Tổng giám đốc IMF: Các quốc gia nên thận trọng với chiến lược thắt chặt chính sách tiền tệ
IMF dự báo nhiều quốc gia sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật trong năm nay và năm sau trước làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu.
Triển vọng kinh tế toàn cầu ngày một u ám trong khi rủi ro suy thoái không ngừng tăng lên: Đó chính là thông điệp mới nhất từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
“Theo tính toán của chúng tôi, nhiều quốc gia, đóng góp tới 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn thế giới, sẽ trải qua ít nhất hai quý suy giảm liên tiếp trong năm nay hoặc năm sau”, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva chia sẻ trong bài phát biểu tại trường Đại học Georgetown. “Và kể cả trong trường hợp các quốc gia vẫn ghi nhận tăng trưởng, tình cảnh cũng không khác gì một cuộc suy thoái vì thu nhập thực tế của người dân sụt giảm trước trước lạm phát”.
IMF dự báo kinh tế thế giới có thể mất 4.000 tỷ USD từ nay tới năm 2026. “Con số này tương đương với GDP của Đức, và là một bước lùi lớn của nền kinh tế toàn cầu”, bà cho biết.
Sau khi chạm ngưỡng 6,1% trong tháng 10/2021 IMF liên tục hạ triển vọng kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo gần đây nhất, IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 2,9% trong năm 2023. Tuy nhiên, con số dự báo trong báo cáo tuần sau có thể thấp hơn.
Tất cả các nền kinh tế lớn đang chững lại. Châu Âu đang đối diện với một cuộc khủng hoảng năng lượng, thị trường bất động sản Trung Quốc sụp đổ và lạm phát cao đang ăn mòn túi tiền của người dân Mỹ.
Bà Georgieva miêu tả thế giới đang bước vào một giai đoạn “dễ bị tổn thương” trước một loạt các “cơn gió chướng” như đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị và thời tiết cực đoan. “Trong chưa đầy 3 năm, chúng ta trải qua hết cú sốc này đến cú sốc khác”, bà nói.
Bà hối thúc các nhà hoạch định chính sách giữ vững lập trường kéo giảm lạm phát nhưng đồng thời cảnh báo quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào một giai đoạn suy thoái kéo dài.
“Nếu như không thắt chặt chính sách tiền tệ, lạm phát sẽ trở nên cố kết. Tuy nhiên, nếu thắt chặt quá mức, suy thoái là hệ quả khó tránh khỏi”, bà nhận định.
Bà cũng khuyến nghị các chính phủ sử dụng một số chính sách tài khóa tạm thời, có trọng tâm nhằm giúp đỡ những người yếu thế nhưng không làm trầm trọng hóa lạm phát. Phạm vi các gói hỗ trợ cũng nên được mở rộng sang các nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp trước rủi ro vỡ nợ và đói nghèo, bà nói.
“Tình hình sẽ xấu đi trước khi mọi thứ tốt dần lên”, bà chia sẻ. “Đại dịch và xung đột là nguồn cơn của sự bất ổn lớn và không loại trừ khả năng các cú sốc kinh tế mới có thể xảy ra”, bà nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận