Tp.HCM: Chỉ ra điểm nghẽn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Phiên họp kinh tế - xã hội tháng 5 của UBND thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh vấn đề đầu tư công để phát triển kinh tế hiệu quả hơn.
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị các cơ quan tập trung phân tích tình hình sản xuất kinh doanh của Thành phố, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Về công tác giải ngân đầu tư công, ông Phan Văn Mãi cho biết, thành phố Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu giải ngân 10-12% trong quý 1 và 30% đến hết quý 2.
Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 5/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, mặc dù gần hết quý 2 chỉ gần đạt chỉ tiêu của quý 1 nên cần "phải phân tích điều này”.
Người đứng đầu chính quyền thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo làm rõ vướng mắc của các dự án đang thi công cũng như các dự án mới khởi công, công tác giải phóng mặt bằng.
Đề cập cụ thể hơn, ông Mãi cho rằng dự án rạch Xuyên Tâm có thể giải ngân 5.400 tỷ đồng, bờ bắc kênh Đôi hơn 2.000 tỷ đồng, Vành Đai 2 hơn 8.000 tỷ đồng.
“Nếu không giải ngân được các dự án này thì tỷ lệ giải ngân của Thành phố sẽ thấp. Chúng ta phải tạo được chuyển biến vào tháng 6 này để có khối lượng thanh toán cao hơn”, ông Mãi chỉ đạo.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 6 này sẽ kiểm tra một số chủ đầu tư và dự án xem vấn đề đến từ nhà thầu hay ban quản lý.
"Chúng ta cần tỷ lệ giải ngân thật, cần hoàn thành công trình, cần tiền đi vào nền kinh tế để kinh tế tăng trưởng, chứ không phải là con số đẹp. Phải tập trung làm, đâu cần ai đi kiểm tra thì mới làm", ông Mãi nói.
Về công tác cải cách hành chính, ông Mãi đề nghị các cơ quan cần nhận diện khối lượng công việc Chính phủ giao theo chương trình công tác, công việc tồn đọng từ quý 1 chuyển sang, công việc phát sinh trong quý 2,…để tìm cách giải quyết.
Ông Mãi nhìn nhận: “Có nguyên nhân do sự phối hợp giữa các sở, ngành chậm. Chúng ta nói 7-10 ngày nhưng trên thực tế tới hai lần 7 ngày, ba lần của 7 ngày. Thậm chí có tình trạng khó quá không làm và quên không làm”.
Đối với Nghị quyết 98/2023, ông Mãi nhìn nhận, đến giờ này chính quyền thành phố Hồ Chí Minh thực hiện rất nhiều nội dung nhưng có nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hồ Chí Minh chưa được ban hành. Theo đó, từng khối đô thị, dự án, tổ chức bộ máy, kinh tế… phải rà lại các nhiệm vụ, triển khai, hoàn thành.
Khẳng định “giải ngân của chúng ta rất đáng lo”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra, trong tháng 4 và tháng 5 đặt ra mục tiêu mỗi tuần giải ngân 3.500 – 4.000 tỷ đồng nhưng khối lượng giải ngân chỉ khoảng 200 tỷ đồng/tuần, tức là rất thấp so với nhiệm vụ, yêu cầu.
Tập trung giải ngân cho dự án giao thông
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh cho hay, cuối quý 1/2024 khi có sự thúc đẩy tinh thần làm việc thì các sở ngành, địa phương có ngày giải ngân được 1.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, đến tháng 4 và tháng 5/2024, bình quân mỗi tuần chỉ giải ngân từ 150 - 180 tỷ đồng. Từ đó cho thấy “hết đợt thi đua cao điểm thì trở lại làm việc cầm chừng”.
Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh phân tích thêm, khối lượng làm việc trên thực địa, trên công trình diễn ra hằng ngày, nhà thầu đều phải trả lương, chi phí vật liệu đổ vào công trình thì phải hình thành giá trị thanh toán.
Tuy nhiên, những tuần vừa qua không có tuần nào giải ngân trên 200 tỷ đồng. Số liệu này thấp hơn nhiều lần so với đợt thi đua 60 ngày đêm giải ngân đầu tư công cuối năm 2023 khi có ngày giải ngân 2.000 tỷ đồng.
Giải ngân đầu tư công những tháng đầu năm kết quả thấp sẽ gây áp lực lên những tháng cuối năm, thậm chí phải chuyển vốn sang năm 2025.
Vì thế, ông Hải đề xuất, thành phố Hồ Chí Minh cần có đợt phát động thi đua và kiểm tra, giám sát chủ đầu, nhà thầu để có được mức độ giải ngân cao.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: “Các dự án đang triển khai giải ngân thấp do năng lực nhà thầu và việc điều hành chủ đầu tư cùng với tình trạng thiếu vật liệu thi công”.
Đối với dự án mới, ông Lâm cho hay, khâu chuẩn bị dự án rất quan trọng, chủ đầu tư phải chuẩn bị kỹ, tránh hồ sơ gửi lên phải trả về. Tuy nhiên, dự án Vành đai 2 có tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng đang lặp lại tình trạng này.
Báo cáo kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 của Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tính đến hết ngày 24/5, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân là 6.705,2 tỷ đồng, đạt 8,5% so với kế hoạch vốn năm 2024.
Ước tính đến hết tháng 5/2024 giải ngân đạt 10.895,2 tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch và tăng 18% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt 9.230,3 tỷ đồng, đạt 13,1% kế hoạch).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận