TP.HCM: Doanh nghiệp "choáng" vì giá xăng tăng lần thứ 6 liên tiếp
Mặc dù đã tiên liệu trước và chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc tăng giá xăng dầu nhưng việc giá xăng tăng thêm hơn 500 đồng/lít từ 15h ngày hôm nay (1/3) khiến người tiêu dùng ngỡ ngàng, các doanh nghiệp (DN) không khỏi lo lắng...
Liên Bộ Tài chính, Công Thương vừa chính thức duyệt tăng giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh hôm nay, 1/3.
Theo đó, bắt đầu từ 15h, xăng E5 RON 92 tăng 540 đồng/lít; xăng RON 95 cũng tăng tương tự 550 đồng/lít. Các loại dầu lần lượt tăng giá, trong đó giá dầu diesel tăng 510 đồng/lít, dầu hỏa tăng 470 đồng/lít, và dầu mazut tăng 530 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 26.070 đồng/lít; RON 95 là 26.830 đồng/lít; dầu diesel 21.310 đồng/lít, dầu hỏa 19.970 đồng/lít; dầu mazut 18.460 đồng/kg.
Cũng tại kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành chi quỹ bình ổn cho RON 95, E5 RON 92 và diesel ở mức 220-300 đồng/lít. Còn trích lập với dầu mazut là 300 đồng/kg.
Như vậy, thị trường xăng dầu chính thức lần thứ 6 tăng liên tiếp, ở mức cao kỷ lục. Trước đó tại kỳ điều chỉnh hôm 21/2, xăng E5 RON 92 tăng 960 đồng/lít; xăng RON 95 cũng tăng tương tự ở mức 960 đồng/lít.
Các loại dầu lần lượt tăng giá, trong đó giá dầu diesel tăng 940 đồng/lít, dầu hỏa tăng 750 đồng/lít còn dầu mazut tăng 280 đồng/kg.
Phản ứng trước đợt tăng giá xăng liên tiếp lần thứ 6 này, hàng loạt doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM càng tỏ ra lo lắng, trong thời gian tới sẽ không tránh khỏi việc các DN vận tải, logistics… sẽ buộc phải thực hiện điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và giá thành sản phẩm.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony, lo lắng, đợt tăng giá xăng lần trước, các nhà xe báo giá chở vải nhập từ kho cảng Cát Lái về xưởng đã tăng 2,8 triệu đồng/lượt, lên 3,2 triệu đồng/lượt. Rồi nguyên vật liệu các loại cũng tăng giá từ 20-30% trong vài tháng nay, nên sức ép của các DN đang rất lớn.
"Giá xăng dầu tăng, chắc chắn sẽ kéo theo giá nguyên vật liệu cấp 1 tăng, rồi đến cấp 2 tăng, cấp 3 tăng… cuối cùng là nguyên vật liệu đầu vào đồng loạt tăng giá, kéo theo nguy cơ đứt gãy sản xuất" – ông Quang Anh, chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của ông Quang Anh, khi giá xăng dầu tăng cao sẽ gây ra hệ lụy tới đời sống, thị trường…
"Tôi lo giá xăng tăng cao, gas tăng cao sẽ gây nhiều áp lực tới chi tiêu của người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, đặc biệt là công nhân lao động; nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trở lại…", ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony, nhận định.
Là một trong hai nhà cung cấp trứng gia cầm lớn nhất thị trường, Vĩnh Thành Đạt (Vfood) cho biết đang chịu rất nhiều áp lực về giá, nhưng vì là DN tham gia chương trình bình ổn giá của TP, nên vẫn phải "gồng mình" chịu đựng.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, thông tin: "Chỉ mấy ngày sau đợt tăng giá xăng lần đầu, các đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào đã thông báo kế hoạch tăng giá của họ, mỗi thứ từ 10 - 20% tùy loại. Với áp lực hiện tại, có thể thời gian tới, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh lại giá bán ra chứ không thể gồng mãi được".
Nhiều DN khác cũng tỏ ra lo ngại, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sau quãng thời gian dài lao đao vì dịch Covid-19.
Bởi, khi chi phí sản xuất tăng cao, các DN buộc phải tăng giá bán sản phẩm và khi đó khả năng cạnh tranh của sản phẩm sẽ khó khăn hơn.
Vì vậy, theo đề nghị của lãnh đạo một số DN, để cấp thiết giảm thiểu khó khăn mà các đơn vị đang phải "gánh", Chính phủ cần sớm nhanh chónh điều tiết giảm thuế, phí trong cơ cấu giá của xăng dầu. Mặt khác, tăng nguồn dự trữ xăng dầu để ổn định giá bán cũng như tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận