Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 vượt 9,1% so với dự toán
Chiều 31/12, tại trụ sở Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác khóa sổ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ, đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Trong đó, hoạt động tài chính ngân sách nhà nước tính đến 12 giờ ngày 31/12/2019, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.539.322 tỉ đồng, vượt 9,1% so với dự toán, tăng 82.100 tỉ đồng so với báo cáo Quốc hội. Trong đó, thu nội địa đạt 1.260.500 tỉ đồng, vượt 7,4%, tương đương 87.000 tỉ đồng; thu từ dầu thô 55.900 tỉ đồng, vượt 25,3%, tương đương 11.300 tỉ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sau khi trừ số hoàn thuế giá trị gia tăng đã tăng thêm 18.800 tỉ đồng so với dự toán. Số thu cân đối ngân sách đạt xấp xỉ 217.900 tỉ đồng, vượt 15,2%, tương đương 28.800 tỉ đồng so với dự toán; tỷ lệ động viên thu ngân sách nhà nước đạt 25% tổng sản phẩm nội địa GDP, riêng động viên thuế và phí đạt 21% tổng sản phẩm nội địa.
Với kết quả này, đánh giá cả giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ huy động thu vào ngân sách nhà nước bình quân đạt 24,7% tổng sản phẩm nội địa (vượt kế hoạch là 23,5% tổng sản phẩm nội địa); cơ cấu thu ngân sách trung ương chiếm 55%, thu ngân sách địa phương chiếm 45% tổng thu ngân sách nhà nước. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách tăng dần: năm 2016 đạt 68,9%, năm 2019 đạt 81,9%, đến năm 2020 dự kiến gần 84%.
Theo đó, kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2019 được đánh giá ấn tượng, toàn diện bởi cả thu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều vượt dự toán, trong đó: thu ngân sách trung ương vượt khoảng 32.000 tỉ đồng, thu ngân sách địa phương vượt 96.000 tỉ đồng so với dự toán. Hầu hết các địa phương hoàn thành vượt dự toán thu nội địa, với 30 địa phương vượt trên 20% dự toán, 14 địa phương vượt từ 10 - 20% dự toán và 17 địa phương vượt dưới 10% dự toán. Những địa phương có kết quả thu đạt cao như Ninh Bình, Bắc Giang, Bình Định, Phú Yên...
Năm 2019, Bộ Tài chính đã tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách, quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý giá, chứng khoán, bảo hiểm; điều tra chống buôn lậu, bắt giữ 17.300 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, kiến nghị xử lý tài chính 71.700 tỉ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước 25.100 tỉ đồng.
Cơ quan Thuế đã thu hồi 35.200 tỉ đồng thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang. Tổng số nợ thuế nội địa cuối tháng 12/2019 là 80.830 tỉ đồng, tăng 5,9% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó: nợ có khả năng thu là 40.602 tỉ đồng, chiếm 50,2% tổng số tiền thuế nợ, tăng 4,8% so với thời điểm 31/12/2018; nợ không có khả năng thu hồi là 40.228 tỉ đồng, chiếm 49,8%, tăng 7,1% so với thời điểm 31/12/2018. Cơ quan Hải quan đã thu hồi và xử lý 992 tỉ đồng nợ đọng thuế.
Về chi ngân sách nhà nước, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, một số nhiệm vụ chi đang thực hiện dở dang sẽ tiếp tục được thanh toán đến hết ngày 31/1/2020 (hết thời gian chỉnh lý quyết toán), có những nhiệm vụ được xem xét chuyển nguồn tiếp tục thực hiện trong năm 2020. Chi ngân sách nhà nước năm 2019 được quản lý chặt chẽ theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đồng thời cơ cấu lại chi trong từng lĩnh vực, gắn với đổi mới sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.
Với kết quả thu, chi ngân sách nhà nước như trên, bội chi ngân sách nhà nước năm 2019 giảm từ mức 3,7% dự toán xuống ở mức dưới 3,4% tổng sản phẩm nội địa thực hiện; nợ công đến nay giảm còn 56,1% so với mức 63,7% cuối năm 2016.
Năm 2019 đã tiếp tục cơ cấu một bước nợ công, kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; giảm chi phí nợ công; tăng tỷ trọng vay trong nước, dự kiến cuối năm 2019 đạt 62,3% tổng dư nợ Chính phủ (so với mức 60,1% năm 2016)...
Kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2019 là điều kiện thuận lợi, bước tạo đà quan trọng để triển khai và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2020, cũng như hoàn thành các mục tiêu tài chính - ngân sách giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, góp phần tích cực vào ổn định vĩ mô và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2016-2020.
Đảm bảo giữ vững cân đối ngân sách
Biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực trong quá trình thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có chỉ tiêu then chốt thu chi ngân sách năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khái quát thông tin Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Phó Thủ tướng khẳng định, năm 2019 là năm thắng lợi toàn diện, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất nhập khẩu vẫn tăng, đạt mức kỷ lục khoảng 518 tỉ USD, trong đó xuất khẩu tăng 8,1%; chỉ số lạm phát thấp, tăng trưởng cao, thương mại trong nước phát triển mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ khoảng 12%. Bên cạnh đó, đầu tư trong nước năm 2019 đạt kỷ lục với hơn 138.000 doanh nghiệp hoạt động mới trong nền kinh tế.
Phó Thủ tướng cho biết, đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp ngân sách trung ương có tăng thu vượt khoảng 32.000 tỉ đồng và 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành định mức thu, trong đó Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo số thu, tạo điều kiện cho cả nước hoàn thành nhiệm vụ.
Với những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai luật liên quan đến quản lý, xóa nợ, nợ đọng thuế đã được Quốc hội ban hành; tiếp tục có kế hoạch mở rộng cơ sở thuế và chống “xói mòn” cơ sở tính thuế; áp dụng công nghệ thông tin trong thu chi ngân sách như kho bạc số, kế toán số, kết nối đồng bộ hạ tầng các ngân hàng; áp dụng hóa đơn điện tử…
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương xử lý những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tạo cơ chế hoạt động thông thoáng, có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, mang lại nguồn thu; tiếp tục kiểm tra sau thông quan; nghiên cứu cải tiến khâu lập thời gian dự toán.
“Nếu đã làm tốt rồi cần làm tốt hơn nữa vấn đề tinh giản bộ máy, đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành tập trung rà soát, sắp xếp sửa đổi bổ sung phù hợp hệ thống chính sách thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt...; đẩy mạnh hoạt động các cơ quan thường trực chống gian lận thương mại, buôn lậu; tăng cường công tác quản lý thuế, chống gian lận thương mại; nghiên cứu xây dựng ngân sách trung hạn 5 năm tới, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận