Top 5 CEO giỏi nhất thế giới năm 2023
Chủ hãng chip Nvidia Jensen Huang và Mark Zuckerberg vào top 5 CEO giỏi nhất thế giới 2023 - không gồm Trung Quốc và Ấn Độ - của Economist.
2023 không phải là một năm dễ chèo lái với các vị thuyền trưởng doanh nghiệp. Tăng trưởng chậm ở nhiều thị trường khiến các CEO phải nỗ lực hạn chế chi phí, trong khi lạm phát thúc đẩy người lao động yêu cầu tăng lương. Đó là chưa kể tác động địa chính trị, các làn sóng văn hóa doanh nghiệp và cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) khiến các "ghế nóng" thực sự khó ngồi.
Để xác định các CEO điều hành giỏi nhất năm qua, Economist tra soát các công ty niêm yết ở hầu hết nền kinh tế lớn, không gồm Trung Quốc và Ấn Độ. Họ loại trừ các CEO nhậm chức dưới 3 năm để tránh kết quả hoặc hậu quả của tiền nhiệm ảnh hưởng đến thành tích.
Điểm thành tích dựa vào lợi nhuận cho cổ đông, độ tán thành và hài lòng của nhân viên với CEO - dựa vào số liệu của nền tảng đánh giá của người lao động Glassdoor. Sau đây là 5 CEO được vinh danh năm nay.
Jensen Huang, Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO Nvidia
CEO Nvidia Jensen Huang tại Singapore ngày 6/12/2023. Ảnh: Reuters
Thành tích:
- Lợi nhuận cho cổ đông (giai đoạn 15/12/2022 - 15/12/2023): 172,9%
- Tỷ lệ tín nhiệm: 98%
- Điểm hài lòng: 4,6/5
Jensen Huang (60 tuổi), sinh ra ở Đài Loan và chuyển đến Thái Lan khi còn nhỏ trước khi sang Mỹ định cư. Ông đồng sáng lập nhà sản xuất chip đồ họa Nvidia năm 1993 và giữ chức Chủ tịch kiêm CEO kể từ khi thành lập. Huang nắm giữ khoảng 3% Nvidia, được IPO năm 1999.
Rất ít ông chủ có tầm nhìn xa trông rộng trong việc đặt cược vào AI như Huang, theo nhận xét của Economist. Dưới sự dẫn dắt của ông, Nvidia trở thành thế lực thống trị về chip chơi game trên máy tính và mở rộng sang chip cho trung tâm dữ liệu và ôtô tự lái.
Hơn một thập kỷ trước, Huang nhận ra các bộ xử lý đồ họa của công ty ông rất hữu ích trong việc đào tạo các mô hình AI nên đã liên tục đầu tư phát triển. Đến 2023, Nvidia hái quả ngọt khi chính thức bước vào top 5 công ty Mỹ vốn hóa trên 1.000 tỷ USD. Đến 29/12, vốn hóa của hãng chip này đã đạt 1.220 tỷ USD, giúp Huang sở hữu khối tài sản 44,1 tỷ USD.
Đến nay Nvidia đang kiểm soát hơn 80% thị trường chip AI chuyên dụng. Trong công ty, tỷ lệ tín nhiệm của nhân viên với Huang rất cao, đến 98%. Xét trên mọi khía cạnh, CEO này đã có năm 2023 tuyệt vời nhất, theo Economist.
Mark Zuckerberg, Nhà sáng lập kiêm CEO Meta
CEO Mark Zuckerberg tại Menlo Park, California, Mỹ ngày 27/9/2023. Ảnh: Reuters
Thành tích:
- Lợi nhuận cho cổ đông (giai đoạn 15/12/2022 - 15/12/2023): 172,7%
- Tỷ lệ tín nhiệm: 62%
- Điểm hài lòng: 3,9/5
Mark Zuckerberg (39 tuổi) thành lập Facebook tại Harvard năm 2004 khi mới 19 tuổi. Ông đưa Facebook lên sàn tháng 5/2012. Facebook đổi tên thành Meta Platforms vào tháng 11/2021 nhằm cho thấy công ty chuyển trọng tâm sang vũ trụ ảo (metaverse).
Tuy nhiên, đầu tư vào vũ trụ ảo của Mark Zuckerberg chưa thành công, thậm chí khiến các nhà đầu tư "khiếp sợ" năm ngoái. Đến 2023, Mark đã quay lại chấn chỉnh hoạt động công ty và có những bước đột phá trong lĩnh vực AI. Tính đến 29/12, công ty đạt vốn hóa 920,83 tỷ USD. Mark hiện sở hữu khoảng 13% cổ phần của Meta, có tổng tài sản 126,8 tỷ USD.
Dù vậy, Mark là trường hợp ngoại lệ trong top 5 khi tỷ lệ tín nhiệm của nhân viên chỉ 62%. Dù được đánh giá là năm làm việc hiệu quả nhưng với nhân viên Meta thì vẫn "khủng khiếp", theo Economist.
Kazuma Sekiya, Chủ tịch kiêm CEO Disco
Chủ tịch kiêm CEO Disco Kazuma Sekiya. Ảnh: Toshiharu Takei
Thành tích:
- Lợi nhuận cho cổ đông (giai đoạn 15/12/2022 - 15/12/2023): 150,1%
- Tỷ lệ tín nhiệm: 81%
- Điểm hài lòng: 3,5/5
Kazuma Sekiya (57 tuổi) là cháu trai của Mitsuo Sekiya - nhà sáng lập Disco. Công ty này ra đời tại Hiroshima, Nhật Bản vào 1937. Ngoài là CEO công ty từ 2017, ông cũng là COO (giám đốc vận hành) và CIO (giám đốc công nghệ thông tin). Ông Kazuma trở thành Chủ tịch Disco tháng 6/2019.
Disco chế tạo thiết bị cắt chất bán dẫn thành những hình vuông và hình chữ nhật nhỏ để sử dụng trong các sản phẩm như điện thoại di động. Họ bắt đầu tự chế tạo các dòng thiết bị này từ năm 1970.
Ông Kazuma cũng điều hành bộ phận nghiên cứu và phát triển của Disco, giúp công ty luôn dẫn đầu trong lĩnh vực mài và cắt chất bán dẫn trong nhiều năm. Đến ngày 29/12, vốn hóa công ty đạt 3.790 tỷ yen, tương đương 26,8 tỷ USD. Gia đình Sekiya hiện có tổng tài sản khoảng 3 tỷ USD.
Theo đánh giá của Economist, sự hài lòng của người lao động tại Disco cũng không cao. Một lý giải có thể là do cơ chế kỳ lạ mà công ty sử dụng để điều phối công việc. Các phòng ban tại đây sử dụng một loại tiền ảo gọi là Will để thanh toán lẫn nhau khi cung cấp dịch vụ. Sau đó, quản lý phân phối loại tiền này cho nhân viên để thực hiện các nhiệm vụ, từ đó xác định các khoản thưởng.
David Vélez Osorno, Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO Nubank
CEO Nubank David Vélez Osorno. Ảnh: Julio Bittencourt
Thành tích:
- Lợi nhuận cho cổ đông (giai đoạn 15/12/2022 - 15/12/2023): 122,3%
- Tỷ lệ tín nhiệm: 93%
- Điểm hài lòng: 4,2/5
Là cử nhân ngành quản lý và kỹ thuật tại Đại học Stanford, David Vélez Osorno cùng với Cristina Junqueira và Edward Wible sáng lập ngân hàng kỹ thuật số Nubank vào 2013. Công ty có trụ sở tại Sao Paulo (Brazil), cung cấp thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng kỹ thuật số và bảo hiểm nhân thọ.
Rất ít neobank (ngân hàng kỹ thuật số) có thể cạnh tranh với Nubank ở Mỹ Latinh. Họ hoạt động ở Brazil, Mexico và Colombia, có khoảng 90 triệu người dùng, là tổ chức tài chính lớn thứ năm ở Mỹ Latinh tính theo số lượng khách hàng.
Theo Bloomberg News, đây là startup giá trị nhất Mỹ Latinh năm 2021. Các nhà đầu tư rót vốn vào gồm Berkshire Hathaway, Sequoia Capital và các quỹ châu Mỹ Latinh của SoftBank. Tính đến ngày 29/12, công ty đạt vốn hóa 39,7 tỷ USD.
Ông Velez sở hữu 21% cổ phần tại Nubank nhưng nắm 76% quyền biểu quyết. Dù trong top CEO giỏi nhưng không phải tất cả chiến lược của ông đều mang lại kết quả tốt. Nubank nhìn chung có lãi nhưng đang thua lỗ ở Mexico, nơi việc nhắm mục tiêu vào những người không có tài khoản ngân hàng truyền thống đang đốt rất nhiều tiền. Nếu ông thoát lỗ thành công ở thị trường này năm sau có thể tiếp tục được xướng danh là CEO giỏi 2024, theo Economist.
David Ricks, CEO Eli Lilly
David Ricks, CEO Eli Lilly. Ảnh: Eli Lilly
Thành tích:
- Lợi nhuận cho cổ đông (giai đoạn 15/12/2022 - 15/12/2023): 59,9%
- Tỷ lệ tín nhiệm: 90%
- Điểm hài lòng: 4,1/5
David Ricks có bằng Cử nhân Khoa học của Đại học Purdue và bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Indiana. Ông gia nhập Eli Lilly năm 1996 với tư cách cộng tác viên phát triển kinh doanh và giữ một số vai trò quản lý trong lĩnh vực tiếp thị và bán hàng ở Mỹ trước khi chuyển sang các vị trí lãnh đạo quốc tế.
Năm 2012, Dave thăng chức làm Chủ tịch Lilly Bio-Medicines, khi đó là đơn vị kinh doanh lớn nhất của công ty, giám sát việc phát triển thuốc và hoạt động thương mại trong lĩnh vực khoa học thần kinh, giảm đau và miễn dịch học.
Hiện ông là Chủ tịch kiêm CEO Eli Lilly, chuyên phát triển, sản xuất và kinh doanh dược phẩm cho con người và động vật. Các sản phẩm của họ tập trung vào khoa học thần kinh, nội tiết, chống nhiễm trùng, tim mạch, ung thư và thú y.
Eli Lilly đang là công ty dược phẩm giá trị nhất thế giới với vốn hóa 551,4 tỷ USD, tính đến 29/12. Năm nay, Ricks đã đưa Eli Lilly theo sát đối thủ Đan Mạch Novo Nordisk trong thị trường thuốc chống béo phì.
Tuy nhiên, công ty cũng gặp rắc rối khi một số bang Mỹ, trong đó có California, khởi kiện vì cáo buộc tính giá quá cao cho insulin - loại thuốc thiết yếu cho bệnh nhân tiểu đường. Công ty đã bác bỏ những gì họ mô tả là "cáo buộc sai trái" trong vụ kiện ở California. Tháng 3, họ quyết định giảm 70% giá insulin nhưng không dập tắt được bất bình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận