Toàn dự báo giảm, còn hy vọng gì ở kinh tế thế giới 2020?
Thế giới sẽ không rơi vào cuộc khủng hoảng nữa, nhưng kịch bản tốt nhất chỉ là đà giảm tốc kinh tế chậm lại.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang dù đã có những dấu hiệu hạ nhiệt nhất định và tương lai Brexit, sau cuộc bỏ phiếu lịch sử tại xứ sở sương mù vẫn là những yếu tố tác động đến môi trường kinh doanh thế giới trong năm tiếp theo.
Những điểm sáng mờ
Tháng cuối cùng của năm 2019, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có dấu hiệu xuống thang trong cuộc chiến thương mại kéo dài. Cùng với đó, việc Thủ tướng Anh Boris Johnson thắng lớn trong cuộc bầu cử ngày 12/12 dẫn tới “một Brexit trọn vẹn” khi nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) được coi là những tín hiệu tốt cho kinh tế thế giới. Tuy nhiên, những điểm “sáng mờ” đó chưa đủ thuyết phục.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm xuống 3%, đồng thời cảnh báo kinh tế thế giới đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Có nghĩa là năm 2020, khả năng “bật tăng” là khó khăn, bởi việc chặn đà suy giảm trước đó còn là ẩn số, cho dù dự báo của IMF cho thấy kinh tế toàn cầu năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 3,4%.
Các chuyên gia WTO dự báo tăng trưởng năm 2020 chỉ là 2,7%, giảm so với mức 3% dự báo trước đó. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới xuống 2,9% trong năm 2020, mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái toàn cầu cách đây tròn 10 năm.
Lý giải cho các dự báo trên, giới chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến, trong đó nổi bật là mối e ngại thương chiến Mỹ - Trung chưa thể có kết quả sau những thỏa thuận đạt được ở mức độ khác nhau. Trên thực tế, hai nền kinh tế hàng đầu này đã tác động đến thương mại, đầu tư của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Người ta cũng lo ngại sự kiện bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 tới sẽ có những bất ngờ, tác động tới chính sách kinh tế của quốc gia này, từ đó hiệu ứng dây chuyền tới nhiều nền kinh tế lớn khác.
Đừng lo khủng hoảng
Những bất ổn trên chính trường Mỹ, cùng với cuộc cách mạng chuyển đổi kỹ thuật số và tác động của biến đổi khí hậu đã tạo nên một năm 2019 nhiều khó khăn, nhưng giới chuyên gia cho rằng, ít có khả năng quay lại thời kỳ khủng hoảng, dù tốc độ tăng trưởng có thể chỉ đạt mức thấp nhất kể từ đợt suy thoái toàn cầu năm 2009.
Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhưng các mức thuế quan đã được áp dụng từ trước đó vẫn có hiệu lực và chưa thể hóa giải những tác động của các biện pháp này trong một sớm một chiều. Nếu Tổng thống Trump vượt qua được quá trình luận tội và thắng cử nhiệm kỳ thứ hai, ông có thể sẽ tăng gấp đôi sự đánh cược vào Trung Quốc bất chấp mọi nguy cơ. Rất tiếc, cả Tổng thống Trump và đối thủ tiềm năng của ông ở phe Dân chủ đều có chung ác cảm đối với thương mại tự do và các chính sách mà theo họ là đã làm xói mòn nước Mỹ nhiều năm qua.
Tại thời điểm mà chủ nghĩa dân túy và làn sóng biểu tình đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, chính trị sẽ tiếp tục là một ẩn số đối với nền kinh tế trong năm 2020, ít nhất là ảnh hưởng từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và việc nước Anh có thể sẽ chính thức rời khỏi EU vào tháng tới.
Cùng lúc đó, sự nổi lên của các ông lớn công nghệ với lượng dữ liệu khổng lồ và trí tuệ nhân tạo có khả năng sẽ tái định hình thế giới. Đấu trường trực tuyến đã nổi lên như một mặt trận khác trong các cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump khơi mào, sau khi ông đe dọa đánh thuế đối với hàng hóa của Pháp, vì Paris ban hành thuế kỹ thuật số đối với các ông lớn công nghệ đến từ Mỹ như Amazon, Facebook và Google.
Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số nhằm vào các "ông lớn" công nghệ và trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên áp dụng loại thuế này. Châu Âu đang đe dọa cũng sẽ có một đáp trả chung.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính mười năm trước, chính sách của các ngân hàng trung ương đã dẫn đến lãi suất âm ở nhiều nước, bóp nghẹt khả năng sinh lời của các ngân hàng và thổi phồng nợ của khu vực tư nhân. Các ngân hàng trung ương tại châu Âu và Nhật Bản lâu nay thường sử dụng "chính sách lãi suất âm" để thúc đẩy nền kinh tế và hỗ trợ lạm phát. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhìn chung không tin tưởng việc sử dụng công cụ này tại Mỹ.
Theo một nghiên cứu của Fed, chi nhánh San Francisco, chính sách lãi suất âm tại Nhật Bản đã khiến lạm phát giảm chứ không tăng như kỳ vọng. Mặc dù đà giảm này có thể là sự phản ứng trước các điều kiện kinh tế ngày càng xấu đi, nhưng điều đó đã nêu bật sự bất ổn liên quan đến tính hiệu quả của "chính sách lãi suất âm" với vai trò là các công cụ thúc đẩy tăng trưởng khi lạm phát dự báo được neo ở các mức thấp.
Hy vọng mong manh
Tuy nhiên, trong nhiều kịch bản khác nhau về năm 2020, vẫn có những tia hy vọng dù mong manh. Theo đó, thương chiến Mỹ - Trung được kiểm soát sẽ giúp thúc đẩy triển vọng kinh tế toàn cầu. Sự “đình chiến” để chuẩn bị cho cuộc đấu mới rất có thể diễn ra, xuất phát từ nội tình nước Mỹ. Kế đó, việc nước Anh “êm ả” rời khỏi EU - nếu có - cũng sẽ tác động tích cực tới kinh tế châu Âu và nước Anh. Khi “luật chơi mới” được EU và nước Anh xác định rõ ràng sẽ tạo niềm tin cho thị trường chung.
Một dự báo cũng cho rằng, trong năm 2020, kinh tế Nga, Ấn Độ, Brazil cũng sẽ có thể bứt phá. Theo các nhà phân tích của IMF, các nền kinh tế trên đã chuẩn bị đủ lực từ những năm trước và “đút túi” khá nhiều kinh nghiệm từ thương chiến Mỹ - Trung.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận