menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Tiểu Màn Thầu

Tp.HCM lấy ý kiến về quy định giờ bán tại cửa hàng xăng dầu

Sở Công Thương Tp.HCM đề xuất cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo không mở cửa bán hàng trễ hơn 6h và không đóng cửa bán hàng trước 18h hàng ngày.

Ngày 25/10, Sở Công Thương Tp.HCM bắt đầu lấy ý kiến góp ý dự thảo Tờ trình, Quyết định ban hành Quy định giờ bán hàng; các trường hợp dừng bán hàng; quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Tp.HCM.

Theo Sở Công Thương Tp.HCM, các doanh nghiệp có cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện gửi thông báo đăng ký thời gian bán hàng đến Sở Công thương. Tổng thời gian bán hàng trong một ngày và giờ bán hàng cụ thể do doanh nghiệp tự quyết. Sở Công thương Tp.HCM cho rằng, có trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động 24/24 giờ, trong khung giờ từ 6h đến 18h hàng ngày, hay chỉ bán đến 17h hàng ngày.

Xét điều kiện thực tế, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, phục vụ thường xuyên cho nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân. Thời điểm 17h - 18h hàng ngày là giờ tan tầm, lượng xe lưu thông lớn và có nhu cầu đổ xăng dầu rất cao.

Để tránh tình trạng doanh nghiệp đăng ký, thay đổi, giảm thời gian bán hàng, nhất là trong trường hợp nguồn cung xăng dầu thiếu hụt, thành phố cần có các quy định cụ thể về thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.

Về gửi đăng ký thời gian bán hàng, cụ thể, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu “phải đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của thương nhân với sở công thương địa phương nơi cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho cửa hàng đó”.

Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ nên việc thực hiện chưa đồng bộ, việc tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật chưa nghiêm. Có trường hợp doanh nghiệp không kịp thời thông báo đăng ký thời gian bán hàng, không thông báo khi thay đổi thời gian bán hàng hoặc thông báo giảm thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu...

Với các trường hợp tạm dừng bán hàng, dự thảo nêu, quy định cửa hàng chỉ dừng bán khi được sở công thương chấp thuận bằng văn bản, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng như cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng.

Thế nhưng, trong thực tế, qua kiểm tra, cá biệt có trường hợp đối phó của doanh nghiệp. Hay việc gửi thông báo tạm dừng bán hàng của doanh nghiệp về Sở Công Thương Tp.HCM thường chỉ sớm hơn 1 - 2 ngày so với thời gian tạm dừng bán hàng được đề cập trong văn bản của doanh nghiệp, vẫn có trường hợp thời gian đề xuất tạm dừng bán hàng là thời gian ban hành văn bản.

Theo đó, không đảm bảo được khung thời gian tối thiểu để Sở Công Thương Tp.HCM có thể xem xét, kiểm tra và có ý kiến chấp thuận hoặc từ chối nếu lý do tạm dừng bán hàng không hợp lý; chưa đảm bảo việc thực hiện nghiêm theo quy định “Chỉ ngừng bán hàng sau khi được sở công thương chấp thuận bằng văn bản…”.

Từ đó, Sở Công Thương Tp.HCM cho rằng, cần thiết ban hành quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng thống nhất để làm cơ sở thực hiện, theo đó cần thiết quy định thời gian tối thiểu trước khi dừng bán hàng, doanh nghiệp có cửa hàng bán lẻ xăng dầu dự kiến dừng bán hàng có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản đến Sở Công thương.

Đồng thời quy định thời gian để Sở Công Thương Tp.HCM xem xét, kiểm tra lý do dừng bán hàng và có văn bản chấp thuận, hoặc không chấp thuận (trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do) và gửi doanh nghiệp để biết và thực hiện; quy định cụ thể đối với trường hợp gia hạn/kéo dài thời gian dừng bán hàng và trách nhiệm của doanh nghiệp, sở công thương; trong các trường hợp khẩn cấp (cháy nổ, lũ lụt, mất điện, hoặc doanh nghiệp có việc cưới, việc tang, bị tai nạn...) thì cần cơ chế thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng để xem xét.

Không đóng cửa bán hàng trước 18h hàng ngày

Tại dự thảo, Sở Công Thương Tp.HCM quy định tổng thời gian bán hàng trong một ngày và giờ bán hàng cụ thể trong ngày do thương nhân có cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự xác định theo thực tế, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên phải đảm bảo tối thiểu 12 giờ trong một ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật). Đồng thời phải đảm bảo không mở cửa bán hàng trễ hơn 6h và không đóng cửa bán hàng trước 18h hàng ngày.

Đối với những ngày lễ, Tết thời gian bán hàng tối thiểu không ít hơn 8 giờ/ngày. Khuyến khích các thương nhân bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng nhiều hơn thời gian tối thiểu quy định như trên.

Về thời điểm đăng ký, Sở Công Thương Tp.HCM cho biết thương nhân kinh doanh xăng dầu đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ đăng ký thời gian bán hàng sau khi quy định này có hiệu lực. Đồng thời phải niêm yết thời gian bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ theo thời gian đã đăng ký.

Về các trường hợp dừng bán hàng, dự thảo quy định các trường hợp được dừng bán hàng gồm: Thực hiện cải tạo, nâng cấp, sửa chữa tối đa dưới 30 ngày; thương nhân kinh doanh có việc cưới, tang, tai nạn, bị ốm được dừng bán hàng tối đa không quá 7 ngày; các trường hợp bất khả kháng như cháy nổ, lũ lụt...; khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước...

Sở Công Thương Tp.HCM có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận cửa hàng có đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu nếu thương nhân không tiếp tục hoạt động kinh doanh xăng dầu từ 1 tháng trở lên.

Bộ Công Thương gọi tên 6 doanh nghiệp xăng dầu không nhập đủ hàng

Ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối liên quan đến vấn đề xăng dầu.

Theo thông tin từ cuộc họp, ông Trần Duy Đông - Vụ Thị trường trong nước cho biết, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm nay được Bộ Công Thương giao cho các doanh nghiệp đầu mối (36 doanh nghiệp, trong đó có 3 đơn vị nhập nhiên liệu máy bay) là hơn 20,72 triệu m3, tấn xăng dầu các loại.

9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đầu mối nhập (từ nước ngoài, các nhà máy lọc dầu trong nước) gần 17,24 triệu m3 xăng dầu các loại (trừ nhiên liệu bay). Trong đó, số xăng nhập về đạt gần 92% tổng nguồn giao (hơn 7,47 triệu m3, tấn); dầu diesel đạt 83,5%. Dầu hoả, dầu mazut lần lượt 82,1% và 67,5% tổng nguồn Bộ Công Thương giao các doanh nghiệp.

Phần lớn các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn như Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro hay Dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Tổng Công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty xăng dầu Quân đội ... đều nhập đạt và vượt số lượng xăng, dầu diesel.

Tuy nhiên, ông Đông cũng chỉ ra một số doanh nghiệp không nhập đủ hàng tối thiểu được giao. Số này gồm Công ty TNHH sản xuất, thương mại Hưng Phát; Tổng Công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (dầu diesel), Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam, Công ty TNHH Trung Linh Phát (xăng), Công ty Cổ phần Phúc Lộc Ninh.

Tuệ Minh

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Bình luận 5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại