Tổng hợp tin tức và sự kiện đáng chú ý tuần qua và tuần giao dịch 11-15/12
Trước tình hình lạc quan của thị trường thế giới, nhà đầu tư nội cũng đã tỏ ra tự tin hơn trong tuần này.
Tăng tốc tăng hơn 18 điểm trong phiên đầu tuần, VNINDEX thành công chinh phục mốc MA200 ngày (1.118), ngưỡng này sau đó được chỉ số kiểm định trong 3 phiên tiếp theo (05 – 07/12). Đáng chú ý khi phiên ngày 07/12, VNINDEX biến động mạnh, chạm mức thấp nhất tại 1.109, nhưng sau đó lực cầu bắt đáy đã tỏ ra rất dứt khoát và đẩy chỉ số hồi lên mức 1.121 (đóng cửa duy trì trên MA200). Diễn biến hồi phục này đã tạo đà cho VNINDEX tiếp tục tăng trong phiên cuối tuần và chốt tuần tại 1.124,44, tăng 22,28 điểm (+2,02%) so với cuối tuần trước.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đã giao dịch sôi động trở lại, là đầu kéo chính của chỉ số trong tuần. BID dẫn đầu nhóm các cổ phiếu đóng góp tích cực cho điểm số với mức tác động +3,9 điểm, các vị trí tiếp theo là MSN (+2 điểm), BCM (+1,85 điểm). Chiều ảnh hưởng tiêu cực dẫn đầu là VHM với mức tác động -1,7 điểm.
Khối ngoại tiếp tục là điểm trừ khi bán ròng với áp lực gia tăng đột biến. Luỹ kế 5 phiên nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4.056 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp khối này bán ròng trên TTCK Việt Nam. Riêng phiên thứ Ba 5/12 ghi nhận bán ròng đột biến hơn 1.622 tỷ đồng, mạnh nhất trong vòng gần 11 tháng (kể từ phiên 13/1). Đáng chú ý, VHM là mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tuần với giá trị đột biến 979 tỷ đồng. Theo sau là VNM, STB, VND, HPG, MSN.. Chiều ngược lại, VHC được khối này mua ròng mạnh nhất 169 tỷ đồng. Bên cạnh đó là DGC, BID, OCB, KBC.. với giá trị mua ròng khá khiêm tốn.
Dù gặp áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại, nhưng lượng cung này vẫn đang được dòng tiền nội hấp thụ khá tốt, giữ chỉ số có tuần tăng điểm với thanh khoản gia tăng, vượt mức trung bình 20 phiên. Nhìn chung, xu hướng thị trường vẫn chưa có quá nhiều thay đổi khi chỉ số vẫn duy trì được trên MA200 ngày, tiếp tục diễn biến đi ngang kiểm định vùng đỉnh cũ (1130), cũng là cạnh trên khung sideway. Dòng tiền có dấu hiệu chốt lời ở nhóm Midcap BĐS, CK, Thép và dịch chuyển sang nhóm trụ như Bank, MSN, MWG, VNM... là nhóm có khả năng dẫn dắt thị trường qua các mốc cản. Nhóm tăng mạnh trước đó có thời gian tái tích lũy trở lại để hấp thụ lực cung. Vì vậy khả năng rung lắc vẫn còn tiếp diễn, với hỗ trợ hiện tại ở mốc MA200 ngày, cùng với việc quan sát diễn biến các nhóm sau đó để xác định xu hướng tiếp theo.
Tóm tắt tin tức và sự kiện tuần 04 - 08/12
- Ngày 08/12, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”.
Fitch đánh giá những thách thức đối với nền kinh tế từ khó khăn trên thị trường bất động sản, nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ ít tác động đến triển vọng kinh tế vĩ mô trong trung hạn cùng với dư địa chính sách dồi dào sẽ góp phần kiểm soát rủi ro trong ngắn hạn. Tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục củng cố nền tài chính công lành mạnh, với nợ Chính phủ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với các quốc gia cùng xếp hạng tín nhiệm.
Trong trung hạn, Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khoảng 7% nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn FDI mạnh mẽ và nguồn lao động dồi dào. Bên cạnh đó, việc tham gia vào mạng lưới FTA rộng khắp của khu vực và toàn cầu trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng và việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” sẽ tiếp tục thúc đẩy thu hút FDI mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.
- Cả ba chỉ số TTCK Mỹ cùng tăng điểm trong tuần này. Trong đó, S&P 500 tăng 0,2% và Dow Jones tăng không đáng kể, cùng đánh dấu tuần tăng thứ 6 liên tiếp - chuỗi tuần tăng dài nhất của mỗi chỉ số kể từ năm 2019. Nasdaq tăng 0,7%.
+ 8/12: Báo cáo việc làm tháng 11 từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm còn 3,7% từ mức 3,9% của tháng trước, thay vì đi ngang như dự báo trước đó. Khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế có thêm 199.000 công việc mới trong tháng, cao hơn mức dự báo 190.000 công việc mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones và cao hơn nhiều so với con số 150.000 công việc mới của tháng 10.
Cùng với đó, kết quả khảo sát người tiêu dùng cho thấy kỳ vọng lạm phát giảm và tâm lý người tiêu dùng tốt lên. Tất cả những dữ liệu này đều củng cố kịch bản nền kinh tế lớn nhất thế giới “hạ cánh mềm”. Lạm phát giảm, cũng như cân bằng cung-cầu lao động tốt hơn mà không dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp tăng, đều có ý nghĩa tích cực đối với tâm lý nhà đầu tư.
+ Giá dầu đã giảm khoảng 4% trong tuần, đánh dấu tuần giảm thứ 7 liên tiếp, dưới áp lực từ sản lượng khai thác dầu kỷ lục của Mỹ và mối lo về nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Lần gần đây nhất giá dầu WTI giảm liền 7 tuần là cách đây 5 năm.
Những sự kiện nổi bật tuần mới 11 - 15/12
Tin tức và sự kiện thế giới
- 12/12: Mỹ ông bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11.
- 13/12: Mỹ công bố chỉ số giá sản xuất PPI tháng 11.
Đây là những dữ liệu kinh tế cuối cùng trước kỳ họp cuối trong năm 2023 về lãi suất điều hành của Fed.
- Ngày 12 - 13/12 (theo giờ Mỹ), Uỷ ban Thị trường mở Liên bang sẽ có cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày. Đây là cuộc họp cuối cùng của cơ quan này trong năm 2023. Nhiều dự báo từ các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư đang cho rằng lãi suất cơ bản tại Mỹ vẫn được giữ nguyên ở mức 5,25 đến 5,5%.. Theo CME FedWatch Tool, 97% dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn mong chờ bài phát biểu sau đó của ông Powell để xem xét xem liệu thời điểm cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm 2024 có được hé lộ. Các nhà giao dịch đang đặt cược 43.2% khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 3 theo CME FedWatch Tool.
- 13/12: Anh công bố số liệu GDP tháng 10.
- 14/12: Báo cáo lạm phát của Ngân hàng Anh.
Cùng ngày, Các thành viên ủy ban chính sách tiền tệ Ngân Hàng Anh (BOE) và Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) cũng đưa ra các quyết định về lãi suất. Theo dự báo, mức lãi suất điều hành vẫn được giữ nguyên ở mức 5.25% với Anh và 4.5% ở khu vực EU.
Nhà đầu tư cũng trông chờ những thông tin trong cuộc họp báo sau đó để tìm ra manh mối về thời điểm cắt giảm lãi suất đầu tiên của các Ngân hàng này.
Tin tức và sự kiện trong nước
- Lịch chốt quyền cổ tức tuần 11 – 15/12: Theo thống kê, có 17 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức trong tuần, trong đó, 14 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 1 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu và 1 doanh nghiệp phát hành thêm. Trong số các doanh nghiệp chia cổ tức tiền mặt, cao nhất là 25% và thấp nhất là 4%. (Chi tiết trong hình).
15/12: DXG chốt danh sách cổ đông thực hiện chào bán gần 102 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 16,67% trên số cổ phiếu đang lưu hành cho các cổ đông hiện hữu. Phương thức chào bán là thực hiện quyền mua theo tỷ lệ 6:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được 1 quyền mua, cứ 6 quyền mua sẽ được mua 1 cổ phiếu mới.
- 2 quỹ VNM ETF và FTSE Vietnam ETF sẽ hoàn tất việc cơ cấu danh mục định kỳ quý 4/2023 trong tuần tới, danh mục mới sẽ có hiệu lực sau giờ đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu (15/12) và chính thức được giao dịch từ thứ Hai tuần sau đó (18/12).
Trong kỳ cơ cấu này, MVIS Vietnam Local Index thêm mới duy nhất CEO và không loại bất kỳ cổ phiếu nào, qua đó nâng số lượng cổ phiếu trong danh mục lên 43. VNM ETF ước tính sẽ mua vào khoảng 6,8 triệu cổ phiếu CEO với tỷ trọng 1,17% danh mục. Bên cạnh đó, quỹ sẽ tăng mạnh tỷ trọng một số cổ phiếu, trong đó VIC (5,7 triệu cp), VNM (2,6 triệu cp), VHM (2,2 triệu cp),... là những cái tên dự kiến sẽ được mua ròng với khối lượng lớn. Chiều ngược lại, đa số cổ phiếu trong danh mục của quỹ dự kiến sẽ bị giảm tỷ trọng sau kỳ cơ cấu quý 4. Trong đó, HPG (2,1 triệu cp), SSI (1,9 triệu cp), VIX (1,5 triệu cp), PDR (1,5 triệu cp), VCG (1,1 triệu cp), POW (1 triệu cp)… là những cái tên dự kiến sẽ bị bán ròng.
Trong tuần trước, FTSE Vietnam Index - chỉ số tham chiếu của FTSE Vietnam ETF đã thêm mới NVL, PDR và không loại bất kỳ cổ phiếu nào qua đó tăng số lượng cổ phiếu Việt Nam lên 26 mã.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận