cứ sợ trách nhiệm thì không dám làm gì cả!
Sợ trách nhiệm
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng Viên cao cấp Học Viện Tài chính cho rằng, Quý I/2023 vừa qua có rất nhiều vấn đề trong tăng trưởng kinh tế và giải ngân đầu tư công của cả nước, và đặc biệt TPHCM.
Dù là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM thấp mức kỷ lục chỉ đạt 0,7%, trong khi đó tốc độ giải ngân đầu tư công chỉ đạt 4%, là vấn đề lớn cần phải xem xét.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng kinh tế trên nhưng có lẽ một trong những nguyên nhân chính là do cán bộ lãnh đạo địa phương, bộ, ban, ngành đang có tâm lý sợ trách nhiệm, không dám làm, không giải quyết linh hoạt, năng động để tháo gỡ khó khăn chung ảnh hưởng liên hoàn đến nhiều lĩnh vực kinh tế.
Cụ thể kết quả giải ngân đầu tư công thể hiện rõ nét vấn đề này. Dù là động lực quan trọng phát triển nhưng đầu tư công của cả nước trong giai đoạn qua chưa đạt 10%, và đặc biệt TPHCM chỉ giải ngân được 4%.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân thấp nhưng một trong số đó là tình trạng ì ạch giải phóng mặt bằng các dự án. Đây là việc những người đứng đầu của địa phương chưa quyết liệt, kiêng quyết, tháo gỡ, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án.
Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư công cũng chưa phân bổ được vì thực tế các hồ sơ liên quan cũng bị “ngâm” ở nhiều khâu hành chính mà chưa được giải quyết. Đây vẫn là trách nhiệm người đứng đầu về thủ tục, giấy tờ dẫn tới cuối cùng không giải ngân, không phân bổ được vốn.
Vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp tại TPHCM "đau đầu", thậm chí trở thành nỗi ám ảnh. Riêng lĩnh vực bất động sản, tại TPHCM có khoảng 160 dự án trong diện khó khăn về pháp lý, cần được gỡ khó. Thực tế, một dự án bất động sản kéo dài từ 5-10 năm mới có thể hoàn thành, các quy trình thực hiện các bước tại các sở, ngành mất nhiều ngày.
Đồng quan điểm về vấn đề này, PGS.TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, đầu tư công hiện nay cả nước giải ngân quá chậm, thủ tục hành chính rườm rà làm ảnh hưởng lớn đến phát triển của nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân chậm là do tâm lý sợ trách nhiệm, không ứng phó linh hoạt của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.
Về vấn đề này, tại phiên họp cải cách thủ tục hành chính diễn ra ngày 19/4, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo: Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm các cơ quan, các bộ, các ngành, giữa Trung ương với địa phương, dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền và không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác; phản ứng chính sách, xử lý các thủ tục, nhất là với người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.
Xóa bỏ cơ chế xin - cho
Để giải quyết vấn đề này PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thực tế Chính phủ đã có những chính sách, ưu đãi hỗ trợ. Như gói hỗ trợ giãn, hoãn thuế cho các doanh nghiệp. Hay như chính sách giảm thuế 2% đối với VAT hiện nay Chính phủ đã thông qua và đề nghị Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới.
“Vấn đề hiện nay là các địa phương nắm bắt thế nào và triển khai ra sao. Bản thân địa phương, hay người đứng đầu phải chủ động, linh hoạt, có trách nhiệm, quyết tâm thực hiện. Nếu cứ sợ trách nhiệm thì không dám làm gì cả!” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Còn theo PGS.TSKH Võ Đại Lược, việc nhà nước thực hiện các chính sách miễn, giảm, hoãn thuế cho các doanh nghiệp là hết sức cần thiết và quan trọng. Bởi đây là các chính sách có tác động trực tiếp tới doanh nghiệp và công bằng trên cả nước để có dòng vốn đưa vào hoạt động, phát triển.
Nhưng với một số gói tín dụng lớn khác lại không hiệu quả, thậm chí không thể giải ngân được hết như gói 11.000 tỷ đồng, bởi xuất hiện cơ chế xin – cho, chỉ một bộ phận đối tượng mới được cấp tín dụng và giao quyền lớn cho các ngân hàng.
Ngoài ra, PGS. TSKH Võ Đại Lược còn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng phải được kiểm soát ở mức xấp xỉ mức lạm phát: Dư nợ tín dụng có thể nới lỏng hơn cho các ngân hàng thương mại được quyền tự chủ nhiều hơn.
Bởi theo PGS. TSKH Võ Đại Lược, hiện tại lãi suất tại các ngân hàng quá cao lên tới 9%, trong khi đó lạm phát khoảng hơn 4%/năm. Đây là nguyên nhân tác động tiêu cực đến nền kinh tế dẫn đến hàng loạt các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản.
Năm 2022 lạm phát ở Mỹ là 6%, lãi suất đã được Fed tăng lên 5%, nghĩa là vẫn thấp hơn mức lạm phát. Các nước châu Âu có mức lạm phát cao tới 8,5%, nhưng ngân hàng Trung ương châu Âu cũng chỉ dám tăng lãi suất lên 3,2% thấp xa so với lạm phát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận