Tổng cục Thống kê nói gì khi tăng trưởng GDP quý 2 lạc quan hơn thực tế?
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 2/2023 không đạt như kỳ vọng, tuy nhiên mức tăng trưởng đã được cải thiện hơn so với quý 1/2023, biểu hiện qua số liệu phản ánh kết quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc có nhiều ý kiến cho rằng mức tăng trưởng GDP quý 2 là hơi lạc quan so với thực tế khó khăn mà nền kinh tế phải đối mặt, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cho biết, Tổng cục Thống kê ước tính số liệu GDP quý 2/2023 và 6 tháng năm 2023 dựa vào nguồn thông tin, dữ liệu của các cuộc điều tra chọn mẫu hàng tháng, quý của các ngành, lĩnh vực; từ dữ liệu hành chính của các Bộ, ngành, địa phương và số liệu, báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty. Dữ liệu vi mô đã cho thấy nhiều ngành, lĩnh vực trong quý 2 đã tốt lên so với quý 1/202
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm ước tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023 (trong đó sơ bộ quý 1/2023 tăng 3,28%, ước tính quý 2/2023 tăng 4,14%). Đây là mức tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đã đề ra.
Lý do, toàn ngành công nghiệp có tốc độ tăng giá trị tăng thêm chỉ đạt 0,44%. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo các năm trước đây là động lực tăng trưởng kinh tế, nay chỉ đạt tốc độ khiêm tốn với giá trị tăng thêm 6 tháng ước tăng 0,37% do sản xuất hàng gia công (may mặc, da giày, điện tử, đồ gỗ… ) sụt giảm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 vì nhu cầu thị trường thế giới suy giảm, thiếu hụt đơn hàng.
Theo quý, tăng trưởng GDP quý 2/2023 đạt 4,14% so với cùng kỳ, cao hơn 0,86 điểm phần trăm so với mức tăng 3,28% của quý 1/2023. Trong đó, khu vực công nghiệp đã có chuyển biến tích cực, tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm từ quý 1/2023 (âm 0,75%), đạt mức tăng 1,56%; đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 1,18% (quý 1/2023 tăng trưởng âm 0,49%); ngành xây dựng cũng tăng mạnh với mức tăng 7,05%, cao hơn mức tăng 4,94% của cùng kỳ năm trước; điểm sáng nhất vẫn là khu vực dịch vụ với mức tăng 6,11%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng tăng trưởng khá tốt đạt 3,25% so với cùng kỳ.
Trong khó khăn chung của kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 2/2023 không đạt như kỳ vọng, tuy nhiên mức tăng trưởng đã được cải thiện hơn so với quý 1/2023, biểu hiện qua số liệu phản ánh kết quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực như tăng trưởng khu vực dịch vụ tiếp tục được phục hồi với mức tăng 6,11% so với cùng kỳ (quý 1/2023 là 6,56%); có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 2/2023 tốt hơn so với quý 1/2023; hoạt động xuất khẩu quý 2/2023 giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng 2,9% so với quý 1/2023…
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong phân tích, đánh giá, nhất là khi so sánh tốc độ tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu liên quan giữa các quý trong cùng năm sẽ không có ý nghĩa khi các chỉ tiêu biểu hiện chưa được loại trừ yếu tố mùa vụ. Để đánh giá, so sánh mức độ tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực thường được so với cùng kỳ năm trước để loại bỏ yếu tố mùa vụ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận