Tổng giám đốc IMF: Sự bất ổn của nền kinh tế thế giới đang ở mức đặc biệt cao
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva đánh giá sự bất ổn của nền kinh tế vẫn đang ở mức đặc biệt cao, triển vọng về kinh tế thế giới vẫn sẽ ở mức yếu trong trung hạn.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc (CDF) diễn ra ở Bắc Kinh ngày 26/3, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva đã cảnh báo về tình trạng gia tăng những yếu tố rủi ro liên quan đến sự ổn định về tài chính và bà cũng nhấn mạnh rằng cần nâng cao cảnh giác sau những bất ổn đã xảy ra gần đây trong lĩnh vực ngân hàng.
Tổng giám đốc IMF dự báo, năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn và thách thức, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống dưới 3% do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, các chính sách thắt chặt tiền tệ và những hậu quả tàn dư của đại dịch COVID-19. Bà đánh giá sự bất ổn về kinh tế vẫn đang ở mức đặc biệt cao, triển vọng về kinh tế toàn cầu vẫn sẽ ở mức yếu trong trung hạn.
Theo bà Georgieva, rõ ràng là các rủi ro liên quan đến sự ổn định của thị trường tài chính đã tăng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, trong thời điểm nợ công cao hơn, sự chuyển đổi nhanh chóng từ một giai đoạn lãi suất thấp kéo dài sang giai đoạn lãi suất cao hơn nhiều (vốn cần thiết để giảm lạm phát) không thể tránh khỏi việc dẫn đến những khó khăn và bất ổn trong kinh tế thế giới. Những khủng hoảng gần đây của lĩnh vực ngân hàng ở một số nước có nền kinh tế phát triển là minh chứng cho điều này.
Những bình luận trên đã được đưa ra trong bối cảnh lĩnh vực tài chính thế giới đang gặp nhiều bất ổn vì vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và một số ngân hàng khác ở Mỹ, hay sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ - Credit Suisse, sau đó bị ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, cũng là đối thủ là UBS thâu tóm. Những vụ việc này đã xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn khiến cho ngày càng nhiều người lo ngại nguy cơ xảy ra hiệu ứng dây chuyền trong hệ thống ngân hàng.
Tiếp đến, cổ phiếu của Ngân hàng Deutsche Bank bị bán tháo khiến Thủ tướng Đức Olaf Scholz buộc phải đưa ra những lời đảm bảo về ngân hàng này, vốn đã gặp nhiều vấn đề trong thời gian dài, khi các nhà đầu tư tỏ ra đặc biệt lo ngại về ngân hàng này.
Bà Georgieva đã đánh giá các nhà hoạch định chính sách hành động là rất quyết đoán khi ứng phó với những rủi ro liên quan đến sự ổn định tài chính. Theo bà, những hành động này đã phần nào xoa dịu thị trường nhưng những bất ổn về tài chính vẫn đang ở mức cao và cần luôn luôn duy trì cảnh giác.
"Chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự phát triển và đang đánh giá những tác động tiềm tàng đối với triển vọng kinh tế toàn cầu và sự ổn định tài chính toàn cầu", bà cho biết và cảnh báo rằng, sự phân mảnh địa kinh tế có thể chia thế giới thành các khối kinh tế cạnh tranh nhau, dẫn đến "sự chia rẽ nguy hiểm khiến mọi người nghèo hơn và kém an toàn hơn".
Tổng giám đốc IMF cũng đã đề cập tới sự phục hồi của nền kinh tế tại Trung Quốc như một điểm sáng của kinh tế thế giới hiện nay. IMF dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, chủ yếu nhờ phục hồi trong lĩnh vực tiêu dùng cá nhân khi quốc gia này mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.
Theo bà Georgieva, sự phục hồi mạnh mẽ này sẽ giúp Trung Quốc đóng góp khoảng 1/3 vào sự tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023, mang lại động lực cần thiết để nâng đỡ cho nền kinh tế thế giới.
Theo người đứng đầu IMF, tăng trưởng GDP của Trung Quốc tăng 1% sẽ kéo theo tăng trưởng ở các nền kinh tế khác tại châu Á tăng thêm trung bình 0,3%, đây là một động lực rất đáng hoan nghênh.
Bà kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc đưa ra các chính sách để nâng cao năng suất và tái cân bằng nền kinh tế khỏi đầu tư và hướng tới tăng trưởng dựa trên tiêu dùng bền vững hơn, bao gồm thông qua cải cách theo định hướng thị trường để tạo sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Bà cho biết việc tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ giúp Bắc Kinh đạt được các mục tiêu về khí hậu, vì chuyển sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng, giảm khí thải và giảm bớt áp lực an ninh năng lượng.
Theo đó, động thái này có thể làm giảm 15% lượng khí thải CO2 trong 30 năm tới, dẫn đến lượng khí thải toàn cầu giảm 4,5% so với cùng kỳ.
Một số quan chức khác cũng đã tham dự hội nghị ở Bắc Kinh bất chấp căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giám đốc điều hành IMF nhắc lại quan điểm của bà rằng, năm 2023 sẽ là một năm đầy thách thức khác, với tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại dưới 3% do hậu quả của đại dịch, xung đột Nga-Ukraine và chính sách thắt chặt tiền tệ.
Trong số các diễn giả khác, Tharman Shanmugaratnam, Chủ tịch Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) cho biết, những thách thức kinh tế vĩ mô gần đây chỉ là “hậu quả ban đầu” của sự bất ổn do lãi suất thực thấp và âm trong một thời gian dài của các nền kinh tế tiên tiến.
Ông mô tả giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ kéo dài này là “sai lầm lớn nhất trong chính sách kinh tế vĩ mô trong 70 năm qua” và kêu gọi sự hợp tác cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn cho biết, tình hình thế giới đang đầy thách thức, với "những thay đổi chưa từng có đang diễn ra", bao gồm căng thẳng chính trị gia tăng, mà không nói rõ. Ông cho biết, năm nay, Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu tài khóa ở mức vừa phải để hỗ trợ nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận