Tổng hợp tin tức và sự kiện đáng chú ý tuần qua và tuần giao dịch 18 - 22/12
Chỉ số sau trạng thái đi ngang và giằng co ở vùng 112x đã có các phiên điều chỉnh và giảm điểm, kết tuần về lấp lại gap up ngày 4/12 và quanh mốc 1100.
Tổng kết lại là một tuần giao dịch khá ảm đạm của thị trường chứng khoán Việt trong bối cảnh chứng khoán thế giới tiếp tục khởi sắc. Lực bán ròng không ngừng của khối ngoại trong suốt 13 phiên liên tiếp khiến VNINDEX không thể vượt đỉnh cũ sau thời gian giằng co và kết thúc tuần với thân nến giảm mạnh, bao phủ cây nến tuần tăng điểm trước đó. Hầu hết các nhóm ngành giảm điểm, trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn cũng đang là tác nhân gây sức ép đến thị trường chung, trong bối cảnh đang tiến gần hơn đến kỳ đáo hạn phái sinh và đặc biệt hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF diễn ra mạnh phiên ATC cuối tuần vừa rồi. Điểm tích cực là thanh khoản tuần qua sụt giảm khá mạnh so với tuần trước, cộng với mốc hỗ trợ 1100 chưa bị phá vỡ, thị trường vẫn cần thêm thời gian hấp thụ và cân bằng. Ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo được kỳ vọng quanh vùng 1075 (cạnh dưới kênh sideway) trong trường hợp thị trường tiếp tục sụt giảm trong tuần tới.
Theo đó với tỷ trọng khoảng 30 - 50% chúng ta có thể chờ xem các diễn biến tiếp theo để đưa ra hành động nương theo diễn biến thị trường. Cổ phiếu nào vi phạm sẽ chủ động xử lý, còn lại tránh bán hoảng loạn vì thị trường vẫn đang vận động trong biên sideway. Chờ thêm những tín hiệu tích cực rõ ràng hơn trước khi mở vị thế mua mới hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
✅ Tóm tắt tin tức và sự kiện tuần 11 - 15/12
- Lãi suất huy động tiếp tục giảm về mức thấp kỷ lục, trong đó Vietcombank là ngân hàng đầu tiên kéo lãi suất kỳ hạn ngắn 1-2 tháng giảm về 2,2%/năm, lãi suất huy động cao nhất à 4,8%/năm cho các kỳ hạn trên 12 tháng. Các ngân hàng còn lại cũng lần lượt công bố biểu lãi suất mới theo hướng giảm dần. BIDV, Agribank và VietinBank đồng loạt điều chỉnh các mức lãi suất đầu vào, trong đó lãi suất cao nhất chỉ còn 5,3%/năm, giảm thêm từ 0,3-0,4 điểm % so với trước đó. Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở các ngân hàng dao động trong khoảng 5 đến dưới 6%/năm, gần như không còn ngân hàng nào huy động 6%/năm.
- Kết quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã nhất trí tiếp tục phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Về hợp tác phát triển, hai bên đã thống nhất rất nhiều nội dung hợp tác cụ thể, như vấn đề xuất khẩu nông sản và hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc, các lĩnh vực hợp tác mới mà hai bên cùng quan tâm, như kinh tế số, phát triển xanh… Trong chuyến thăm lần này hai bên đã ký 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, ở các cấp Trung ương và địa phương, tạo khuôn khổ quan hệ hợp tác lâu dài, làm phong phú nội hàm hợp tác giữa hai nước.
Một số nhóm ngành được dự báo sẽ hưởng lợi nhờ thúc đẩy hợp tác như Hàng không, Cao su, Sợi dệt, Khu công nghiệp, Thủy sản.. (Theo Research MAS).
- Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá trị bán ròng của khối ngoại trên HoSE đã vượt 22.600 tỷ đồng, với top bán ròng gồm nhiều cổ phiếu được mua mạnh ở những năm trước (EIB, VPB, STB, MWG, VHM, VNM, DPM, KDC…). Phân tách dòng tiền quỹ, tính từ đầu năm 2023 đến nay nhóm quỹ chủ động rút ròng mạnh, hay gọi cách khác là "bán chủ động" do hiệu suất thấp, còn nhóm ETF vào ròng nhẹ. Xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại và chỉ còn cách khoảng 4.000 tỷ đồng sẽ xoá tan mọi thành quả mua ròng trong cả năm 2022 (26.700 tỷ).
Có nhiều nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua. Ngoài việc định giá không còn quá hấp dẫn, nhà đầu tư ngoại bán cổ phiếu có thể xuất phát từ những lo ngại về sự ảnh hưởng của các sự kiện quốc tế như chính sách của Fed, biến động của lãi suất, tỷ giá,... Trong khi đó, câu chuyện nâng hạng thị trường hiện vẫn chỉ dừng ở việc kỳ vọng. Bên cạnh đó, áp lực rút vốn được dự báo sẽ mạnh hơn trên các thị trường cận biên (frontier) như chứng khoán Việt Nam, xu hướng dịch chuyển dòng tiền đầu tư từ thị trường cận biên lên các thị trường phát triển khác do chênh lệch về lãi suất. Vì vậy, khó có thể kỳ vọng các quỹ cận biên giải ngân thêm trong giai đoạn hiện nay.
- Chứng khoán Mỹ hoàn tất tuần tăng thứ 7 liên tiếp, chuỗi tuần tăng dài nhất từ năm 2017, nhờ kỳ vọng lãi suất sẽ sớm giảm trong năm 2024 với các chỉ số Dow Jones và Nasdaq lần lượt thiết lập các đỉnh cao mới, chỉ còn S&P 500 chưa lập kỷ lục. Thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đang được kỳ vọng sẽ sớm lập đỉnh cao lịch sử mới, chỉ còn cách 2% so với kỷ lục thiết lập vào tháng 1/2022. Nếu tính từ đầu tháng, Dow Jones đã tăng 3,8%; S&P 500 tăng 3,3%; và Nasdaq tăng 4,1%.
+ TTCK Mỹ đón nhận số liệu CPI tháng 11 tiếp tục hạ nhiệt với mức tăng 3,1% so với cùng kỳ và 0,1% theo tháng, phù hợp dự báo. Riêng CPI lõi ghi nhận tăng tương ứng 4% và 0,3% như dự báo. Doanh số bán lẻ tháng 11 cũng ghi nhận tăng 0,3% so với tháng trước, khả quan hơn dự báo giảm 0,1% của Dow Jones, dữ liệu này cũng giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào một cuộc hạ cánh mềm của nền kinh tế.
+ FED quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% - 5,5% trong cuộc họp tháng 12 và đi kèm theo đó là các thông điệp tích cực rõ ràng hơn. FED phát đi tín hiệu sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, nhiều hơn dự đoán trước đây. Về lạm phát, FED nhận thấy đã hạ nhiệt và chính thức hạ dự báo lạm phát năm 2024 xuống còn 2,4% từ mức 2,6%.
+ Các số liệu được công bố vẫn cho thấy sự ổn định của nền kinh tế, thêm vào đó kỳ vọng lãi suất giảm trong năm 2024 khiến lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm trượt xuống dưới 4%. Bên cạnh đó đồng USD giảm giá so với Euro và đồng Bảng Anh sau tín hiệu chính sách tiền tệ trái ngược giữa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu u (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE): Fed dự kiến bắt đầu giảm lãi suất trong năm 2024, trong khi ECB và BoE vẫn giữ quan điểm cứng rắn.
+ Giá dầu thô có tuần tăng đầu tiên sau 7 tuần giảm, với giá dầu Brent tăng 0,9%, còn giá dầu WTI tăng 0,3%. Giá dầu đã rơi vào xu hướng giảm kéo dài dưới áp lực từ sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ, triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc, và những hoài nghi của thị trường về kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+.
✅ Những sự kiện nổi bật tuần mới 18 - 22/12
1. Tin tức và sự kiện thế giới
- 19/12: EU công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11. Dự báo CPI duy trì ở mức 2.4%.
- 20/12: Anh công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11. Dự báo CPI ở mức 4.4%, giảm so với mức 4.6% của tháng trước đó.
- 20/12: Mỹ công bố số liệu Niềm Tin Tiêu Dùng tháng 12 của Conference Board, đo lường mức độ niềm tin tiêu dùng trong hoạt động kinh tế. Đây là một chỉ báo hàng đầu vì nó có thể dự báo chi tiêu của người tiêu dùng, đóng một vai trò chủ yếu trong hoạt động kinh tế tổng thể. Số liệu càng cao chứng tỏ niềm lạc quan của người tiêu dùng càng cao.
Số liệu niềm tin tiêu dùng tháng 12 được dự báo ở mức 103.8, cao hơn so với mức 102.0 của tháng liền trước. Số liệu thực tế cao hơn dự báo sẽ được coi là mang tính tích cực/xu hướng tăng đối với đồng USD.
- 21 - 22/12: Mỹ và Anh công bố số liệu GDP quý 3, thước đo rộng nhất của hoạt động kinh tế và là chỉ báo cơ bản của sức khỏe nền kinh tế. Dự kiến số liệu thực tế không có gì thay đổi so với những ước tính trước đó.
- 22/12: Mỹ công bố chỉ số giá PCE Lõi tháng 11 - thước đo ít biến động hơn của chỉ số giá PCE vì nó không tính đến giá những mặt hàng biến động nhiều hơn, thực phẩm theo mùa và giá năng lượng. Dự báo chỉ số PCE lõi tháng 11 ở mức 3.4%, giảm so với mức 3.5% của tháng trước đó.
2. Tin tức và sự kiện trong nước
- Lịch chốt quyền cổ tức tuần 18 - 22/12: Theo thống kê, có 18 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức trong tuần, trong đó toàn bộ các doanh nghiệp đều chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Tỷ lệ doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt tuần này khá cao khi có đến 8 doanh nghiệp trả cổ tức trên 20%, mức cao nhất là 90% và thấp nhất là 3%. (Chi tiết trong hình).
- 21/12: Đáo hạn phái sinh, hợp đồng tương lai tháng 12. Trong giai đoạn rung lắc mạnh của chỉ số chung, các phiên giao dịch quanh thời điểm này thời gian gần đây thường ghi nhận những biến động mạnh.
- Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách nhà nước năm 2023 (vào tháng 1/2024) và đây là chặng nước rút để các bộ, ngành, địa phương tăng tốc hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng của cả nước khoảng 461.000 tỷ đồng, đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% so cùng kỳ năm 2022. Số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn là 247.000 tỷ đồng. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương nêu cao tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao.
Việc thực hiện giải ngân khẩn trương, hiệu quả nguồn vốn đầu tư công sẽ trở thành động lực quan trọng; đồng thời, đóng vai trò “gánh vác và bù đắp” tăng trưởng kinh tế cho các động lực khác trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận