menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nhật Anh

Tổng vốn huy động quý 1 tăng 42% trên TTCK

Tính từ đầu năm đến nay, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin về quỹ Archegos Capital Management đứng sau các giao dịch lô lớn hơn 20 tỷ USD do Goldman Sachs và Morgan Stanley thực hiện hôm 26/3 trên Phố Wall và “cơn sốt” địa ốc đã mở rộng trên toàn cầu… Dưới đây là nội dung 3 thông tin cần chú ý trên thị trường Việt Nam thứ Ba ngày 30/3.

1.Tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán tăng 42% so với cùng kỳ năm trước

Tổng Cục thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021: dịch Covid-19 được khoanh vùng và kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường. Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 đã tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường chứng khoán trong quý I. Tính từ đầu năm đến nay, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước. Tính đến cuối tháng 2/2021, thị trường có 762 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 909 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2020.

Trên thị trường trái phiếu, hiện nay thị trường có 467 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 0,4% so với năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân trong tháng 3/2021 đạt 9.847 tỷ đồng/phiên, giảm 10,6% so với tháng trước. Tính chung quý I/2021, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường đạt 12.433 tỷ đồng/phiên, tăng 19,6% so với bình quân năm 2020.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân trong tháng 3 đạt 135.576 hợp đồng/phiên, giảm 25% so với tháng trước. Tính chung từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 174.324 hợp đồng/phiên, tăng 11% so với bình quân năm trước. Khối lượng hợp đồng mở (OI) toàn thị trường tính đến ngày 18/3/2021 đạt 37.264 hợp đồng, tăng 29% so với tháng trước và giảm 8% so với cuối năm 2020.

2. Quỹ Archegos Capital Management đứng sau các giao dịch lô lớn hơn 20 tỷ USD do Goldman Sachs và Morgan Stanley thực hiện hôm 26/3 trên Phố Wall

Archegos Capital Management, văn phòng quản lý tài sản gia đình của Bill Hwang, đứng sau làn sóng giao dịch lô lớn hôm 26/3 trên Phố Wall, theo hai nguồn nắm rõ các giao dịch. Họ bán tháo cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc và truyền thông Mỹ. Morgan Stanley bán 13 tỷ USD cổ phiếu gồm của Farfetch, Discovery, Baidu và GSX Techedu. Goldman Sachs bán 6,6 tỷ USD cổ phiếu Baidu, Tencent Music Entertainment Group và Vipshop Holdings sau khi bán 3,9 tỷ USD cổ phiếu ViacomCBS và iQiyi. Một số quỹ khác có thể cũng đã tham gia đợt “xả hàng”. Khối lượng giao dịch lô lớn ngày 26/3 tương đương 10% hoặc hơn số cổ phiếu lưu hành tại những công ty như Farfetch và GSX Techedu. Giá một số cổ phiếu phục hồi vào cuối phiên 26/3 nhưng ViacomCBS và Discovery thì không. Cổ phiếu hai công ty này ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ khi niêm yết. Các công ty liên quan bị xóa sổ khoảng 35 tỷ USD vốn hóa thị trường.

Theo FT, Archegos, có vị thế lớn với ViacomCBS và một số cổ phiếu công nghệ Trung Quốc, bị ảnh hưởng mạnh khi cổ phiếu công ty truyền thông Mỹ này bắt đầu giảm trong phiên 23 và 24/3. Diễn biến đó khiến Archegos bị một công ty môi giới lớn thông báo vi phạm tỷ lệ ký quỹ, các nguồn thạo tin cho biết. Bên mua các giao dịch lô lớn hôm 26/3 được bảo rằng thương vụ này là do một quỹ bị “buộc phải hạ tỷ lệ đòn bẩy” thực hiện.

Theo các nguồn thạo tin, Archegos sử dụng đòn bẩy nợ lớn, tập trung vị thế vào các công ty trên và nắm giữ một số vị thế thông qua hợp đồng hoán đổi - được các ngân hàng trên Phố Wall làm trung gian, cho phép người dùng chốt lời/cắt lỗ danh mục đầu tư cổ phiếu hoặc các tài sản khác với một mức phí nhất định.

Sharif Farha, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Safehouse Global Consumer Fund, nhận định cổ phiếu ViacomCBS và Discovery có thể phục hồi trong phiên 29/3, lưu ý rằng các yếu tố cơ bản của thị trường vẫn không bị ảnh hưởng. “Đợt điều chỉnh vừa rồi không mang tính cấu trúc”, ông nói. “Nhà giao dịch khắp nơi đều biết câu chuyện và sẽ dán mắt vào màn hình”.

Nguy cơ về một làn sóng giao dịch lô lớn tiếp theo vẫn phủ bóng thị trường trong khi biến động thường xuất hiện cuối quý có thể khiến những cổ phiếu định giá cao biến động mạnh.

Cổ phiếu ViacomCBS và Discovery đã tăng đáng kể từ đầu năm nay.

3. “Cơn sốt” địa ốc đã mở rộng trên toàn cầu

Theo Wall Street Journal, từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đã bắt đầu quan ngại về giá bất động sản tăng cao tại một số nước châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ (Canada), đặc biệt là sau nhiều năm nhu cầu tăng mạnh do lãi suất thấp.

Giờ đây, cơn sốt địa ốc trở nên "nóng" hơn bao giờ hết khi các chính phủ khắp thế giới bơm hàng nghìn tỷ USD kích thích kinh tế chống lại tác động của đại dịch và sự thay đổi trong hành vi mua hàng bởi nhiều người phải làm việc tại nhà.

Ngân hàng trung ương Đan Mạch mới đây cảnh báo về việc nguồn tín dụng giá rẻ gia tăng trong thời kỳ đại dịch có thể dẫn đến tình trạng người dân vay nợ quá mức để mua nhà và giá bất động sản tăng vọt. “Giá nhà tăng 5-10% mỗi năm, tùy từng thị trường, là không hề bền vững trong dài hạn", ông Karsten Biltoft, trợ lý thống đốc ngân hàng trung ương Đan Mạch, cho biết.

Tại New Zealand, giá nhà trung bình tăng tới 23% lên mức kỷ lục trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. TÌnh trạng này khiến các nhà quản lý nước này mới đây phải siết chặt quy định cho vay thế chấp.

Tại Sydney (Australia), giá bất động sản liên tục lập kỷ lục mới, trong khi nhu cầu vay thế chấp cao đến mức một số nhà băng không thể theo kịp, ông Christian Stevens - cố vấn tín ụng cấp cao tại hãng môi giới thế chấp Shore Financial - cho biết. Trong một số trường hợp, thời gian quay vòng để xử lý các đơn yêu cầu vay thế chấp đã tăng từ vài ngày lên hơn một tháng.

Tại Trung Quốc, giới chức đã tìm mọi cách để hạ nhiệt thị trường bất động sản mà theo cách gọi của một quan chức cấp cao là "bong bóng". Thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ghi nhận giá bất động sản đã tăng 16% trong năm qua.

Tại Hà Lan, Mick ten Bosch, chủ một đại lý bất động sản tại Amsterdam, cho biết năm ngoái, ông tiếp tới 450 người muốn xem một căn nhà, trong khi con số trung bình trước đại dịch chỉ là 20. Ông dự báo năm nay sẽ còn bận rộn hơn khi các căn nhà đang được bán với giá cao hơn 15-20%.

Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giá nhà tại 37 quốc gia phát triển tăng kỷ lục trong quý 3/2020. Giá tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng nhanh nhất trong gần 20 năm qua.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả