menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Quyết

Tòa: 'Xử lý Trương Mỹ Lan khung hình phạt nghiêm khắc nhất'

HĐXX xác định bà Trương Mỹ Lan phạm 3 tội như cáo trạng truy tố, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng... cần xử lý khung hình phạt nghiêm khắc nhất.

Ngày 11/4, sau nhiều giờ tóm lược nội dung vụ án, quan điểm của VKS, luật sư và các bị cáo trong hơn một tháng xét xử, TAND TP HCM đưa ra quan điểm đối với hành vi của bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 người liên quan đến các sai phạm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Do đại án có nhiều bị cáo, tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng nên phần tuyên án sẽ kéo dài. Dự kiến cuối ngày tòa sẽ đưa ra phán quyết.

Theo HĐXX, trong vụ án này các bị cáo là cán bộ SCB và nhân viên Vạn Thịnh Phát đều thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo buộc. Lời khai của các bị cáo phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án. Do đó, có đủ cơ sở xác định trước khi hợp nhất, bà Lan gián tiếp đứng tên số lượng lớn cổ phần tại 3 ngân hàng thương mại cổ phần: Sài Gòn; Đệ Nhất; Tín nghĩa.

Sau khi hợp nhất, lợi dụng chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong việc tái cơ cấu, bị cáo đã từng bước sở hữu số lượng lớn cổ phần của SCB, sử dụng nhà băng như một công cụ tài chính để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân và Hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.

Tòa trích dẫn nhiều lời khai của các bị cáo, người liên quan, bác quan điểm của bà Lan và luật sư cho rằng bà chỉ sở hữu gần 5% cổ phần; số cổ phần còn lại là của người thân, đối tác nước ngoài. Trong đó, bị cáo Cao Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Tường Việt cũng có lời khai nhận chuyển nhượng 36 triệu cổ phần SCB từ bà Lan nhưng chưa thanh toán tiền "nhưng không hiểu vì sao có tên trên sổ cổ phần".

Quá trình điều tra cũng thu giữ được sổ gốc sở hữu cổ phần do bà Lan đứng tên. Từ đó, HĐXX khẳng định đủ căn cứ xác định bà Lan là chủ sở hữu 91,5% cổ phần của SCB – nắm giữ gần như tuyệt đối tại ngân hàng này. "Bà Lan thực chất là chủ SCB, là người chỉ đạo không chỉ đối với hoạt động tín dụng mà cả nhân sự, bổ nhiệm các vị trí chủ chốt, trả lương thưởng hậu hĩnh để dễ bề chỉ đạo", bản án nêu.

Cũng theo HĐXX, SCB là ngân hàng thương mại cổ phần nên quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua khi số đông cổ đông biểu quyết thông qua. Nên việc bà Lan nắm hơn 91,5% cổ phần là thực tế đã chi phối và điều hành toàn bộ hoạt động ngân hàng.

Theo tòa, chính bà cũng đã thừa nhận có tầm ảnh hưởng đối với các bị cáo là lãnh đạo, cán bộ tại SCB. Vì vậy, dù không giữ chức vụ gì nhưng sở hữu gần như tuyệt đối cổ phần tại SCB là vi phạm quy định của Luật các tổ chức tín dụng. "Bà Lan trở thành cơ quan có quyền quyết định cao nhất tại SCB, có đủ căn cứ xác định bị cáo là chủ thể của tội phạm về chức vụ quyền hạn. Do đó, không chấp nhận quan điểm của các luật sư", HĐXX nêu quan điểm.

Với việc nắm giữ số cổ phần gần như tuyệt đối tại SCB, bà Lan đã thông qua nhóm lãnh đạo chủ chốt: Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Trương khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay vốn khống rút số tiền cả SCB.

"Như vậy, hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội Tham ô tài sản. VKS truy tố các bị cáo về các tội danh như cáo trạng là đúng quy định của pháp luật", HĐXX nêu quan điểm chấp nhận toàn bộ cáo buộc của VKS.

Để hợp thức hóa việc rút tiền và tránh bị phát hiện sai phạm, bà Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty "ma", nâng khống tài sản đảm bảo, lập hồ sơ khống, sau đó thực hiện rút tiền mặt hoặc chuyển lòng vòng nhằm cắt đứt dòng tiền. Việc đưa các tài sản đảm bảo có giá trị thấp rồi nâng khống để đảm bảo cho các khoản vay lớn chỉ là thủ đoạn nhằm chiếm tiền người dân gửi tại SCB.

Trong đó, từ năm 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo, các khoản vay đã gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Hành vi trong giai đoạn này của bị cáo là phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Do Bộ luật Hình sự 2015 có sự thay đổi về đường lối xử lý đối với các sai phạm xảy ra tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018 (Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực), nên hành vi ở giai đoạn này của bị cáo là phạm tội Tham ô tài sản.

"VKS truy tố hành vi của bị cáo trước ngày 1/1/2018 phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là phù hợp và đã có lợi cho bị cáo", tòa nhận định.

Thiệt hại của vụ án

Theo HĐXX, trong 10 năm thâu tóm SCB, bị cáo đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ hơn 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Đây là thiệt hại của vụ án.

"VKS xác định thiệt hại gồm dư nợ gốc và lãi đến ngày khởi tố vụ án là phù hợp", HĐXX nêu, bác quan điểm cần trừ lãi mà các luật sư đã đưa ra. "Đối chiếu quy định hiện hành thì việc xác định hậu quả vụ án không cần thiết phải trưng cầu giám định trong tố tụng.

"VKS áp dụng nguyên tắc có lợi, sử dụng chứng thư để loại bỏ một phần trách nhiệm của các bị cáo là có lợi cho các bị cáo", tòa nhận định.

Tòa: 'Xử lý Trương Mỹ Lan khung hình phạt nghiêm khắc nhất'

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa, sáng 11/4. Ảnh: Thanh Tùng

Ngoài ra, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, giúp nhà băng thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Trong đó, Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) đã 4 lần đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước) tổng cộng 5,2 triệu USD; đưa tiền và quà cho các thành viên đoàn thanh tra để bưng bít sai phạm, tạo điều kiện cho SCB được tiếp tục tái cơ cấu.

Quá trình điều tra, xét xử bà Lan cho rằng không phạm tội Tham ô tài sản và Đưa hối lộ, song lời khai của các bị cáo và các tài liệu chứng cứ khác có cơ sở xác định việc truy tố bị cáo về tội danh này là "không oan sai".

HĐXX ghi nhận bà Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức; hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên cần có hình phạt nghiêm khắc mới đảm bảo tính răn đe.

Những chủ chốt tại SCB

Đối với nhóm bị cáo là lãnh đạo SCB, trực tiếp nhận chỉ đạo và giúp sức tích cực cho bà Lan trong việc rút tiền của ngân hàng như: Đinh Văn Thành (đang bỏ trốn); Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc; Trương Khánh Hoàng, cựu quyền tổng giám đốc SCB; Trần Thị Mỹ Dung, cựu phó tổng giám đốc SCB... HĐXX cho rằng cũng cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc.

Đối với 5 bị cáo đang bỏ trốn, tòa cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng đã kêu gọi Đinh Văn Thành, cựu chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) - đồng phạm tích cực của bà Trương Mỹ Lan; Nguyễn Thị Thu Sương (cựu chủ tịch SCB); Chiêm Minh Dũng (cựu phó tổng giám đốc SCB); Trầm Thích Tồn (Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB); Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu phó giám đốc SCB chi nhánh Bến Thành) ra đầu thú "nhưng các bị cáo không hợp tác, đã từ bỏ quyền tự bào chữa của mình". Tuy nhiên, tòa vẫn đảm bảo quyền lợi cho 5 bị cáo, chỉ định luật sư bào chữa.

"Căn cứ toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, quá trình xét hỏi tại phiên tòa đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của cả 5 bị cáo như cáo trạng truy tố, cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo này, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật", HĐXX nêu quan điểm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại