Tổng Cục trưởng Thống kê: Kinh tế Việt Nam đã “bật dậy”
Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Trong cuộc họp báo diễn ra sáng 29/9, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn đạt được kết quả tích cực trong hầu hết lĩnh vực.
GDP 9 tháng năm tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.
Về kiểm soát lạm phát, 9 tháng 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ, thấp hơn mức CPI bình quân chung...
Sau cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hương đã dành thời gian để trao đổi thêm về những kết quả những kết quả tích cực này và triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế-xã hội cuối năm.
Kinh tế khởi sắc
Với những kết quả tích cực ghi nhận được trong quý III/2022, bà đánh giá thế nào khi so sánh với tiến trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam?
Theo tôi, đây là một kết quả hết sức tích cực, vượt ra ngoài mong đợi và những dự báo trước đó. Mức tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng đầu năm cũng khẳng định chủ trương đường lối đúng đắn của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả hệ thống chính trị trong việc triển khai, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế.
Dựa trên nền tăng trưởng âm của quý III/2021, tăng trưởng quý III/2022 đạt mức 2 con số (13,67%) cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã bật dậy và vững vàng trước sóng gió.
Kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, đâu là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế quý III và 9 tháng năm 2022, thưa bà?
Trong đó, nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng khoảng 3%, đảm bảo an ninh lương thực, đời sống nhân dân, ổn định lạm phát với nguồn cung lương thực thực phẩm dồi dào, đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu.
Về công nghiệp, mức tăng trưởng quý III khoảng 12,9% và 9 tháng là 9,4%. Đây là mức tăng trưởng hết sức ấn tượng. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 10,6%, xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dầu thô vẫn duy trì tốt, năng lượng điện tăng trưởng khá cao, đảm bảo nguồn năng lượng quan trọng cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân.
Lĩnh vực dịch vụ, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 quý III/2021 đã khôi phục, một số ngành có tốc độ khôi phục vượt qua mốc của năm 2019, chỉ còn một số ngành tăng trưởng thấp hơn năm 2019 là: Dịch vụ ăn uống, hoạt động hành chính, dịch hỗ trợ và hoạt động dịch vụ khác.
Tuy nhiên, lại có một số ngành có mức tăng trưởng quý III trên 20% như bán buôn bán lẻ, vận tải và một số ngành khác. Đây là bức tranh tích cực của kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022.
Mục tiêu tăng trưởng 7,5% là hoàn toàn có thể
Tuy nhiên cũng phải nói rằng, ảnh hưởng kinh tế thế giới hiện nay rất khó lường và tới đây, tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục phức tạp. Cùng với đó, thiên tai bão lũ, lạm phát… khiến cầu tiêu dùng trên thế giới suy giảm, làm hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, giá xăng dầu, nhiên liệu đầu vào dự báo tăng sẽ ảnh hưởng đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp, hay thay đổi áp dụng tỉ giá quốc tế sẽ ảnh hưởng đến tỉ giá trong nước, tạo áp lực cho đầu vào sản xuất trong nước và ảnh hưởng tác động đầu ra các sản phẩm của Việt Nam.
Đặc biệt, độ mở nền kinh Việt Nam hiện khá lớn nên ảnh hưởng của kinh tế thế giới sẽ gây ra ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến tất cả hoạt động sản xuất, đời sống của doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, với sự linh hoạt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố, duy trì để khai thác tốt nội lực nền kinh tế, duy trì khả năng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Trên cơ sở đó, mức tăng trưởng GDP từ 7,5 đến 8% trong năm 2022 là mức Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.
Chỉ số giá tiêu dùng hiện vẫn trong mục tiêu kiểm soát nhưng áp lực lạm phát đang gia tăng về cuối năm. Tổng cục Thống kê có giải pháp gì để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm duy trì ở mức 4%?
Để kiểm soát lạm phát, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam.
Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ xăng dầu trong nước, quản lý và kiểm soát chặt chẽ sử dụng xăng dầu nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại…
Cảm ơn bà đã chia sẻ!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận