TP.HCM ‘lo’ thiếu vốn cho những dự án giao thông lớn
Dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công của Bộ KH&ĐT cho TP.HCM bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương trong nước là 1.768,6 tỷ đồng, còn nguồn vốn nước ngoài là 711 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả hai nguồn vốn này đều thấp hơn so với đăng ký của UBND TP.HCM.
Nội dung được đề cập trong văn bản của UBND TP.HCM gửi Bộ KH&ĐT về dự kiến phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Như kế hoạch phân bổ, TP.HCM đăng ký nhu cầu vốn nguồn vốn ngân sách Trung ương trong nước là hơn 1.948 tỷ đồng và nhu cầu vốn nguồn vốn ngân sách Trung ương nước ngoài là hơn 3.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự kiến phân bổ của Bộ KH&ĐT cho TP.HCM nguồn vốn trong nước là 1.768,6 tỷ đồng, thấp hơn 180 tỷ đồng. Còn nguồn vốn nước ngoài là 711 tỷ đồng, thấp hơn 2.489,9 tỷ đồng nhu cầu vốn mà TP.HCM đã đăng ký.
UBND TP.HCM đánh giá nguồn vốn ngân sách Trung ương dự kiến phân bổ như vậy là chưa đáp ứng được nhu cầu của TP.HCM trong năm 2022.
Đầu tư công được xem là động lực rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế TP.HCM sau dịch COVID-19, vì vậy UBND TP.HCM kiến nghị Bộ KH&ĐT xem xét, báo cáo, đề xuất Thủ tướng chấp thuận phân bố đủ số vốn theo nhu cầu đã báo cáo.
Khi nguồn vốn đầu tư công được bổ sung đầy đủ, TP.HCM sẽ triển khai được nhiều dự án giao thông trọng điểm. Cụ thể, bổ sung 180 tỷ đồng đối với dự án xây dựng, mở rộng QL50 (huyện Bình Chánh) theo nhu cầu vốn năm 2022 của dự án (300 tỷ đồng). Đồng thời, bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 nguồn vốn ngân sách Trung ương nước ngoài theo nhu cầu của TP.HCM là 1.870 tỷ đồng.
Trước đó, giai đoạn 2021-2025, TP.HCM cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ 17.234 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án trọng điểm cấp bách gồm: Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; cải tạo kênh Hy Vọng và đầu tư đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh).
Mới đây, báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu và phương án đầu tư đường Vành đai 3, TP.HCM cùng Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất kiến nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư dự án khoảng hơn 83.000 tỷ đồng.
Trường hợp vốn ngân sách Trung ương không cân đối đủ toàn bộ kinh phí, đề xuất hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 46.971 tỷ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đánh giá TP.HCM có kinh nghiệm nhiều năm, xem đầu tư công như công cụ kích thích để tăng tổng cầu. Và đây cũng là công cụ rất hiệu quả hỗ trợ sự phục hồi, nhất là trong bối cảnh thành phố trải qua đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.
“Cứ một đồng đầu tư công sẽ kích thích đầu tư xã hội từ 8-10 đồng. Nếu giải ngân đầu tư công 50.000-60.000 tỷ đồng thì sẽ kích thích thị trường 500.000-600.000 tỷ đồng”, vị chuyên gia này cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận