TP Thủ Đức: Đừng để chỉ mang tên cho oai
Tư tưởng hình thành TP Thủ Đức thực ra không phải mới, cách đây 10 năm đã có ý tưởng này. Việc phân chia TP về phía Đông sẽ là khu vực tập trung phát triển về khoa học, giáo dục và đào tạo. Và lần này cũng không ngoài mục đích theo hướng kinh tế tri thức, sáng tạo và công nghệ. Kỳ vọng khi hình thành sẽ đóng góp 1/3 kinh tế cho TPHCM, tức khoảng 7% GDP cả nước.
Phải chuẩn bị thật kỹ đề án
Tuy nhiên, đây chưa phải quyết định của Chính phủ, của Bộ Chính trị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đồng ý về mặt chủ trương và yêu cầu TPHCM cần xây dựng đề án xin ý kiến cấp bộ ngành, cơ quan liên quan, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Có những bộ chúng ta bắt buộc phải đi qua Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nội vụ.
Hiện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đang xúc tiến xây dựng quy hoạch không gian cho TP này.
Như vậy để hoàn chỉnh, trình Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội các bộ ngành, TPHCM đang có chương trình trưng cầu ý kiến, hiến kế, phản biện từ các nhà khoa học và chuyên gia đảm bảo thành công khi trình đề án, rút kinh nghiệm từ đề án chiến lược đô thị năm 2013, khi dự định TPHCM có 5 TP nhưng bị thất bại vì không có đề án tốt, lần này cố gắng không thất bại nữa.
TP Thủ Đức sau khi sáp nhập 3 quận lại thì đó là đơn vị hành chính mới chiếm khoảng 1/10 diện tích và 1/10 dân số toàn TP, có diện tích lớn nhất là 212 km2 so với các quận nội thành, gấp 30 lần quận 1, gấp 53 lần quận 4, gấp 43 lần quận 3 và chỉ nhỏ hơn huyện Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ. Có dân số đông nhất toàn TP là 1,1 triệu người, đó là quy mô vô cùng lớn.
Về tính pháp lý ở đây cần làm thế nào để mô hình TP trong TP được Quốc hội thông qua và vận hành trơn tru trong tương lai. Bởi mô hình TP trong TP chưa có ở Việt Nam, chúng ta mới có thị trấn, thị xã, TP trong các đơn vị của đô thị.
Do vậy cơ chế quản lý TP cấp I này và cấu trúc bộ máy ra sao để đảm bảo chính quyền hai cấp, liệu TP mới có quận, có phường không. Nếu có sẽ lại là 3, 4 cấp, không phải 2 cấp. Đây là vấn đề cần tính đến. TP mới có quan hệ chiều ngang, dọc như thế nào với các đơn vị trong ngoài TP.
Bản thân TP loại I này có quyền làm việc với các tỉnh thành khác, hay nó phải đi qua lãnh đạo TPHCM? Có thành ủy, có quyền quan hệ với các bộ không, hay lại giống như các quận? Nếu không cẩn thận sẽ là quận lớn từ 3 quận hợp lại và chỉ mang tên là TP cho oai, thực chất hoạt động lại như cơ chế của quận to.
Tổ chức không gian chức năng
TP mới là sự hợp thành của 3 quận đa chức năng. Vậy khi chuyển đổi thành TP có chức năng nổi bật hơn là khoa học sáng tạo và thông minh, sẽ có cấu trúc không gian, quy hoạch kiến trúc như thế nào. Bởi hiện 3 quận có cả nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp theo chiều rộng… Trung tâm sẽ nằm ở đâu là vấn đề được đặt ra vì TP nào cũng cần có trung tâm.
Những thuận lợi khó khăn nảy sinh trong quá trình xây dựng cần trù tính trước, những kinh nghiệm nào từ các TP KHCN nước ngoài có thể học tập để rút kinh nghiệm.
Có một sự chuyển dịch khi chức năng thay đổi cấu trúc của TP buộc phải thay đổi theo. Chẳng hạn hạt nhân của TP sáng tạo bao gồm Đại học Quốc gia và các trường đại học khác (hiện có khoảng 12 trường đại học, cao đẳng trong khu vực này); Khu CNC có 40.000 người làm việc.
Những TP được gọi là sáng tạo khoa học công nghệ (KHCN) trên thế giới hầu như các hoạt động bị ảnh hưởng ra bên ngoài: không có nhà máy gây ô nhiễm môi trường, giao thông nhanh phải bị loại khỏi. Vậy làm thế nào tổ chức lại. Trên thế giới những TP sáng tạo không lớn quá để thuận lợi cho quản lý, vận hành chức năng sáng tạo tri thức.
Để TP Thủ Đức trở thành động lực kết nối với các vùng kinh tế Đông Bắc như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để cộng hưởng sức mạnh. Các dự án trọng điểm đang phát triển ở khu vực phía Bắc như sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Long Thành - Dầu Dây, cổng Cát Lái và 200 dự án có tầm cỡ lớn.
Khu vực hy vọng kéo dài từ TP Thủ Đức về Đông Bắc như Bình Dương và Đồng Nai là vệt phát triển cực mạnh. Thực tế hiện nay Bình Dương và Đồng Nai đã là cực đối trọng phát triển mạnh, trong suy tư của lãnh đạo là TP vệ tinh nhưng nay đã trở thành đối trọng của TPHCM.
Nếu hợp nhất 3 quận lại, làm thế nào để đời sống dân cư không xáo trộn, di chuyển chỗ ở, đất cho giao thông, công trình công cộng, thay đổi định danh. Các công ty ở đây sẽ phải thay đổi định danh.
Phải thay đổi rất nhiều sẽ nảy sinh mâu thuẫn và các hệ lụy xã hội, và quan trọng nhất, nan giải nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp theo chiều rộng, nông nghiệp chuyển qua thiên về kinh tế tri thức, hệ quả sẽ có thất nghiệp, có lao động dôi dư, mất nghề và khó tránh khỏi những tiêu cực khác.
Theo Quyết định 367 ban hành năm 1996, Thủ Thiêm là trung tâm động lực mới của TPHCM, là nơi đóng vai trò, chia sẻ chức năng, kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính có thị trường chứng khoán, có quảng trường lớn, bảo tàng tự nhiên, viện nghiên cứu công nghệ cao thuộc trung tâm TPHCM, nhưng giờ cắt về TP mới có ổn.
Nhập Thủ Thiêm về quận 1 nhiều chuyên gia cho rằng tốt hơn, cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên. Có ý kiến cho rằng thay thế Thủ Thiêm bằng Thanh Đa.
PGS.TS Huỳnh Ngọc Sang, nguyên Trưởng ban quản lý và phát triển KĐT ĐHQG TPHCM:
Quan trọng là tính pháp lý và cơ chế
Chủ trương xây dựng TP phía Đông là TP sáng tạo là đúng đắn, vì nơi đây đã có sẵn nhiều trường đại học lớn như ĐHQG, Đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Nông lâm, phân viện II Đại học Giao thông Vận tải… đảm nhận được việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả TPHCM và khu vực Nam bộ. Ngoài ra, nơi đây có khu công nghệ cao cũng áp dụng khoa học công nghệ và trong tương lai là khu tài chính Thủ Thiêm cũng phải phát triển.
Tôi ủng hộ phương án xây dựng từ những cái có sẵn, phát triển lên để thành TP phía Đông - TP Thủ Đức. Vấn đề quan trọng là pháp lý và cơ chế. Điều này phụ thuộc vào quyết tâm của Thành ủy, UBND TPHCM và thuyết phục được Quốc hội, Bộ Chính trị về việc TPHCM phát triển TP vệ tinh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận