24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phương Tùng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tòa xử vụ FLC kiện báo Giáo Dục Việt Nam: “Có tài liệu mà không xuất trình thì coi như không có”

Chủ toạ phiên toà hỏi “trước khi đăng, đối với bài này, báo có xác minh hay không”, câu trả lời của đại diện báo Giáo Dục Việt Nam là “không muốn tiết lộ và không cần trình thêm”.

Sáng nay (30/9), Toà án Nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội đã xét xử vụ kiện dân sự của Tập đoàn FLC đối với báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Yêu cầu công khai xin lỗi

Gần 9h00, Hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu vào làm việc. Tập đoàn FLC có 5 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Phía bị đơn là báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện là ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng biên tập và ông Nguyễn Ngọc Quang (bút danh Nguyễn Hoàng) người thực hiện bài viết “"Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỷ đồng". Ông Quang đồng thời cũng là người làm chứng cùng với đại diện CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Tập đoàn Hoà Bình, HBC) là ông Phạm Văn Anh, Phòng Pháp chế Tập đoàn Hoà Bình.

Theo đơn khởi kiện của Tập đoàn FLC, ngày 1/10/2018, báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã đăng tải bài viết "Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỷ đồng". Tuy nhiên, Tập đoàn FLC nhấn mạnh, hiện FLC và Hoà Bình vẫn đang trong quá trình đàm phán, trao đổi để thực hiện 2 hợp đồng trên. Đến nay, việc thanh, quyết toán 2 hợp đồng trên chưa thực hiện được do giữa 2 bên còn tồn tại bất đồng.

Vì vậy, những thông tin được báo Giáo dục Việt Nam đăng tải cho rằng "Tập đoàn FLC còn nợ vốn gốc của Công ty Hòa Bình là 213 tỷ đồng Việt Nam" và "mặc dù Công ty Hòa Bình đã gửi tới 13 công văn yêu cầu Tập đoàn FLC giải quyết thanh toán công nợ nhưng đến nay FLC vẫn tìm các lý do chưa chịu trả tiền" là sai sự thật.

Cũng theo FLC, báo Giáo dục Việt Nam không chỉ cố ý đưa tin không chính xác, mà còn sai tôn chỉ mục đích (việc này đã được Cục Báo chí ghi nhận). Do đó, Tập đoàn FLC đã khởi kiện báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, đòi bồi thường hơn 14 triệu đồng (tương đương 10 tháng lương cơ sở), yêu cầu gỡ bài viết, và công khai xin lỗi FLC.

FLC và HBC chưa thống nhất số thanh toán

Chủ toạ phiên xét xử, ông Nguyễn Văn Lương đã hỏi FLC và HBC về hợp đồng số 18 và 57.

FLC cho biết, có ký hợp đồng 18 và 57 với HBC, tranh chấp xuất phát từ lỗi HBC chậm tiến độ, không hoàn thành đúng nội dung đã ký kết, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình. Nhiều lần FLC đã yêu cầu HBC tăng cường nhân công đảm bảo tiến độ, nhưng HBC không đáp ứng, do đó FLC đã phải yêu cầu HBC rời khỏi công trình và mời nhà thầu khác vào làm. Do vậy, việc xác nhận khối lượng thi công gặp phải nhiều khó khăn.

HĐXX hỏi nhân chứng là đại diện HBC: “Hợp đồng giữa HBC và FLC có quy định lộ trình thực hiện hợp đồng, quy trình thanh toán, giải quyết tranh chấp, HBC có đơn khởi kiện FLC hay chưa”, ông Phạm Văn Anh trả lời “chưa khởi kiện” và nêu lại quá trình chứng minh số tiền nợ của FLC với HBC nhưng các tài liệu biên bản nghiệm thu lại “không chuẩn bị sẵn” gửi HĐXX.

Sau đó, chủ toạ lưu ý: “Đây là một trong phần dẫn đến các bên chưa thống nhất nợ”.

HBC giải thích tiếp về số tiền liên quan đến hợp đồng, chủ toạ sau đó đã chốt lại: “HĐXX muốn biết hiện FLC và HBC chưa thống nhất số thanh toán, đúng hay không”, đại diện HBC trả lời, “đúng”.

Chủ toạ cho rằng, việc “chưa thống nhất” giữa HBC và FLC cần được trọng tài kinh tế làm rõ, việc giải quyết nợ của HBC nên theo hướng đã ghi trong hợp đồng, phải đưa ra tòa án. Quy trình thực hiện của HBC chưa đúng. Đồng thời cho biết, có tài liệu HBC cung cấp cho HĐXX không hợp quy trình pháp luật.

“Nếu có tài liệu mà không xuất trình thì coi như không có, đấy là luật”

Luật sư của nguyên đơn đặt câu hỏi với báo Giáo dục Việt Nam: “Khi nhận được đơn của HBC, đại diện báo Giáo dục Việt Nam đã xác minh thông tin với FLC hay chưa?”, ông Tước nói, “có liên hệ và chưa nhận được trả lời”. Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Hoàng (ông Quang, người làm chứng) thì cho biết, việc xác minh thông tin với FLC như thế nào là “việc nội bộ, không cung cấp thông tin”.

Tòa xử vụ FLC kiện báo Giáo Dục Việt Nam: “Có tài liệu mà không xuất trình thì coi như không có”

Đại diện báo Giáo Dục Việt Nam trình bày trước toà sáng 30/9

HĐXX tiếp tục đặt câu hỏi với đại diện báo Giáo dục Việt Nam về quy trình xác minh với FLC và cách xác minh của báo như thế nào, đại diện báo cho biết, Ban biên tập báo chịu trách nhiệm và cơ quan báo chí có “quy trình tác nghiệp tin bài”.

HĐXX tiếp tục nhắc lại câu hỏi, “trước khi đăng, đối với bài này, báo có xác minh hay không” vì trong quá trình giải quyết, toà hỏi rõ có tài liệu chứng cứ nào phục vụ vụ kiện mà báo không cung cấp nên hồ sơ hiện tại chưa có. Ông Tước, Phó Tổng biên tập báo Giáo Dục Việt Nam nói, “không muốn tiết lộ và không cần trình thêm”.

“Chưa thấy có bằng chứng về việc xác minh của báo Giáo Dục Việt Nam với FLC. Nếu có tài liệu mà không xuất trình thì coi như không có, đấy là luật”, chủ toạ phiên toà nhấn mạnh.

Tiếp tục làm rõ quá trình xác minh thông tin, chủ toạ hỏi nhà báo Nguyễn Hoàng (ông Quang) với tư cách người làm chứng có xác minh, nếu HĐXX yêu cầu cung cấp tài liệu xác minh, nhà báo có cung cấp hay không? Ông Quang nói, cá nhân không có quyền công bố hay cung cấp cho bất kỳ ai, đây là sản phẩm của báo, và toàn bộ “chứng cứ” đã bàn giao cho Ban biên tập.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
3.50 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả