Tồn kho kỷ lục và chiếc "hầu bao lép" của vua tôm Minh Phú (MPC) sau quý 2
Nhờ tiết giả hàng trăm tỷ chi phí hoạt động nên Thủy sản Minh Phú (MPC) may mắn thoát lỗ trong quý 2/2023. Dù vậy, đây là mức lãi thấp kỷ lục sau 28 quý.
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã MPC - UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với doanh thu doanh thu 2.350 tỷ đồng - giảm 48% so với cùng kỳ năm trước; giá vốn bán hàng tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp giảm 63% còn 331 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 19,9% về 14,1%.
Trong kỳ, công ty thu về 12,4 tỷ đồng doanh thu tài chính và 21,7 tỷ lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết - tăng hơn 4 lần cùng kỳ.
Thêm vào đó, chi phí hoạt động cũng giảm mạnh từ 775 tỷ đồng về 306 tỷ nên sau cùng công ty vẫn kịp ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương, đạt 10,2 tỷ. Mặc dù vậy, kết quả này đã giảm 93% so với cùng kỳ.
Nếu không tính quỹ lỗ 98 tỷ đồng hồi đầu năm, đây là con số lãi thấp kỷ lục của "vua tôm" Minh Phú kể từ quý 2/2016 (28 quý).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, MPC ghi nhận 4.472 tỷ đồng doanh thu - giảm gần 50% so với bán niên 2022; lỗ sau thuế ở mức 88 tỷ đồng trong khi cùng kỳ báo lãi 242 tỷ.
Tại ĐHCĐ thường niên 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu 12.790 tỷ đồng và lãi sau thuế 639 tỷ; cổ tức dự kiến chi trả tỷ lệ 50 - 70%. Như vậy sau nửa năm, "vua tôm" mới thực hiện được gần 35% kế hoạch doanh thu trong khi bỏ ngỏ khả năng cán đích chỉ tiêu lợi nhuận.
Trước đó năm 2022, Minh Phú ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu 16.425 tỷ đồng - tăng 21% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế kỷ lục 832 tỷ - tăng 27% YoY.
Còn nhớ tại Nghị quyết Biên bản ĐHCĐ thường niên 2023 hồi cuối tháng 6, "vua tôm" cho biết, những tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu, doanh thu và lợi nhuận của công ty giảm bất chấp việc đang có hợp đồng với đối tác. Lý do bởi các kho ở các nước nhập khẩu đang đầy, các khách hàng không nhập được. Trong khi đó, hàng bán ra chậm trong khi giá thành tôm của Ấn Độ và Ecuador thấp khiến các nước đẩy mạnh xuất khẩu làm cho tôm Việt Nam ngày càng khó bán.
Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm, dự kiến nguyên liệu tôm sẽ bị thiếu hụt do nông dân giảm nuôi vì nguyên liệu giá thấp tại Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador đang bị EI Nino gây thiệt hại khoảng 30% vùng nuôi. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản trong nước đẩy mạnh hàng tồn kho ra thị trường. Công ty cho biết, dự kiến kể từ tháng 8 trở đi, giá tôm có thể sẽ tăng qua đó đó giải quyết được vấn đề tồn kho lớn. Theo đó, tình hình kinh doanh của Minh Phú sẽ được cải thiện.
Tại thời điểm 30/6/2023, giá trị hàng tồn kho của Minh Phú tăng thêm 586 tỷ đồng so với đầu năm và tăng gần 800 tỷ so với cuối quý 1, đạt 5.700 tỷ - cao nhất từ quý 4/2018; giá trị trích lập dự phòng gần như không đổi với 92,6 tỷ. Tồn kho của MPC cũng đang chiếm quá nửa tổng tài sản của công ty.
Thuyết minh chi tiết hàng tồn kho của Minh Phú đến cuối quý 2/2023
Ở chiều ngược lại, nợ phải trả giảm nhẹ về 4.761 tỷ trong đó 3.870 tỷ là vay nợ tài chính (chiếm tỷ lệ 81,3%). Vay nợ tài chính lớn khiến chi phí lãi vay quý 2 và bán niên của công ty tăng lần lượt 88% và 119% so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MPC đóng cửa phiên 1/8 giảm về mức 18.300 đồng/cp.
Chứng khoán VNDirect tại báo cáo phân tích hồi đầu tháng 6 cho rằng, thời điểm hiện tại, triển vọng kinh doanh ảm đạm của nhóm thủy sản trong năm 2023 đã phần nào được phản ánh vào giá khi cổ phiếu ngành này đã giảm khoảng 40 - 60% kể từ mức đỉnh vào quý 2/2022.
Do nhu cầu yếu từ các thị trường xuất khẩu chính và chi phí sản xuất ở mức cao, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản niêm yết trong ngành (đặc biệt là các doanh nghiệp cá tra) đã đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn so với năm 2022.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có phần lạc quan hơn về kết quả kinh doanh năm 2023 khi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với những thách thức có thể thấy được trong năm 2023 của ngành tôm, VNDirect cho rằng kế hoạch này của các doanh nghiệp là khá tham vọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận